Vai trò của Luật sư trong vụ án ly hôn và nguyên tắc tự định đoạt của đương sự

19/05/2022 22:16 | 1 năm trước

(LSVN) - Khác với các loại án dân sự khác như kinh doanh thương mại, tranh chấp đất đai, tài sản, lao động…, các đương sự trong vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình (hay còn gọi là vụ án ly hôn) không chỉ tranh chấp về tài sản, quyền tài sản mà còn tranh chấp, mẫu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, con cái, cấp dưỡng; cùng với đó là trách nhiệm với thế hệ tương lai, hệ lụy với vợ, chồng, con cái sau ly hôn. Luật sư tham gia bảo vệ cho khách hàng trong vụ án không chỉ cần tuân thủ nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng mà Luật sư còn cần phải là người bạn đồng hành, biết lắng nghe, động viên, hỗ trợ khách hàng trên cơ sở đạo đức nghề nghiệp và quy định của pháp luật.

Vai trò, trách nhiệm của Luật sư tham gia bảo vệ cho khách hàng trong vụ án ly hôn thể hiện rất rõ khi áp dụng nguyên tắc tự định đoạt của đương sự được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tại Điều 5. Cụ thể:

"1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội".

Đương sự quyết định việc có khởi kiện hay không khởi kiện, nếu có thì khởi kiện cái gì, khởi kiện ai, khởi kiện như thế nào, khởi kiện thời điểm nào; Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi khởi kiện của các bên; Tòa án chấp nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bên, chấp nhận việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của đương sự nếu không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, cũng như xuất phát từ thói quen, sự phức tạp của pháp luật việc nhận diện mối quan hệ pháp luật cần giải quyết, sau đó lựa chọn hướng giải quyết, cách thức giải quyết, quy định pháp luật để giải quyết… là điều rất khó cho người dân. Trong nhiều trường hợp, người dân hầu như không thể tự mình thực hiện các quyền này nếu không có sự tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ của người có chuyên môn trong đó có Luật sư.

 Luật sư có vai trò, trách nhiệm sử dụng kinh nghiệm, vốn sống, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp để ổn định tâm lý cho khách hàng trong vụ án ly hôn. Các cụ ta có câu “Cả giận, mất khôn”, trong khi đương sự trong vụ án ly hôn nói chung (nhất là nữ giới) thường bị tổn thương về mặt tâm lý, dẫn đến cảm xúc, lý trí không có lợi trong quá trình giải quyết vụ án. Luật sư là người hỗ trợ về mặt pháp luật phải có biện pháp để ổn định tâm lý cho khách hàng, tránh hoặc hạn chế đến mức thấp nhất sự bức xúc của khách hàng trong quá trình giải quyết vụ án. 

Luật sư cần phân tích, chỉ rõ phạm vi, nội dung các mối quan hệ pháp luật cần giải quyết, chỉ ra thuận lợi, khó khăn để khách hàng quyết định những mối quan hệ sẽ đề nghị Tòa án giải quyết. Trong vụ án ly hôn, Tòa án thường phải giải quyết các mối quan hệ chính nếu đương sự có yêu cầu gồm: quan hệ vợ chồng, tức Tòa án có cho ly hôn hay không; quan hệ cấp dưỡng, tức trách nhiệm cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên sau ly hôn; quan hệ con chung, tức việc giao con chung cho bố hoặc mẹ sẽ là người được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con sau ly hôn; quan hệ về tài sản, tức tài sản chung của vợ chồng, tài sản với bên thứ ba có liên quan, công nợ liên quan vợ chồng, cách chia, tỷ lệ được chia…

Quyền tự định đoạt của đương sự buộc một hoặc các bên trong vụ án ly hôn phải đưa ra yêu cầu thì Tòa án mới giải quyết. Thực tế hiện nay có nhiều vụ án, Tòa án chỉ giải quyết mối quan hệ vợ chồng mà không giải quyết một hoặc toàn bộ các mối quan hệ khác trong vụ án ly hôn. Điều đó dẫn đến hậu quả sau này nếu các bên không tự thỏa thuận được sẽ tiếp tục phải khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết bằng vụ án khác. Khi đó vừa mất thời gian, công sức, tiền bạc và đặc biệt trong bối cảnh các bên đã được Tòa án tuyên ly hôn tiếp tục phải đối diện với nhau trong các vụ kiện khác, thường bên bị kiện sẽ thiếu hợp tác thậm chí có ứng xử không phù hợp. Trong vụ án ly hôn, Luật sư cần phân tích, đánh giá chỉ ra cho khách hàng thấy được những thuận lợi, khó khăn nếu khách hàng chỉ đề nghị Tòa án giải quyết một hoặc một số mối quan hệ. Cá nhân tôi luôn có quan điểm sẽ đề nghị Tòa án giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan cho khách hàng nếu không thỏa thuận được ngay trong vụ án ly hôn, trừ trường hợp bất khả kháng.

Quyền đưa ra yêu cầu là của đương sự nhưng yêu cầu đó có phù hợp pháp luật hay không, có căn cứ để chấp nhận hay không lại do các bên tự thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định chứ không phải do ý chí chủ quan của đương sự. Người Luật sư có trách nhiệm tìm hiểu, phân tích, định hướng để khách hàng đưa ra yêu cầu tránh việc bỏ lọt quyền lợi của khách hàng nhưng cũng không nên đưa ra các yêu cầu thiếu căn cứ pháp lý, không phù hợp thực tiễn sẽ bị Tòa án bác hoặc phía bên kia có phản ứng thái quá. Ví như luật quy định khi ly hôn, về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ nuôi nhưng Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người chồng bỏ qua quy định này cùng thực tế con đang do mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc con rất tốt và chỉ bám vào yếu tố huyết thống với quan niệm con trai để bố nuôi mà từ đó định hướng cho khách hàng tranh chấp quyền nuôi con sẽ không phù hợp.

Luật sư định hướng, tư vấn cho đương sự đạt được sự tự thỏa thuận nhiều nhất có thể trong vụ án ly hôn không chỉ vì quyền lợi của khách hàng nhất thời mà còn vì quyền lợi lâu dài của con, gia đình và chính khách hàng sau này. “Việc dân sự cốt ở đôi bên”, Tòa án tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của đương sự nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Ly hôn, tranh chấp trong ly hôn ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của con cái và chính các bên sau ly hôn. Việc tự thỏa thuận, giảm bớt tranh chấp để giải quyết khi có mâu thuẫn không thể hàn gắn không những vì con mà còn vì chính bản thân vợ, chồng. Mặt khác, khi tham gia vụ án, nhiều khi đương sự ở vào tình trạng “tình ngay, lý gian”, có những nội dung không chứng minh được.

Luật sư Trần Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang.

Luật sư tư vấn, định hướng, hỗ trợ khách hàng thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong vụ án ly hôn. Ví dụ, trong quá trình giải quyết vụ án, Luật sư cùng khách hàng điều tra, xác minh, thu thập được các tài liệu, chứng cứ chứng minh người vợ, người chồng phía bên kia trong thời kỳ hôn nhân đã góp vốn, đứng tên sở hữu một số cổ phần trong các doanh nghiệp, đứng tên trên sổ tiết kiệm, giấy tờ nhà đất khác… Với quy định “Mọi tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng trừ tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng”, trong trường hợp này, Luật sư mặc nhiên suy luận đó là tài sản mà khách hàng của mình sẽ được chia, từ đó hướng dẫn khách hàng bổ sung yêu cầu khởi kiện.

Trong vụ án dân sự, bên thua kiện sẽ mất án phí nếu có tranh chấp với bên thứ ba. Do vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, Luật sư luôn theo sát vụ việc, nghiên cứu, đánh giá đúng tình trạng pháp lý, tính có căn cứ và khả năng được chấp thuận hay không để tư vấn, hướng dẫn khách hàng rút một phần yêu cầu khởi kiện hoặc xem xét chấp thuận phương án hòa giải do đương sự đối lập đưa ra. Ví dụ, trong vụ án ly hôn, vợ chồng mới cưới ở chung gia đình nhà chồng, khi ly hôn người vợ đưa ra yêu cầu được chia một phần bất động sản của gia đình nhà chồng sẽ khó được chấp thuận. Trong khi đó, gia đình nhà chồng đã chấp thuận hỗ trợ cho người vợ một khoản tiền mặt. Với tình huống này, Luật sư nên cân nhắc việc thuyết phục khách hàng chấp thuận yêu cầu hòa giải.

Trên thực tế, với các Luật sư dầy dạn kinh nghiệm làm án vụ án dân sự, trong quá trình giải quyết vụ án có thể dần dần đánh giá, tiên lượng được kết quả giải quyết của Tòa án: vụ án phức tạp hơn dự tính ban đầu, vụ án có khả năng bất lợi cho khách hàng… Nhưng với trách nhiệm bảo vệ khách hàng, bảo vệ công lý, khi nhận định vụ việc có căn cứ, người Luật sư phải có niềm tin vào pháp luật và lẽ phải; Luật sư sẽ kiên trì, bền bỉ thu thập chứng cứ, đấu tranh vì quyền lợi của khách hàng. Thực tế có nhiều bản án, quyết định của Tòa án các cấp đã bị hủy, bị sửa theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc bị kháng nghị theo thủ tục đặc biệt. Người Luật sư không vì động cơ, lợi ích cá nhân mà sao nhãng, thiếu trách nhiệm, tìm cách rút dần ra khỏi vụ án, thậm chí là bỏ rơi khách hàng của mình. Với đạo đức nghề nghiệp, người Luật sư phải tiếp tục đồng hành cùng khách hàng trong vụ án cũng như hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục kháng cáo, khiếu nại, kiến nghị sau phiên tòa theo quy định của pháp luật.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn và không có lãi