(LSVN) - Hợp đồng công chứng được hiểu là giao dịch bằng văn bản giữa các bên được tổ chứng hành nghề chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết và các giấy tờ từ bản gốc được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác. Nội dung này cong được quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 hợp đồng công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định Luật Công chứng năm 2014. Việc công chứng hợp đồng tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên nhưng cũng có trường hợp bắt buộc như điều khoản của hợp đồng nhằm đảm bảo quyền lợi về sau giữa các bên khi thực hiện.
Ảnh minh họa.
Tại Điều 52 Luật Công chứng năm 2014 hợp đồng công chứng chỉ vô hiệu khi người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Người có quyền đề nghị ở đây bao gồm các đối tượng sau: Công chứng viên; người yêu cầu công chứng; người làm chứng; người phiên dịch; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
Hợp đồng công chứng bị hủy bỏ khi nào?
Hợp đồng công chứng muốn việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch chỉ khi thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 51 Luật Công chứng năm 2014 bao gồm:
- Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
- Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành.
- Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
- Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch đã quy định.
Ngoài ra, tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Do đó, một văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu khi không đáp ứng được điều kiện nêu trên.
Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là một loại việc do tòa án giải quyết được quy định tại khoản 11, Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Từ các quy định trên có thể thấy, hợp đồng công chứng bị tuyên bố vô hiệu nếu hợp đồng đó vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên liên quan trong hợp đồng gọi chung là người có quyền, đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
Một số bản án về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu:
Bản án 22/2021/DS-PT ngày 04/03/2021 về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu
- Cấp xét xử: Phúc thẩm.
- Cơ quan xét xử:Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
- Trích dẫn nội dung: "Thời điểm bà Nguyễn Thị X và ông Nguyễn Khắc M lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà Nguyễn Thị B và ông Hoàng Văn H1 thì bà X không biết chữ nên không viết được, không đọc được. Do vậy khi công chứng bắt buộc phải có người làm chứng. Tuy nhiên, hợp đồng công chứng do Văn phòng công chứng N lập lại không có người làm chứng, chỉ có bà X điểm chỉ là vi phạm khoản 1, Điều 9 Luật công chứng 2006".
Bản án về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu số 06/2019/DS-PT
- Cấp xét xử: Phúc thẩm.
- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình.
- Trích dẫn nội dung: “Năm 2015 chị Q phát hiện 05 thửa đất của anh đã chuyển nhượng lại cho ông L, bà L nên chị Q điện thoại báo cho anh biết, đến tháng 9/2017 anh về nước và đã làm thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố 05 Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 3346, 3347, 3348, 3349 và 3350; Quyển số 07 TP/CC-SCC giữa anh và ông Hoàng V L, bà Nguyễn Thị Hồng L do V phòng công chứng Nhất T công chứng ngày 15/7/2015 vô hiệu, vì chữ ký và dấu vân tay trong 05 Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên không phải của anh".
Bản án về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu số 209/2017/DS-PT
- Cấp xét xử: Phúc thẩm.
- Cơ quan xét xử: TAND cấp cao tại tại TP. Hồ Chí Minh.
- Trích dẫn nội dung:"Xét quá trình Văn phòng công chứng T tiến hành các thủ tục công chứng đối với hợp đồng tặng cho tài sản nêu trên đã có một phần sơ xuất trong khâu kiểm tra nên để xảy ra việc bà Th cho người khác thay bà T ký và lăn tay vào văn bản công chứng. Bản án sơ thẩm nhận định lỗi dẫn đến việc văn bản công chứng vô hiệu do bà Th và Văn phòng Công chứng T là có căn cứ".
Bản án 183/2017/DS-PT ngày 01/12/2017 về tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu
- Cấp xét xử: Phúc thẩm.
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
- Trích dẫn nội dung: “xác định bà X đã 91 tuổi, tại thời điểm năm 2011 bà X bị lãng tai, mắt đã mờ, tay run không thể ký tên. Do cụ X không đọc được nhưng khi công chứng viên chứng nhận bản di chúc nói trên không yêu cầu người làm chứng chứng kiến là không tuân thủ đúng theo quy định”.
Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỒNG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Hết thời hiệu chia thừa kế, thì trường hợp này di sản giải quyết ra sao?