/ Pháp luật bốn phương
/ Tương lai nào cho vụ kiện Trung Quốc vì Covid-19?

Tương lai nào cho vụ kiện Trung Quốc vì Covid-19?

05/01/2021 18:03 |

Khi bang Missouri ngày 21/4 đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án liên bang Mỹ vì Covid-19, nhiều người coi đây chỉ là chiêu trò chính trị.

Tổng chưởng lý bang Eric Schmitt đang tái tranh cử. Theo luật pháp quốc tế và luật Mỹ, Trung Quốc cùng các cơ quan và quan chức của họ có quyền miễn trừ khỏi những vụ kiện như vậy.

Tuy nhiên, Schmitt đã đưa ra các lập luận cụ thể: quan chức Trung Quốc ban đầu phủ nhận nCoV lây từ người sang người, yêu cầu những người cảnh báo sớm giữ im lặng, vi phạm quy định báo cáo y tế công cộng quốc tế và để cho nCoV lan rộng khắp thế giới. Họ kết luận các hành động của Trung Quốc trực tiếp gây tổn hại cho Missouri.

Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt phát biểu trước Tòa án Tối cao Mỹ ở Washington tháng 9/2019. Ảnh: AP.

Schmitt đòi Trung Quốc bồi thường cho những "mất mát to lớn về mạng sống, những đau khổ và sự bất ổn kinh tế của tất cả người dân Missouri do Covid-19". Lynn Fitch, tổng chưởng lý Mississippi, nói rằng bà dự định nộp đơn kiện tương tự.

Vụ kiện của Missouri bị nhiều người coi là không thể thành công. Các học giả về luật pháp quốc tế tin rằng Trung Quốc có thể bác bỏ các vụ kiện với lập luận rằng họ không thể bị kiện tại tòa án Mỹ. Giáo sư Pammela Quinn, người giảng dạy luật xuyên quốc gia tại Đại học Drexel ở Philadelphia, nói: "Đây là một trận chiến rất khó khăn".

Jacques deLisle, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Á tại Đại học Pennsylvania, nhận xét vụ kiện "hơi xa vời về mặt pháp lý".

Tuy nhiên, Sean Carter, cố vấn chính cho gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 kiện Arab Saudi, có quan điểm khác. Carter cho rằng vụ kiện có thể được xúc tiến, miễn là có đủ quyết tâm và hỗ trợ chính trị. Theo ông, vụ kiện 11/9, được thúc đẩy từ năm 2003, cũng đối mặt trở ngại pháp lý tương tự. Nhưng vào năm 2018, sau nhiều năm kiên trì, nhờ các cuộc điều tra và hành động của quốc hội, vụ kiện đã được xúc tiến.

Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ viện dẫn quyền miễn trừ quốc gia, khẳng định rằng với tư cách là một quốc gia nước ngoài có chủ quyền, họ không thể bị kiện tại tòa Mỹ. Nhiều học giả cảm thấy các thẩm phán Mỹ sẽ đồng ý với lập luận này, khiến vụ kiện của Missouri "chết yểu".

Quyền miễn trừ quốc gia xuất phát từ nguyên tắc một quốc gia không thể phán xét hành động của nước khác theo tiêu chuẩn pháp lý của mình. Khái niệm này xuất phát từ luật pháp phương Tây từ nhiều thế kỷ trước, được quy định trong luật quốc tế thông qua Công ước Liên hợp quốc và được nêu trong Đạo luật về Quyền Miễn trừ Quốc gia Nước ngoài (FSIA) của Mỹ năm 1976.

Nhưng FSIA quy định những trường hợp ngoại lệ gồm: quốc gia nước ngoài tài trợ hoặc hỗ trợ khủng bố chống lại Mỹ; chiếm dụng sai trái tài sản của Mỹ hoặc công dân, gây ra hành động dẫn đến thương vong ở Mỹ và tham gia vào hoạt động thương mại gây tổn hại trực tiếp đến Mỹ và công dân.

Đây là "cánh cửa" trao cơ hội cho Missouri và các nguyên đơn khác. Carter đánh giá các tòa án thường ngần ngại cho phép xúc tiến các vụ kiện như vậy, nhưng bang Missouri đã "làm rất tốt" khi trình bày lập luận phù hợp với những ngoại lệ nói trên.

Missouri đã viện dẫn hai trường hợp ngoại lệ cuối cùng của FSIA, cho rằng các hành động của chính phủ Trung Quốc trực tiếp gây chết người và mất tài sản ở Mỹ. Họ còn cáo buộc các quan chức Trung Quốc tích trữ thiết bị bảo hộ y tế cá nhân và chỉ cho xuất khẩu những thiết bị lỗi. Missouri cho rằng động thái này làm xáo trộn thị trường toàn cầu vào thời điểm khủng hoảng, gây hại cho cư dân bang.

Missouri ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm và hơn 300 người chết. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,1 triệu ca nhiễm và gần 66.000 người tử vong.

Cả Carter và Quinn đều đánh giá vụ kiện của Missouri sáng tạo vì nguyên đơn không phải là một cá nhân, như vợ con của một người chết vì nCoV hay một công nhân mất việc, mà chính là bang, thay mặt cho tất cả cư dân Missouri.

Các trường hợp viện dẫn ngoại lệ của FSIA trước đây đều là các vụ kiện thay mặt những nguyên đơn riêng lẻ, như thân nhân của nạn nhân vụ đánh bom máy bay mang số hiệu 103 của Pan Am năm 1988 tại Lockerbie, Scotland mà Libya có dính líu.

Tuy nhiên, cả Quinn và deLisle đều nhấn mạnh sự sáng tạo của Missouri có thể không đủ để đưa được Trung Quốc ra tòa án Mỹ. Luật hiện hành yêu cầu các hành vi nghiêm trọng của bị đơn phải xảy ra trên đất Mỹ. Carter cho rằng nếu có thể chứng minh Trung Quốc đã cố tình có những hành động xấu như che đậy thông tin hoặc tích trữ khẩu trang để trục lợi chứ không phải do vô tình hay bất cẩn, quốc hội có thể sửa luật để cải thiện triển vọng sống sót của vụ kiện.

Nghị sĩ từ cả hai chính đảng Mỹ đều chỉ trích các hành vi của Trung Quốc. Nhưng không rõ liệu họ có ủng hộ sửa đổi FSIA để tạo ra cơ sở cho các vụ kiện chống lại Trung Quốc hay không.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley, đại diện Missouri, và Tom Cotton, đại diện Arkansas, cùng một số hạ nghị sĩ đã kêu gọi điều tra trong nước và quốc tế về hành vi của Trung Quốc. Hawley đề xuất một dự luật nói rằng "các quyết định có chủ ý" của chính phủ Trung Quốc đã khiến Covid-19 trở thành đại dịch, vì vậy, cần tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia của Trung Quốc dù những hành động đó không xảy ra trên đất Mỹ.

Hơn nữa, họ đề xuất ra luật trao quyền cho Tổng thống hành động chống lại các quan chức Trung Quốc đã cố gắng che đậy dịch và sửa đổi FSIA để tước bỏ quyền miễn trừ của Trung Quốc.

Quốc hội đã thông qua luật tương tự 4 năm trước: Đạo luật Chống lại Những bên Tài trợ Khủng bố (JASTA), sửa đổi FSIA để cho phép gia đình các nạn nhân vụ 9/11 kiện Arab Saudi như một bên ủng hộ khủng bố. FSIA trước đây yêu cầu quốc gia bị đơn phải là những bên đã bị Mỹ coi là nhà tài trợ chính thức cho khủng bố. JASTA đã sửa đổi khía cạnh này. JASTA được thông qua với nhất trí cao từ lưỡng đảng, đảo ngược quyết định phủ quyết của Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, một số người lo ngại động thái như vậy có thể phản tác dụng. Các quốc gia khác cũng có thể thay đổi luật pháp để đáp trả, đẩy Mỹ vào những vụ kiện về hành vi của họ ở nước ngoài. Obama đã bày tỏ lo ngại như vậy khi phủ quyết JASTA. Theo deLisle, một số nghị sĩ cũng hối hận sau khi nó được thông qua.

Trong khi đó, Carter nói rằng đã 4 năm trôi qua và "không mối lo ngại nào trở thành hiện thực" và "không có hành động trả đũa nào về mặt pháp lý". Ông cho biết thêm nhiều nghị sĩ hiện tại đã giữ chức từ thời JASTA được thông qua. Do đó, họ không cần mất nhiều thời gian nghiên cứu để xem xét hành động tương tự đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, deLisle nhấn mạnh rằng JASTA chỉ đơn thuần mở rộng ngoại lệ khủng bố đã có của FSIA, trong khi đó, trường hợp của Trung Quốc đòi hỏi tạo ra "ngoại lệ hoàn toàn mới". "Một luật như vậy sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn tại quốc hội, mặc dù ác cảm của lưỡng đảng với Trung Quốc có thể là yếu tố thuận lợi", deLisle nói thêm.

"Nhưng chủ yếu vẫn là phe cánh hữu đảng Cộng hòa muốn thúc đẩy điều này và họ có khả năng không thu hút được sự ủng hộ nhiệt tình từ đảng Dân chủ, những người có thể coi đây là chiêu 'tung hỏa mù' để dư luận bớt chú ý đến những sai lầm chống dịch của chính quyền Trump".

Carter đánh giá vụ kiện của Missouri có thể mất vài năm hoặc thậm chí vài thập kỷ. Carter cho rằng để có cơ hội thành công, Missouri hay bất kỳ nguyên đơn khởi kiện Trung Quốc nào phải lên kế hoạch trường kỳ và kiên trì, vượt qua các hoài nghi hay thậm chí là thất bại. Họ phải phát triển các kế hoạch vững chắc về pháp lý, lập pháp và chính trị.

"Điều cuối cùng là các luật sư phải xác định xem các nhà lập pháp và Tổng thống có thể đi xa đến đâu, có sẵn sàng thay đổi luật một lần nữa hay không", Carter nói.

PHƯƠNG VŨ/VNE (Theo SCMP)

/viet-nam-buoc-vao-ngay-thu-17-khong-phat-hien-ca-mac-moi-covid-19-trong-cong-dong.html
/nguyen-nhan-nao-khien-bo-y-te-khong-nam-duoc-nguon-goc-gia-thanh-trang-thiet-bi-xet-nghiem-tai-cac-dia-phuong.html