/ Dọc đường tố tụng
/ Tuyên án cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng và các đồng phạm

Tuyên án cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng và các đồng phạm

05/01/2021 18:16 |

(LSVN) - Ngày 22/12, TAND TP. HCM tiến hành tuyên án vụ sai phạm tại cao tốc Trung Lương - TP. HCM gây thất thoát lãng phí 725 tỉ đồng.

Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: HOÀNG GIANG.

Theo cáo buộc, dự án đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, ứng ngân sách Nhà nước hơn 9.800 tỉ đồng để triển khai.

Với vai trò Bộ trưởng là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TP. HCM - Trung Lương tại Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng đã ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí.

Sau khi được Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, ông Đinh La Thăng đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh (Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long) giới thiệu công ty của ông Đinh Ngọc Hệ là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.

Quá trình tổ chức bán đấu giá, ông Thăng ký quyết định về việc thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và tổ thường trực giúp việc hội đồng, giao cho ông Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch.

Sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, ông Đinh Ngọc Hệ có nhiều hành vi "Cắt giảm, che giấu doanh thu nhằm chiếm đoạt", gây thất thoát hơn 725 tỉ đồng của Nhà nước.

Trong vụ án, VKSND Tối cao còn xác định nhiều người liên quan có sai phạm nhưng chưa tới mức phải xử lý hình sự.

Trong suốt quá trình xét xử, các bị cáo đã không thừa nhận tội danh mà cáo trạng đã truy tố.

Cụ thể, trong 7 ngày xét xử, nhiều lần ông Thăng phủ nhận có quen biết Hệ trước khi Bộ GTVT cho đấu giá quyền thu phí cao tốc; không gọi điện tác động cấp dưới để doanh nghiệp của ông này trúng đấu giá; đã giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Hồng Trường thực hiện xuyên suốt đề án.

Cựu Bộ trưởng nói cả quá trình thực hiện đề án chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng, một văn bản thành lập Hội đồng đấu giá và một bút phê vào tờ trình của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (hiện là Bộ trưởng GTVT) khi Công ty Yên Khánh vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền - tức là lúc việc chuyển giao quyền thu phí cho doanh nghiệp đã hoàn tất.

Theo đó, ông Thăng cho rằng không thể bị cáo buộc "chịu trách nhiệm chính" về vụ án. Ông chỉ nhìn nhận có trách nhiệm hành chính - chính trị vì là người đứng đầu Bộ GTVT, không chịu trách nhiệm hình sự.

Nguyên thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thừa nhận là người chịu trách nhiệm xuyên suốt quá trình xây dựng đề án bán quyền thu phí. Trong một năm rưỡi đó ông không bị ai tác động, không biết hồ sơ của Công ty Yên Khánh bị làm giả vì có dấu đỏ, chữ ký xanh, bảo lãnh của ngân hàng.

Còn ông Đinh Ngọc Hệ khai không quen biết Bộ trưởng Đinh La Thăng trước khi tham gia đấu giá và không nhờ vả ông này. Bị cáo cũng cho rằng Nhà nước không bị thiệt hại, bởi số tiền thu phí 725 tỉ đồng, nếu có, thuộc về Công ty Yên Khánh.

VKS khẳng định truy tố các bị cáo đúng pháp luật. Hồ sơ vụ án có rất nhiều tài liệu chứng minh ông Thăng biết rõ quá trình thực hiện đề án mua bán quyền thu phí; có mối quan hệ giữa hành vi "Cố ý làm trái" của các bị cáo thuộc Bộ GTVT với hành vi "Chiếm đoạt tài sản" của Hệ. Từ hành vi của ông Thăng và các bị cáo này, Hệ mới có cơ hội chiếm đoạt được tài sản của Nhà nước.

Từ đó VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Thăng mức án 10-11 năm tù; nguyên thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường 5-6 năm tù cùng về tội "Vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Với vai trò đồng phạm, bị cáo Nguyễn Chí Thành (quyền vụ trưởng Tài chính, Bộ GTVT) và Lê Trung Cường (chuyên viên) bị đề nghị 3-4 năm tù; Dương Tuấn Minh và Dương Thị Trâm Anh 5-6 năm tù; Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu - Tổng công ty Cửu Long) 3-4 năm.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị mức án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"; buộc bồi thường toàn bộ 725 tỉ đồng chiếm đoạt của nhà nước và 3 tỉ đồng trong vụ mua căn biệt thự Công ty Licogi 13.

12 người bị cáo buộc đồng phạm của Hệ về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bị đề nghị mức án 2-8 năm tù.

Năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt có thời hạn) trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương. Hồi đầu năm, ông tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.

Ngoài vụ án này, Đinh Ngọc Hệ đang phải thi hành 30 năm tù cho hai bản án của Tòa án quân sự Trung ương và Tòa án Quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ"; "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

TRẦN MINH

/chuan-bi-xet-xu-cuu-bo-truong-bo-cong-thuong-vu-huy-hoang.html