Nghiên cứu Điều 13 của Nghị quyết số 01, chúng ta thấy rằng, đối với khoản tiền phải trả, Tòa án xác định thời điểm bắt đầu tính lãi trong giai đoạn thi hành án bằng một trong ba thời điểm: Một là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Hai là kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm. Ba là kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án.
Trên thực tế, việc hiểu và vận dụng quy định này trong xét xử ở các Tòa án còn khác nhau, cần có cách hiểu thống nhất và cần có hướng dẫn nghiệp vụ của TAND tối cao để khắc phục tình trạng nêu trên.
Nghĩa vụ chịu tiền lãi kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm
Điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 quy định: “Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015”.
Với nội dung này, chúng ta dễ dàng hiểu là đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi (lãi suất thỏa thuận là hợp pháp) thì Tòa án quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận. Trường hợp này đã được quy định rõ và không có vướng mắc.
Tuy nhiên, vế sau của quy định trên lại có nội dung: “… nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015” (sau đây gọi tắt là vế thứ hai). Chính nội dung này đã dẫn đến các cách hiểu khác nhau:
Cách hiểu thứ nhất, trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất thì Tòa án vẫn quyết định nghĩa vụ trong giai đoạn thi hành án vẫn là kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm nhưng ấn định mức lãi suất theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự. Quan điểm này dựa trên cơ sở là hai vế của quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết số 01 là không tách rời nhau. Vế thứ hai chỉ điều chỉnh về mức lãi, còn thời điểm quyết định lãi trong bản án, quyết định vẫn là kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm.
Ví dụ 1: Bà T. cho ông U. vay nhiều lần với tổng số tiền 200 triệu đồng, có biên nhận, không ghi nhận thỏa thuận lãi. Ngoài việc tuyên buộc ông U. trả nợ, Tòa án đã tuyên: “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015” (2). Tuy vậy, cũng có trường hợp tương tự nhưng Tòa đã tuyên khó hiểu như ví dụ 2 dưới đây.
Ví dụ 2: Ông T. cho bà A. vay số tiền 250 triệu đồng, có biên nhận nợ, không thỏa thuận lãi. Thời hạn vay là 01 tháng kể từ ngày 06/12/2020. Do A. không trả, nên T. khởi kiện. Tòa án đã buộc bà A trả cho ông T. số tiền 250 triệu đồng. Đồng thời, bản án còn tuyên rằng: “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật, nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015” (3).
Nhận xét về ví dụ 2: Với quan điểm hai vế của quy định không tách rời nhau thì việc tuyên nghĩa vụ chịu lãi trong giai đoạn thi hành án kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm như trên là hợp lý. Tuy nhiên, về mức lãi Tòa án lại tuyên nếu không có thỏa thuận về mức lãi thì quyết định mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự. Điều này làm cho cách tuyên không được rõ ràng. Có lẽ, trong trường hợp này Tòa án đã có sự nhầm lẫn về chủ thể quyết định mức lãi.
Việc quyết định mức lãi phải chịu là thẩm quyền của Tòa án chứ không phải Cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp này, rõ ràng các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất trong hợp đồng thì tòa phải xác định mức lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự. Theo tác giả, nếu đứng trên quan điểm này, nghĩa vụ chịu lãi của bà A cần tuyên: “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015” như ví dụ 1 nêu trên.
Cách hiểu thứ hai, trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất thì cách tuyên về vấn đề này được áp dụng theo điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 (không xác định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm). Quan điểm này dựa trên phân tích câu chữ của điều luật. Bỡi lẽ, tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 có quy định trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong và ngoài hợp đồng mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi.
Nhận thức về quy định này cũng có các cách tuyên không thống nhất sẽ được dẫn chứng và phân tích ở mục 2 và mục 3 dưới đây.
Nghĩa vụ trả tiền lãi kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án
Cũng là tranh chấp hợp đồng vay tài sản, không thỏa thuận về lãi trong vụ việc cụ thể sau nhưng Tòa án lại có cách tuyên khác với ví dụ 1 và ví dụ 2 đã nêu trong phần trên. Chúng ta hãy xem ví dụ cụ thể dưới đây:
Ví dụ 3: Ông M. cho ông D. vay số tiền 80 triệu đồng, không tính lãi, có làm biên nhận vào ngày 27/12/2018 (âm lịch). Thời hạn vay 03 tháng. Ông D. có trả được 09 triệu đồng. Ông M. khởi kiện đòi 71 triệu đồng. Tòa án đã buộc ông D. phải trả cho ông M. số tiền 71 triệu đồng. Bên cạnh đó, Tòa án tuyên “Kể từ ngày người được thi hành án có yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành khoản tiền nêu trên thì hàng tháng phải chịu lãi suất chậm thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành” (4).
Nhận xét: Cũng là hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn, không lãi nhưng trong trường hợp này Tòa án đã tuyên khác với ví dụ 1 và ví dụ 2 về thời điểm tính lãi trong giai đoạn thi hành án. Có thể thấy, quyền lợi của người được thi hành án trong ví dụ 3 không được bảo vệ đầy đủ như trong ví dụ 1. Giả sử trong trường hợp sau khi xét xử sơ thẩm, ông D. kháng cáo. Giai đoạn xét xử phúc thẩm xuất hiện các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án nên vụ án kéo dài. Khoảng thời gian kéo dài này sẽ không được tính lãi cho ông M. Điều này là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 (5).
Có lẽ trong trường hợp này, Tòa án đã vận dụng một phần quy định của điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 với cách hiểu là trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm. Tác giả cho rằng cách hiểu này là phù hợp vì do các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn nên việc yêu cầu tính lãi quá hạn phải dựa trên cở sở yêu cầu của ông M trong giai đoạn luật định, bắt đầu từ khi nghĩa vụ trả nợ của bên phải thi hành án được ấn định bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Điều này sẽ được trình bày trong phần kết luận dưới đây.
Nghĩa vụ trả tiền lãi kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật
Đối với khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì Tòa án quyết định việc tính lãi kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Vấn đề này đã được quy định rõ, không có vướng mắc (6).
Tuy nhiên, phần còn lại của quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 lại có các cách vận dụng khác nhau và chưa chính xác. Nội dung quy định của phần này như sau:
“...hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Phân tích nội dung trên cho thấy quy định được đưa ra là khá phức tạp. Đặc biệt là gắn kết với điểm a khoản 1 của điều này. Bỡi lẽ, điểm a khoản 1 của điều luật là quy định cho trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Nội dung trên của điểm b cũng quy định trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong và ngoài hợp đồng. Do vậy, cần phân biệt rạch ròi để thống nhất trên thực tế. Chúng ta hãy tiếp tục phân tích vấn đề qua hai ví dụ sau đây.
Ví dụ 4: Cũng là một tranh chấp hợp đồng vay tài sản, không thỏa thuận lãi tương tự các ví dụ 1, 2 và 3 nêu trên nhưng Tòa án đã tuyên hoàn toàn khác. Ngày 28/6/2020, ông N. vay của ông A. số tiền 135 triệu đồng, có biên nhận, không tính lãi. Tòa án tuyên buộc ông N phải trả cho ông A số tiền trên đồng thời “Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015” (7).
Nhận xét: Bản án này tuyên về thời điểm tính lãi để cơ quan thi hành án dân sự lựa chọn trong giai đoạn thi hành án. Một là, kể từ ngày án có hiệu lực nếu thuộc trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án. Hai là, kể từ ngày có đơn yêu cầu của người được thi hành án. Tuy nhiên, khoản tiền mà tòa đã tuyên là nghĩa vụ phải thực hiện theo hợp đồng và thuộc thường hợp thi hành án khi có đơn yêu cầu. Bỡi lẽ, việc thi hành nghĩa vụ này không thuộc các trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (8). Do vậy, trong trường hợp này nếu Tòa án vẫn vận dụng điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 thì chỉ nên tuyên kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án như ví dụ 3 nêu trên.
Ví dụ 5: Ngày 16/01/2020, anh L. cho anh N. vay 100 triệu đồng, không tính lãi. Thời hạn trả là 02 tháng. Tòa án đã buộc anh N. trả cho anh L. số tiền trên và tuyên “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì hàng tháng người phải thi hành án phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự” (9).
Nhận xét: Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, thời điểm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và thời điểm người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án là không thể đồng nhất, trừ trường hợp người được thi hành án nộp đơn thi hành án đúng vào ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Mặt khác, theo điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 thì căn cứ để xác định hai thời điểm này là hoàn toàn khác nhau, thậm chí là ngược nhau. Do vậy, cách tuyên của bản án trên là chưa phù hợp.
Kết luận, kiến nghị
Cùng tính chất là hợp đồng vay tài sản, không thỏa thuận về lãi nhưng đã có ít nhất 05 bản án tuyên khác nhau về xác định thời điểm tính lãi trong giai đoạn thi hành án. Điều này là do việc nhận thức về quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 chưa thống nhất. Theo tác giả, để giải quyết các vấn đề trên cần thống nhất nhận thức hai vấn đề sau:
Thứ nhất, qua phân tích quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 thấy rằng, điểm này quy định việc quyết định lãi, lãi suất cho trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà trong hợp đồng các bên có thỏa thuận về “mức lãi suất nợ quá hạn”. Do vậy, đối với việc chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên không có thỏa thuận “mức lãi suất nợ quá hạn” thì không áp dụng điểm này.
Kiến nghị bỏ quy định của vế thứ hai “nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015” của điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01. Bỡi lẽ, quy định này dễ gây nhầm lẫn như phân tích nêu trên. Đồng thời, trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong và ngoài hợp đồng đã được quy định tại điểm b cùng điều luật.
Thứ hai, nhận thức về quy định “trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01.
Ta thấy, khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (sửa đổi, bổ sung Điều 36 Luật Thi hành án Dân sự năm 2008) về các trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án, bao gồm:
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ Nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ Nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
e) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Như vậy, nếu khoản tiền Tòa án tuyên trong bản án rơi vào các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ và e khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự nêu trên thì thời điểm tính lãi cần tuyên là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Riêng đối với khoản tiền phải trả (điểm b khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự), chúng ta chia thành hai trường hợp. Một là, khoản tiền chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên không thỏa thuận lãi. Hai là, khoản tiền chậm thực hiện thuộc nghĩa vụ ngoài hợp đồng.
Đối với khoản tiền chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên không thỏa thuận lãi thì không thuộc trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án nên thời điểm tính lãi trong bản án, quyết định tính từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án. Chẳng hạn, nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng, tiền phạt hợp đồng, tiền bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, nghĩa vụ trả tiền trong xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng, hủy hợp đồng…
Đối với khoản tiền chậm thực hiện nghĩa vụ ngoài hợp đồng khác thì tuyên thời điểm tính lãi trong bản án, quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Chẳng hạn các trường hợp trả lại tiền cho đương sự bị chiếm đoạt trái phép trong vụ án hình sự, trả lại tiền bị chiếm giữ trong vụ án hành chính…
(1) Điều 13 Nghị quyết số 01. (2) http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta627567t1cvn/chi-tiet-ban-an (3) http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta744460t1cvn/chi-tiet-ban-an (4) http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta744460t1cvn/chi-tiet-ban-an (5) khoản 1 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”. (6) Điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01. (7) http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta747457t1cvn/chi-tiet-ban-an (8) Có 6 trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án gồm: a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí tòa án; b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; e) Quyết định của tòa án giải quyết phá sản. (9) http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta747454t1cvn/chi-tiet-ban-an |
NGUYỄN CHẾ LINH
TAND TP. Cần Thơ