/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ UBTVQH nhất trí đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá

UBTVQH nhất trí đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Giá sửa đổi. Tại đây, UBTVQH đã nhất trí đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá.

Đâu là bức xúc của nhân dân về sách giáo khoa?

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, tại dự thảo Luật Giá sửa đổi, Chính phủ dự kiến bổ sung thêm 2 mặt hàng vào diện quản lý giá là sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng.

Thẩm tra vấn đề trên, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu. Giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh.

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa, không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm quyền lợi của người dân. Đồng thời, cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đồng tình với việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá bởi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân. Bên cạnh đó, riêng dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ có nghị quyết riêng trình Quốc hội ban hành thực hiện.

Như vậy, qua rà soát đối với 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ đã đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ và bổ sung thêm 2 nhóm hàng hóa, dịch vụ vào danh mục. Danh mục cụ thể sẽ gồm 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ định giá. Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá, cơ quan soạn thảo cho biết, đã bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về giá nói chung cũng như định giá của Nhà nước nói riêng.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã bỏ cấp định giá Chính phủ và quy định rõ nguyên tắc xác định thẩm quyền định giá của Thủ tướng Chính phủ, cấp bộ và cấp UBND tỉnh. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược, đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân. Bộ Tài chính định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý, hàng hóa dịch vụ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quản lý và ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Bộ, cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành, quản lý theo quy định của pháp luật. HĐND, UBND cấp tỉnh định giá hàng hóa, dịch vụ có tính địa bàn theo phạm vi quản lý.

PV

Đề xuất giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn: Liệu có hợp lý?

Nguyễn Mỹ Linh