LSVNO - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực khẳng định, tin đồn trên mạng xã hội về điều chỉnh giá điện trong bối cảnh dịch Covid-19 là hoàn thất thiệt, gây hoang mang dư luận...
Tăng giá điện là tin đồn
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương chiều 20/3, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, tính đến hết ngày 19/3/2020, sản lượng điện tiêu thụ bình quân của cả nước chỉ đạt khoảng 623 triệu kWh/ngày, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm xây dựng là 690,7 triệu kWh/ngày.
“Qua theo dõi tình hình tăng trưởng của các phụ tải điện tính đến giữa tháng 3/2020 cho thấy sản lượng điện sinh hoạt tăng cao nhất trong 5 phụ tải điện, trong khi đó sản lượng điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ có sự suy giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với kế hoạch”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng và Chỉ thị số 06 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực đã tham mưu cho lãnh đạo bộ chỉ đạo EVN và các đơn vị điện lực khác thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chi phí, giảm tổn thất điện năng và nâng cao năng suất lao động; thực hiện việc tiết kiệm chi phí thường xuyên để giảm giá thành sản xuất kinh doanh điện, qua đó không điều chỉnh tăng giá điện. Vì vậy, thông tin tăng giá điện chỉ là tin đồn.
Theo ông Tuấn, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo EVN trong năm nay không điều chỉnh tăng giá điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo EVN kiểm tra các đơn vị điện lực và các tổng công ty điện lực thực hiện nghiêm việc áp giá bán lẻ điện cho các đối tượng theo đúng quy định.
"Chúng tôi chỉ đạo EVN tập trung thứ nhất là việc áp giá bán điện phục vụ cho các khách hàng nằm trong chuỗi quá trình sản xuất và lưu thông hàng nông sản để phục vụ cho việc giải quyết hàng nông sản, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới phía Bắc được hưởng chính sách giá điện theo đúng quy định của Nhà nước. Thứ 2, cũng đôn đốc chỉ đạo các đơn vị điện lực, các sở công thương để kiểm tra giám sát công việc áp giá điện cho các đối tượng nhà trọ được hưởng giá điện do nhà nước quy định”, ông Tuấn nói.
Về những tin đồn liên quan đến điều chỉnh giá điện, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội có lan truyền thông tin nghi ngờ có điều chỉnh giá điện trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. EVN khẳng định từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương không có chỉ đạo, yêu cầu nào thực hiện việc điều chỉnh giá điện.
“Các thông tin đồn thổi trên mạng xã hội như vậy là hoàn toàn thất thiệt, giả mạo, gây hoang mang dư luận, thậm chí gây chia rẽ xã hội trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đang tập trung rất cao cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19", đại diện EVN cho hay.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đề nghị người dân và khách hàng sử dụng điện nên tìm hiểu thông tin từ các cơ quan thông tấn báo chí chính thống của Trung ương và địa phương; của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng để có thông tin chính xác.
Có thể xử lý hình sự người tung tin đồn
Luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, nếu có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Vu khống, mức phạt tù cao nhất là 7 năm.
Tùy tính chất, mức độ của hành vi gây ra hậu quả, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Có cùng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính pháp), cho biết theo điểm d, Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, làm thiệt hại kinh tế là vi phạm pháp luật.
Các luật sư cho biết hiện, việc xử phạt hành vi cung cấp thông tin sai sự thật bị phạt hành chính 20-30 triệu đồng, cá nhân bị phạt 10-15 triệu đồng, quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013.
Tuy nhiên, luật sư đánh giá áp dụng Nghị định này khi xử phạt hành vi tung tin thất thiệt trên mạng có nhiều hạn chế, mức phạt đối với một số hành vi chưa đủ sức răn đe.
"Từ đó dẫn đến vi phạm pháp luật trên không gian mạng thời gian qua diễn ra tràn lan, khó kiểm soát", luật sư Cường nhận định.
Trước đó, ngày 3/2, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện để thay thế Nghị định 174 nói trên.
Theo luật mới có hiệu lực từng tháng 4, cá nhân có hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc gây ra hậu quả sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định mới nêu rõ nếu cá nhân vi phạm hành vi này nhiều lần, không tuân thủ cam kết, gây nguy hiểm cho xã hội có thể bị xử lý hình sự.
Lâm Hạ