TUỔI ẤT TỴ
TRIỆU THỊ TRINH (225-248): Nữ anh hùng dân tộc, quê Thanh Hóa. Giỏi võ nghệ, chí khí lớn, năm 248 bà lãnh đạo nhân dân nổi dậy, quyết tâm lật đổ ách đô hộ của giặc Ngô. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng, giải phóng phần lớn lãnh thổ quốc gia. Nhà Ngô phải phái viên tướng lão luyện Lục Dận đem viện binh sang, dùng nhiều thủ đoạn chính trị xảo quyệt kết hợp với đàn áp quân sự dữ dội. Bà Triệu chiến đấu đến cùng và anh dũng hy sinh.
LÝ VĂN PHỨC (1785-1849): Danh sĩ thời Nguyễn, quê Hà Nội. Năm 1819, ông đỗ hương tiến rồi trải qua hàng loạt chức vụ quan trọng trong ba bộ Lễ - Hộ - Binh. Từng nhiều lần đi công cán Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, cống hiến lớn cho nền ngoại giao và việc nâng cao vị thế nước nhà. Là chính khách kiên định, bất khuất, ông còn là nhà văn đa tài với hàng chục tác phẩm giá trị.
ĐÀO TẤN (1845-1907): Danh sĩ, nhà soạn tuồng, quê Bình Định. Năm 1867, ông đỗ cử nhân, làm Tổng đốc Nghệ An rồi thăng tới Hiệp tá Đại học sĩ. Nổi tiếng liêm khiết, công bằng, lại tài cư xử, giỏi văn thơ, thích soạn tuồng hát nên rất được người đương thời mến trọng. Ông là nhà soạn tuồng lớn nhất Việt Nam và dày công giữ gìn, phát triển bộ môn nghệ thuật sân khấu đậm tính dân tộc này.
DƯƠNG BẠCH MAI (1905-1964): Nhà hoạt động chính trị, quê Bà Rịa-Vũng Tàu. Du học ở Paris, gia nhập Đảng Việt Nam độc lập và Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1929, ông sang Moskva liên lạc với Đảng Cộng sản Liên Xô rồi vào học tại Đại học Đông phương Stalin. Năm 1932, về nước, tích cực hoạt động chính trị và báo chí. Phong trào ái quốc do ông lãnh đạo rất phát triển nhưng bị Pháp trấn áp khốc liệt, ông bị tù đày nhiều lần. Cách mạng tháng Tám 1945, tham gia chỉ huy cướp chính quyền ở Sài Gòn rồi phụ trách công tác an ninh, ngoại giao trong Lâm ủy Nam Bộ và đóng góp xuất sắc cho phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Đà Lạt 1946. Từ năm 1947, ông ra miền Bắc, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Trung ương.

Ảnh minh họa.
TUỔI ĐINH TỴ
VŨ HỮU (1437-1530): Danh sĩ, nhà toán học thời Hậu Lê, quê Hải Dương. Thông minh toàn diện, đỗ hoàng giáp rồi làm đến chức Thượng thư (Bộ trưởng), tước Hầu và nổi tiếng là vị quan thanh liêm. Ngoài tài năng chính trị, văn thơ, ông còn là nhà toán học lớn. Bộ sách Lập thành toán pháp của ông là tác phẩm xuất sắc nhất trong nền toán học Việt Nam thời xưa.
TRƯƠNG QUỐC DỤNG (1797-1864): Đại thần đời Minh Mạng, quê Hà Tĩnh. Năm 32 tuổi, đỗ tiến sĩ, làm tới Thượng thư. Nổi tiếng liêm chính, ngay thẳng, không xu phụ kẻ quyền thế và từng nhiều lần cầm quân dẹp loạn, ông là người góp phần quan trọng giữ gìn trị an thời Nguyễn.
NAM CAO (1917-1951): Nhà văn hiện đại, quê Hà Nam. Say mê văn chương và sáng tác từ rất sớm, ông sở trường về truyện ngắn, tiểu thuyết, nổi danh bởi bút pháp độc đáo, sâu sắc và thực tả. Năm 1943, gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc, hoạt động chính trị rồi làm công tác tuyên truyền ở Việt Bắc và hy sinh năm 1951. Ông là nhà văn hiện thực hàng đầu Việt Nam và sáng tạo được nhiều nhân vật điển hình.
LÊ VĂN THỚI (1917-1983): Nhà khoa học xuất chúng, quê Tây Ninh. Thông minh, siêng năng, giàu chí tiến thủ. Tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông giành học bổng du học Pháp và đỗ tiến sĩ lý - hóa hạng ưu khi mới 30 tuổi. Những năm 1947-1957, làm việc trong ngành sư phạm và công nghiệp Pháp, phụ trách lĩnh vực hóa hữu cơ, y sinh học, vật lý cơ cấu… Năm 1958, ông về Việt Nam, làm giáo sư giảng dạy và hoạt động khảo cứu, trải qua nhiều cương vị quan trọng. Rất quan tâm và có công lớn đối với việc đặt nền móng hiện đại cho hệ thống thuật ngữ nước nhà. Uy tín khoa học, tài đức và lòng yêu Tổ quốc của ông đã nổi tiếng khắp thế giới.
TUỔI KỶ TỴ
VÕ CÔNG ĐẠO (1629-1714): Đại thần thời Hậu Lê, quê Hải Dương. Anh tuấn, uyên thâm, năm 1659 đỗ tiến sĩ, làm ngự sử kiêm việc giảng dạy trong cung vua, từng đi sứ Trung Quốc và thăng tới chức Thượng thư, tước Tử. Không những là vị quan cương trực, dũng cảm, ông còn là một nhà sư phạm lỗi lạc và đào tạo được nhiều học trò danh tiếng.
VŨ HUY TẤN (1749-1800): Danh sĩ đời Lê Hiển Tông và thời Tây Sơn, quê Hải Dương. Năm 1768, đỗ giải nguyên rồi làm Thị nội ở Viện Hàn lâm. Khi vua Quang Trung ra Bắc, ông tích cực giúp triều Tây Sơn trị nước, an dân, được thăng tới Thượng thư. Hai lần đi sứ Trung Quốc, ông rất được nể phục bởi tài ứng đối cùng thái độ quyết liệt giáng trả sự xúc phạm của quan lại nhà Thanh, bảo vệ vẹn toàn quốc thể và lòng tự tôn dân tộc.
CAO BÁ QUÁT (1809-1854): Danh sĩ đời Tự Đức, quê Hà Nội. Cực kỳ thông minh, chí khí lớn, giỏi văn chương (cùng với Nguyễn Siêu được người đương thời xưng tụng “thần Siêu thánh Quát”). Từ năm 1841, làm quan chức sư phạm, ông có công phát hiện và nâng đỡ nhiều nhân tài. Chán ghét triều đình suy đồi, năm 1854 lãnh đạo nông dân Mỹ Lương nổi dậy khởi nghĩa nhưng bị đàn áp và thất bại. Ông là tấm gương ngời sáng về tài hoa và tiết tháo nam nhi.
NGUYỄN DUY (1809-1861): Danh thần nhà Nguyễn, quê Thừa Thiên-Huế. Năm 1842, đỗ tiến sĩ, trải qua các chức vụ quan trọng và từng đi sứ nước ngoài nhiều lần. Nổi tiếng dũng cảm, xông xáo, nghị lực và nghĩa khí, ông được cử chỉ huy quân dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Sài Gòn… trực tiếp đánh giặc khi Pháp mở màn xâm lược Việt Nam. Ngày 25/02/1861, ông hy sinh oanh liệt trong cuộc huyết chiến bảo vệ đại đồn Chí Hòa.
TUỔI TÂN TỴ
PHẠM HUY (1461-…?): Văn thần đời Lê Thánh Tông, quê Nghệ An. Thạo việc chính trị, có tài ngoại giao, năm 1493 đỗ đồng tiến sĩ, từng đi sứ Trung Quốc và làm tới Thượng thư. Ông sáng danh bởi khí tiết, tinh thần chống cường quyền và hết lòng giúp đỡ người nghèo kẻ yếu.
NGUYỄN BÁ LÂN (1701-1785): Cao sĩ, nhà thơ thời Lê mạt, quê Hà Nội. Năm 30 tuổi, ông đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư, hàm Thái bảo. Khí phách ngang tàng và nổi tiếng văn chương, được người đương thời tôn xưng là 1 trong 4 “con hổ” ở kinh đô (Tràng An tứ hổ). Ông để lại những bài phú cực hay trong lịch sử văn học Việt Nam.
NGUYỄN VĂN THOẠI (1761-1829): Đại thần, nhà doanh điền thời Nguyễn, quê Quảng Nam. Năm 16 tuổi, gia nhập quân đội Nguyễn Ánh, rất trung thành và lập nhiều chiến công, được phong tới tước Hầu, làm tới Thượng đạo Tướng quân. Là võ quan xuất sắc và nhà hành chính mưu lược, sau khi Gia Long lên ngôi, ông được tin cử làm Bảo hộ Cao Miên (cai quản toàn bộ những lãnh thổ hải ngoại phụ thuộc triều Nguyễn). Ông còn tự thiết kế và chỉ huy việc đào nhiều kênh lớn ở miền tây Nam Bộ, đem lại hiệu quả đặc biệt về doanh điền, thủy lợi, giao thương và quốc phòng.
TRẦN TRỌNG KHIÊM (1821-1866): Nhà yêu nước, người Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ, quê Phú Thọ. Bất mãn với chính quyền phong kiến làng xã, năm 1843 ông rời quê xin vào làm thủy thủ cho các đoàn tàu buôn quốc tế, qua rất nhiều nước Nam Á, Tây Á, Bắc Phi, Tây Âu…, cuối cùng đến Hoa Kỳ vào năm 1850. Tham gia thám hiểm miền Viễn Tây, rồi tới bang California, làm báo và hoạt động xã hội. Năm 1854, ông về nhập cư Hồng Kông, sau đó quay trở lại Việt Nam, khai phá và định cư tại Đồng Tháp. Năm 1864, Pháp chiếm 3 tỉnh Nam Kỳ; ông cùng Võ Duy Dương tuyển mộ nghĩa quân chống giặc, làm nên những chiến thắng vang dội. Ông hy sinh tại trận năm 1866. Cuộc đời phiêu du và bi hùng của ông từng là đề tài đặc sắc cho nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh Việt Nam, Pháp, Mỹ.
TUỔI QUÝ TỴ
NGÔ CHÂN LƯU (933-1011): Quốc sư thời Đinh và Tiền Lê, quê Thanh Hóa. Uyên bác, đạo hạnh, ông tu học ở chùa Khai Phong (Hà Nội) rồi trở thành người đứng đầu dòng thiền Quan Bích. Vua Đinh Tiên Hoàng rất trọng vọng, năm 973 phong cho hiệu là Khuông Việt đại sư, chức Tăng thống, thường cùng đàm đạo việc đại sự và xin ý kiến cố vấn của ông. Thời Tiền Lê, ông tham gia rộng rãi vào công việc triều chính và có cống hiến đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại.
BÙI HOÀN KHÁNH (1473-…?): Danh thần đời Lê Thánh Tông, quê Hưng Yên. Rất giỏi văn chương, đỗ tiến sĩ lúc mới 17 tuổi và làm quan tới chức Thị lang. Giới sĩ phu mến mộ ông vì tài thơ phú, sự lịch thiệp và khí phách quân tử.
ĐẶNG THẾ KHOA (1593-1656): Danh sĩ đời Lê Thần Tông, quê Hà Nội. Dòng dõi nhà tướng nhưng ông học vấn cao rộng, văn võ song toàn, đặc biệt giản dị và cần kiệm. Từng cai quản cả vùng tây nam Bắc Bộ và đích thân cầm binh đánh bại quân Mạc. Tài giỏi, khảng khái và trong sạch, ông được nhân dân kính phục và triều đình Lê - Trịnh ưu trọng, thăng tới Tham tụng (tương đương Tể tướng).
LÊ ĐÌNH DƯƠNG (1893-1919): Chí sĩ cận đại, quê Quảng Nam. Là một lương y yêu nước, từng làm giám đốc bệnh viện, gia nhập Hội Quang phục Việt Nam và trở thành lãnh tụ của tổ chức cách mạng này. Nhân Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất xảy ra ở châu Âu, ông cùng các đồng chí tích cực chuẩn bị cuộc nổi dậy cho vua Duy Tân tại miền Trung nhằm lật đổ nền thống trị thực dân. Sắp đến ngày khởi nghĩa thì sự việc bại lộ, ông bị địch bắt và hy sinh trong ngục khi mới 26 tuổi.