/ Hoạt động Luật sư
/ UBND các tỉnh, thành cần ưu tiên bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn Luật sư tại địa phương

UBND các tỉnh, thành cần ưu tiên bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn Luật sư tại địa phương

23/05/2022 04:33 |

(LSVN) - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng, có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, ưu tiên bố trí trụ sở làm việc ổn định cho Đoàn Luật sư tại địa phương theo quy định.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày 21/4/2022, được nêu rõ trong Thông báo Kết luận số 136/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 06/5/2022.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhưng được hưởng chế độ như các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Do vậy, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, quán triệt và thực hiện đúng chủ trương của Bộ Chính trị; tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trước đây về các nội dung liên quan đến kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình hiện nay.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan, báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước ngày 20/5/2022 về cơ chế thực hiện chủ trương của Đảng về việc Liên đoàn Luật sư Việt Nam được hưởng chế độ như tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong bối cảnh các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa được sửa đổi (Luật Luật sư, Luật Đất đai, Luật Ngân sách,…).

Về trụ sở của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và trụ sở của một số Đoàn Luật sư địa phương: Trong khi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa được sửa đổi, bổ sung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội thực hiện đúng Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng, khẩn trương xem xét, thực hiện việc hỗ trợ, bố trí trụ sở phù hợp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam để bảo đảm cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam ổn định về tổ chức và hoạt động; đồng thời, chủ động thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến việc bố trí trụ sở lâu dài, ổn định cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam để có thể thực hiện được ngay khi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được sửa đổi, bổ sung.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng, có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, ưu tiên bố trí trụ sở làm việc ổn định cho Đoàn Luật sư tại địa phương theo quy định.

Các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của từng Bộ để thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội quần chúng tại Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị.

Trụ sở Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hoà.

Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hoà được thành lập vào tháng 3 năm 1990. Trải qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, từ khi chỉ có 8 Luật sư thành viên, đến nay đã có trên 100 Luật sư thành viên. Đoàn Luật sư tỉnh là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Luật sư thành viên, là tổ chức thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hoà.

Theo đó, Đoàn Luật sư tỉnh đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các Luật sư thành viên trong hành nghề, thực hiện chức năng tự quản, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng đội ngũ Luật sư có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, góp phần  bảo vệ  quyền con người, bảo vệ công lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước.       

Hơn 30 năm qua, trụ sở của Đoàn được đặt tại số 13 Hoàng Hoa Thám, TP. Nha Trang, là sử dụng ghép tại trụ sở của Sở Tư pháp và nay là 1 phòng (tầng 2) thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, với diện tích nhỏ, chỉ đủ chỗ cho dưới 10 người ngồi. Hội nghị, tọa đàm, tập huấn, bồi dưỡng, Đoàn phải trích kinh phí tự đóng góp của các Luật sư thành viên để thuê hội trường nơi khác để tổ chức. Đây là tồn tại khó khăn, hạn chế của Đoàn cho đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, bố trí trụ sở làm việc ổn định phù hợp với tính chất hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, dù đoàn đã nhiều lần kiến nghị.

Trước đó, vào tháng 4/2021, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam có Công văn số 19-CV/ĐĐ gửi Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa và Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị hỗ trợ kinh phí đi lại cho các Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh được cử đi dư Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng đề nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là chưa phù hợp theo luật quy định Luật Ngân sách, vì Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa không thuộc hội có tính chất đặc thù hoạt trong phạm vi tỉnh Khánh Hòa được Nhà nước đảm bảo, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách theo quy định tại khoản 8, Điều 8 Luật Ngân sách và Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 17/02/2011.  

Nay, với kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hy vọng trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng, có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, ưu tiên bố trí trụ sở làm việc ổn định cho Đoàn Luật sư tại địa phương.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Vai trò của Luật sư trong vụ án ly hôn và nguyên tắc tự định đoạt của đương sự

Lê Minh Hoàng