/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới trong giáo dục nhân quyền toàn cầu

Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới trong giáo dục nhân quyền toàn cầu

10/01/2024 06:35 |

(LSVN) - Tuyên ngôn toàn thế giới về Giáo dục và đào tạo nhân quyền ngày 09/12/2011 là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, khẳng định mạnh mẽ quyền của mọi cá nhân được hưởng giáo dục nhân quyền, xác định rõ các nhà nước có nghĩa vụ pháp lý bảo đảm và thúc đẩy quyền này của người dân. Tuyên ngôn xác định: Giáo dục và đào tạo về nhân quyền phải tranh thủ và sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông mới. Hơn 20 năm đầu của thế kỷ XXI, thông tin và công nghệ mới phát triển mạnh mẽ với những thành tựu đáng ngạc nhiên. Sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông mới không những không cản trở mà còn tiếp thêm sức mạnh, là công cụ hữu hiệu cho giảng dạy và thúc đẩy giáo dục nhân quyền toàn cầu. Bài viết phân tích nội dung và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới để thúc đẩy giáo dục nhân quyền toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Ảnh minh họa.

Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền toàn cầu

Ngày 09/12/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền(1) (Tuyên ngôn). Đây là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, khẳng định mạnh mẽ quyền của mọi cá nhân được hưởng giáo dục nhân quyền, xác định rõ các nhà nước có nghĩa vụ pháp lý bảo đảm và thúc đẩy quyền này của người dân. Tuyên ngôn bao gồm 14 điều tái khẳng định các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc về khuyến khích và thúc đẩy việc tôn trọng tất cả các quyền con người và những tự do căn bản cho tất cả mọi người bất kể chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo. Tuyên ngôn khẳng định rằng mỗi cá nhân và mỗi tổ chức trong xã hội phải nỗ lực bằng việc tổ chức giảng dạy và giáo dục để thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền và những tự do căn bản của con người. Tuyên ngôn tái khẳng định thêm rằng mỗi người có quyền về giáo dục, và quyền đó phải đưa đến sự phát triển toàn diện của cá tính con người và lòng tự trọng, cho phép tất cả từng người tham gia hiệu quả vào một xã hội tự do và thúc đẩy sự thấu hiểu, lòng khoan dung và tình bằng hữu giữa tất cả các quốc gia và tất cả các nhóm chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo, cũng như thúc đẩy các hoạt động của Liên hợp quốc để duy trì hòa bình, an ninh, thúc đẩy phát triển và nhân quyền.

Tuyên ngôn xác định rõ ràng rằng nhà nước có nghĩa vụ, như đã nêu trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền 1948; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và trong các công ước nhân quyền khác. Nhà nước phải bảo đảm rằng giáo dục là nhằm củng cố sự tôn trọng các quyền con người và tự do căn bản của mỗi người.

Tuyên ngôn ghi nhận tầm quan trọng căn bản của giáo dục nhân quyền trong việc góp phần thúc đẩy, bảo vệ và thực thi hiệu quả tất cả các quyền con người. Tuyên ngôn tái khẳng định tuyên bố của Hội nghị thế giới về Nhân quyền tổ chức tại Vienna năm 1993, trong đó kêu gọi tất cả các nhà nước và các tổ chức đưa nhân quyền, luật nhân đạo, dân chủ và nguyên tắc thượng tôn pháp luật vào chương trình của tất cả các tổ chức đào tạo. Hội nghị đã tuyên bố rằng giáo dục nhân quyền nên bao gồm hòa bình, dân chủ, phát triển và công bằng xã hội, như đã đưa ra trong các công ước nhân quyền quốc tế và khu vực, để đạt được một cách hiểu và nhận thức chung với xu thế tăng cường cam kết toàn cầu về nhân quyền.

Tuyên ngôn cũng đồng thời nhắc lại kết quả 5 của Hội nghị Thượng đỉnh năm 2005, trong đó những người đứng đầu các chính phủ và nhà nước đã ủng hộ việc thúc đẩy giáo dục và học tập về nhân quyền ở mọi cấp học và trình độ đào tạo, bao gồm việc thực thi Chương trình Giáo dục nhân quyền toàn cầu và khuyến khích tất cả các nhà nước đưa ra những sáng kiến trong lĩnh vực này.

Tuyên ngôn khuyến khích các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, từ nguyện vọng của mỗi quốc gia, đưa ra những tín hiệu mạnh mẽ cho cộng đồng quốc tế để tăng cường mọi nỗ lực về giáo dục nhân quyền thông qua những cam kết chung giữa tất cả các bên có liên quan nhằm thúc đẩy giáo dục nhân quyền toàn cầu.

Chính vì giá trị rõ ràng và cao cả như vậy, Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền của Liên hợp quốc không chỉ là lời hiệu triệu ngọt ngào và nhân ái, mà còn là những cam kết với những nội dung rất cụ thể giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trở thành bộ phận quan trọng của hệ thống pháp luật nhân quyền quốc tế. Ngay trong toàn bộ nội dung Tuyên ngôn đã thể hiện rất rõ mục đích, yêu cầu và nội dung giáo dục nhân quyền toàn cầu, xác định tính trách nhiệm cao đối với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, cụ thể như sau:

(1) Trước hết, Tuyên ngôn xác định rằng, giáo dục nhân quyền là rất cần thiết cho việc thúc đẩy sự tôn trọng và việc thực thi trên toàn cầu tất cả các quyền và tự do căn bản cho tất cả mọi người theo các nguyên tắc quyền con người có tính phổ quát, không thể tách rời và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quyền con người. Tất cả mọi người đều có quyền biết, tìm kiếm và tiếp nhận thông tin về tất cả các quyền con người và tự do căn bản của con người. Mọi người đều có quyền tiếp cận được với giáo dục về nhân quyền. Việc thụ hưởng hiệu quả tất cả các quyền con người, đặc biệt là quyền về giáo dục và tiếp cận thông tin, cho phép tiếp cận giáo dục về nhân quyền.

(2) Tuyên ngôn xác định hoạt động giáo dục nhân quyền bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, học tập nâng cao nhận thức và các hoạt động học thuật nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và chấp hành trên toàn cầu về tất cả các quyền con người và các tự do căn bản của con người; qua đó thúc đẩy việc ngăn chặn các vi phạm và lạm dụng nhân quyền bằng cách chu cấp cho mọi người kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết, xây dựng thái độ và hành vi; trao cho họ khả năng đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy một văn hóa toàn cầu về nhân quyền. Tuyên ngôn xác định giáo dục nhân quyền bao gồm những nội dung sau đây:

Giáo dục những kiến thức về nhân quyền, bao gồm việc cung cấp kiến thức và sự hiểu biết về các quy tắc và nguyên tắc về nhân quyền, các giá trị nền tảng của nhân quyền và các cơ chế để bảo vệ nhân quyền;

Giáo dục thông qua nhân quyền, bao gồm việc học tập và giảng dạy theo cách thức tôn trọng các quyền của cả người dạy và người học; Giáo dục vì nhân quyền, bao gồm việc tôn trọng quyền của mọi người, tạo điều kiện để mỗi người có thể thụ hưởng và thực thi các quyền của họ và để mỗi người tôn trọng và phát huy các quyền của người khác.

(3) Giáo dục nhân quyền cần sử dụng các ngôn ngữ và phương pháp phù hợp với các nhóm đối tượng, có tính đến những nhu cầu và điều kiện cụ thể của họ. Giáo dục nhân quyền là một quá trình suốt đời, liên quan đến mọi lứa tuổi. Giáo dục nhân quyền liên quan đến mọi bộ phận của xã hội ở mọi cấp độ, bao gồm giáo dục trước tiểu học, tiểu học, trung học và giáo dục bậc cao, có tính đến tự do học thuật trong bất kỳ điều kiện có thể áp dụng, và bao gồm mọi hình thức giáo dục, đào tạo và học tập dù trong điều kiện công hay tư, chính quy, phi chính quy hay không chính quy. Giáo dục nhân quyền bao gồm cả dạy nghề, đặc biệt là đào tạo giáo viên, giảng viên và cán bộ nhà nước, bao gồm giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông và các hoạt động thông tin đại chúng và nâng cao nhận thức. Tuyên ngôn xác định giáo dục nhân quyền phải dựa trên các nguyên tắc của Tuyên ngôn toàn cầu về nhân quyền, hệ thống các công ước quốc tế về quyền con người và các công cụ pháp lý về bảo vệ nhân quyền có liên quan để: Theo đuổi việc hiện thực hóa hiệu quả tất cả các quyền con người và thúc đẩy sự khoan dung, bình đẳng, không phân biệt đối xử; Xây dựng một văn hóa toàn cầu về nhân quyền, trong đó mọi người nhận thức về các quyền và trách nhiệm của bản thân trong việc tôn trọng các quyền của người khác, thúc đẩy sự phát triển của cá nhân trở thành một thành viên có trách nhiệm của một xã hội hòa bình, đa nguyên và hòa nhập; Nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự chấp thuận các tiêu chuẩn và nguyên tắc nhân quyền phổ quát, bảo đảm việc bảo vệ các quyền con người và tự do của con người, ở cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia; Bảo đảm các cơ hội công bằng cho tất cả mọi người thông qua tiếp cận với giáo dục nhân quyền có chất lượng, mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào; Đóng góp vào việc ngăn chặn các vi phạm và lạm dụng nhân quyền, đấu tranh và xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, bất công, phân biệt chủng tộc, kỳ thị và kích động hận thù, những thái độ có hại và những thành kiến, định kiến là cơ sở cho sự tồn tại của chúng.

(4) Giáo dục nhân quyền, dù được tiến hành bởi chủ thể công hay tư, phải được dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, đặc biệt là giữa trẻ em nam và nữ và giữa phụ nữ và nam giới, nhân phẩm, hòa nhập và không phân biệt đối xử. Giáo dục nhân quyền phải tiếp cận được và sẵn sàng với tất cả mọi người và phải tính đến những thách thức và rào cản cụ thể, những nhu cầu và nguyện vọng của những người ở trong những hoàn cảnh hoặc các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người khuyết tật; thúc đẩy sự thực hiện quyền và phát triển con người; đóng góp vào việc xóa bỏ những nguyên nhân của việc loại trừ, phân biệt đối xử; làm cho mọi người đều có thể thực thi tất cả các quyền của họ. Giáo dục nhân quyền phải nắm bắt và làm phong phú thêm, cũng như lấy cảm hứng từ sự đa dạng của các nền văn minh, tôn giáo, văn hóa và các truyền thổng của những nước khác nhau, như đã được phản ánh trong tính toàn cầu của nhân quyền. Giáo dục nhân quyền phải tính đến các hoàn cảnh khác nhau về kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến địa phương nhằm khuyến khích thực hiện mục tiêu chung là đạt được tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người. Giáo dục nhân quyền phải tranh thủ và sử dụng truyền thông, các công nghệ thông tin và truyền thông mới để thúc đẩy tất cả các quyền con người và tự do căn bản. Các hình thức hoạt động văn hóa nghệ thuật nên được khuyến khích như là một biện pháp đào tạo và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực nhân quyền.

(5) Nhà nước và các cơ quan chính phủ liên quan có trách nhiệm trong việc thúc đẩy và bảo đảm rằng việc giáo dục nhân quyền được xây dựng và thực hiện theo tinh thần tham gia, hòa nhập và có trách nhiệm. Nhà nước cần tạo ra môi trường an toàn và khuyến khích sự tham gia của xã hội dân sự, khu vực tư nhân cũng như các bên tham gia có liên quan khác trong giáo dục nhân quyền, trong đó các quyền con người và tự do căn bản của mọi người, bảo gồm cả những người tham gia vào quá trình giáo dục nhân quyền, phải được bảo vệ một cách toàn diện. Nhà nước phải tiến hành các bước, tự mình và thông qua hỗ trợ và hợp tác quốc tế, để bảo đảm huy động tối đa nguồn lực sẵn có, liên tục tiến bộ trong việc thực thi giáo dục về nhân quyền thông qua các hình thức thích hợp, bao gồm cả việc thông qua các biện pháp về chính sách, pháp luật và hành chính. Nhà nước và các cơ quan nhà nước có liên quan phải bảo đảm việc đào tạo thích đáng về nhân quyền và về luật nhân đạo quốc tế, luật hình sự quốc tế cho các cán bộ nhà nước, công chức, thẩm phán, nhân viên hành pháp và nhân sự trong quân đội, công an; thúc đẩy việc đào tạo phù hợp về nhân quyền cho giáo viên, giảng viên, những người làm công tác giáo dục cũng như nhân viên trong khu vực tư nhân hoạt động nhân danh nhà nước.

Nhà nước phải xây dựng, hoặc thúc đẩy việc xây dựng, ở mức độ phù hợp, các chiến lược và chính sách với các kế hoạch hành động và chương trình để thực thi giáo dục về nhân quyền, ví dụ thông qua việc lồng ghép vào trường học và các chương trình đào tạo. Trong đó, nhà nước phải tính đến Chương trình Giáo dục nhân quyền toàn cầu với những nhu cầu và ưu tiên cụ thể của từng quốc gia và địa phương. Việc xây dựng, thực thi, đánh giá và tiếp tục thực hiện các chiến lược, chương trình hành động, chính sách và các kế hoạch hành động phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các cơ quan nhân quyền quốc gia, để thúc đẩy các sáng kiến nhiều bên.

(6) Nhà nước nên thúc đẩy việc thành lập, phát triển và kiện toàn các cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập, theo các nguyên tắc về hiện trạng của cơ quan nhân quyền quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền (các nguyên tắc Paris), công nhận rằng các cơ quan nhân quyền quốc gia có thể đóng một vai trò quan trọng và khi cần thiết sẽ đóng vai trò điều phối trong việc thúc đẩy giáo dục nhân quyền thông qua các biện pháp bao gồm việc nâng cao nhận thức và huy động các nguồn nhân lực liên quan. Nhiều tác nhân trong xã hội, bao gồm các tổ chức giáo dục, truyền thông, các gia đình, cộng đồng địa phương, các thiết chế xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, những người bảo vệ nhân quyền và khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và thực hiện các hoạt động giáo dục nhân quyền. Các thiết chế xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác được khuyến khích bảo đảm việc giáo dục nhân quyền phù hợp cho cán bộ và nhân viên của mình.

(7) Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực cần thực hiện giáo dục nhân quyền cho nhân viên dân sự, quân sự và cảnh sát phục vụ trong phạm vi chức năng của tổ chức mình. Hợp tác quốc tế ở mọi cấp độ nên hỗ trợ và kiện toàn các nỗ lực quốc gia, bao gồm và khi có thể, ở cấp địa phương, để thực thi giáo dục nhân quyền. Các nỗ lực bổ sung lẫn nhau và được điều phối ở cấp quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương có thể đóng góp hiệu quả hơn vào việc thực hiện giáo dục và đào tạo về nhân quyền. Tự nguyện tài trợ cho các dự án và sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo quyền con người cần được khuyến khích. Các cơ chế nhân quyền quốc tế và khu vực, trong phạm vi chức năng của mình, đưa giáo dục nhân quyền vào công việc của mình. Nhà nước được khuyến khích để đưa vào, nếu phù hợp, thông tin về các biện pháp họ đã thực hiện trong lĩnh vực giáo dục nhân quyền trong các báo cáo quốc gia với những cơ chế nhân quyền liên quan. Nhà nước phải có các biện pháp phù hợp để bảo đảm thực hiện hiệu quả và tiếp nối Tuyên ngôn này cũng như luôn sẵn sàng các nguồn lực cần thiết trong việc thực thi đó.

Những nội dung của Tuyên ngôn về Giáo dục và đào tạo nhân quyền toàn cầu trên đây cho thấy: Một là, giáo dục nhân quyền là cần thiết và cấp bách trên toàn cầu, đối với Liên hợp quốc và tất cả các thành viên Liên hợp quốc; Hai là, giáo dục nhân quyền không chỉ nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nhân quyền mà còn nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa nhân quyền toàn cầu; Ba là, bản thân giáo dục nhân quyền cũng là quyền con người; trách nhiệm tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền này ở mỗi quốc gia trước hết thuộc về nhà nước. Bốn là, Tuyên ngôn không những xác định sự cần thiết mà còn chỉ ra rất rõ yêu cầu, nội dung, tiêu chí, chương trình, phương pháp, cách thức giáo dục nhân quyền để mỗi quốc gia thúc đẩy việc thực hiện. Năm là, trong phương pháp giáo dục nhân quyền phải luôn chú ý ứng dụng các thành tựu phát triển của khoa học, công nghệ, “phải tranh thủ và sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông mới”.

Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới để thúc đẩy giáo dục nhân quyền toàn cầu

Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới trong lĩnh vực giáo dục nhân quyền là việc áp dụng, sử dụng kết hợp những phát minh, những thành tựu của công nghệ hiện đại vào hoạt động giảng dạy, học tập nâng cao nhận thức về nhân quyền; đổi mới phương pháp, hình thức và công cụ giáo dục nhân quyền trong hệ thống giáo dục quốc dân và đặc biệt là trong giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông.

Theo phương pháp giáo dục truyền thống, giáo dục là quá trình truyền đạt, tiếp thu và lĩnh hội để xây dựng hệ thống kiến thức, hình thành kỹ năng, rèn luyện thái độ, tư tưởng, tình cảm. Còn phương pháp giáo dục hiện đại cho rằng giáo dục là quá trình vận động sáng tạo của hoạt động tư duy, là quá trình kiến tạo, nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, phát hiện, luyện tập, khai thác và xử lý thông tin… giúp cho việc hình thành tri thức, hiểu biết, năng lực và phẩm chất. Phương pháp giáo dục truyền thống chú trọng đến việc cung cấp và tiếp thu tri thức, kỹ xảo, học để thi cử, có bằng cấp. Dạy học ngày nay chú trọng đến việc rèn luyện tư duy phân tích, tổng hợp, đặc biệt là tư duy phản biện, khuyến khích sáng tạo, tăng cường hợp tác, dạy phương pháp, rèn kỹ năng đọc hiểu và tự nghiên cứu. Môi trường giáo dục là môi trường tự do học thuật với phương pháp giáo dục khai phóng, cả thầy và trò đều lao động trong môi trường trí tuệ năng động. Nội dung của giáo dục truyền thống thường gói gọn trong sách vở, sách giáo khoa, giáo trình và phụ thuộc vào trình độ, phạm vi hiểu biết và kỹ năng của người dạy. Với giáo dục hiện đại, cả người dạy và người học đều được tiếp cận tri thức nhân loại từ nhiều nguồn khác nhau: nhà giáo, sách, báo, bảo tàng, các học liệu mở, các phương tiện thông tin truyền thông, qua internet, mạng xã hội và các công nghệ truyền thông mới... Việc khai thác tìm hiểu thông tin để nâng cao trình độ, rèn luyện thái độ và kỹ năng được thực hiện trong môi trường hết sức sinh động, cơ động và linh hoạt, học ở trường, lớp, học online, học trong phòng thí nghiệm, thực nghiệm ở hiện trường, thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp, tự học cá nhân, học và làm việc theo nhóm... Và trên hết, đó là việc ứng dụng một cách phổ biến những ứng dụng của khoa học công nghệ mới, hiện đại vào công tác giảng dạy và học tập ở trường và xây dựng xã hội học tập.

Có thể khẳng định rằng việc ứng dụng khoa học công nghệ và phương tiện truyền thông mới trong giáo dục nhân quyền nói chung và đổi mới phương pháp giáo dục nhân quyền trong hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng ở các quốc gia có vai trò, ý nghĩa vô cùng to lớn và cực kỳ quan trọng, thể hiện ở những nội dung sau đây: Thứ nhất, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới vào giáo dục nhân quyền toàn cầu thúc đẩy giáo dục mở, giúp hoạt động giáo dục nhân quyền đạt hiệu quả cao hơn, góp phần hình thành văn hóa nhân quyền toàn cầu trong toàn bộ xã hội. Cùng với giáo dục mở là tài nguyên học liệu mở, giúp hoạt động giáo dục nhân quyền kết nối với khối lượng kiến thức nhân văn khổng lồ của toàn bộ lịch sử nhân loại. Tài nguyên học liệu mở là một xu hướng tất yếu của phát triển giáo dục nhân quyền hiện đại.

Thứ hai, với công nghệ thông tin và truyền thông mới, việc giáo dục nhân quyền toàn cầu dễ dàng thu thập, tổng hợp, lưu trữ được lượng kiến thức phong phú đa dạng và được cập nhật thường xuyên về chính sách pháp luật và thực tiễn nhân quyền. Công nghệ mới giúp nâng cao quyền hưởng thụ thông tin và tri thức, truy cập tức thời các nguồn tri thức, từ kiến thức phổ thông tới tri thức chuyên sâu, kết quả của những tư duy bác học… đều có thể dễ dàng tìm kiếm trong các kho dữ liệu và thư viện điện tử, các công cụ tìm kiếm, các hệ thống tra cứu, các “máy” tìm kiếm (search engines). Trong giáo dục nhân quyền toàn cầu hiện đại, nhà giáo dục là người hướng dẫn cách thức khai thác thông tin dồi dào, đa chiều từ internet và các công nghệ hiện đại, giúp thực hiện các quyền cá nhân trong quá trình học tập, rèn luyện, đề cao tinh thần học tập chủ động, phát huy tối đa tính sáng tạo của từng người trong thực hiện quyền được hưởng thụ giáo dục nhân quyền, xây dựng văn hóa nhân quyền toàn cầu.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới thực hiện giáo dục nhân quyền toàn cầu mang lại sự tiện lợi bởi không gian và thời gian trở nên rất linh hoạt và năng động. Người học có thể là bất cứ ai, có thể tự học ở mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc vào địa giới hành chính và biên giới quốc gia. Ứng dụng công nghệ và truyền thông mới về giáo dục nhân quyền toàn cầu cho phép tất cả mọi người có thể tham gia thảo luận một vấn đề nào đó về nhân quyền (case study) dưới nhiều hình thức khác nhau: hội thảo, hội nghị, tổ chức lớp học, thành lập nhóm online… mà không nhất thiết phải tập trung tại một địa điểm, không bắt buộc ở cùng một quốc gia. Qua đó góp phần tạo ra một xã hội học tập rộng lớn mà ở đó, người học có thể chủ động học tập, trao đổi kiến thức, trau dồi kinh nghiệm suốt đời, nâng cao năng lực hưởng thụ các quyền và tự do trong thời đại công nghệ mới.

Thứ tư, việc áp dụng các nền tảng số trong giáo dục nhân quyền toàn cầu tạo ra các cơ hội để: kết nối hạ tầng trong mọi lĩnh vực, mọi khâu của quá trình giáo dục; tăng khả năng tương tác và sự linh hoạt cho giáo dục nhân quyền trong không gian và thời gian thực-ảo, môi trường học tập thực- ảo (physical-cyber environment interaction). Quá trình tương tác với các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng robot trong giáo dục, công nghệ nhận diện khuôn mặt (face recognition), tâm trắc (biometrics), nhận diện cảm xúc (emotive recognition)… sẽ tạo ra các cơ hội để thực hiện quyền tiếp cận thông tin mới, đa dạng và hiệu quả hơn, tăng khả năng tiếp cận, xử lý thông tin; nới rộng không gian, môi trường; phát triển năng lực tư duy sáng tạo trong quá trình giáo dục.

Trong tương lai, nếu không kể đến những tác động tiêu cực, thậm chí xuất hiện những tội phạm công nghệ mới chống lại con người vi phạm nghiêm trọng các quyền và tự do cơ bản của con người, thì truyền thông và công nghệ mới trong phát triển giáo dục nhân quyền được dự báo sẽ tiếp tục tạo nên những tiền đề rất thuận lợi để tổ chức các quá trình giáo dục nhân quyền mới, những bước phát triển mới về chất theo các xu hướng sau: tăng tính tương tác giữa các quyền cá nhân trong tổ chức hoạt động giáo dục với các “gói” nội dung rất mở và rất linh hoạt; tạo chuỗi giá trị và gắn kết cao giữa xã hội với cộng đồng người học, với đơn vị đào tạo, đơn vị tuyển dụng; tạo dựng chuỗi liên kết, hệ sinh thái giáo dục nhân quyền.

Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới để thúc đẩy giáo dục nhân quyền ở Việt Nam hiện nay

Là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế trong Bộ luật Nhân quyền quốc tế, Công ước ICCPR và hệ thống các công ước về nhân quyền, Việt Nam đã sớm thể chế hóa, Hiến định các quyền con người trong Hiến pháp(2) và hệ thống pháp luật; đồng thời chú trọng triển khai các tuyên ngôn và công ước gắn với những cải cách, đổi mới sâu rộng và toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp, dân chủ hóa đời sống chính trị và dân sự, thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ xác định rất rõ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam: một là, tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện các quyền con người; hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về các quyền con người; ba là, tiếp tục thúc đẩy các quyền con người thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục và đào tạo; bốn là, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu các điều ước quốc tế có liên quan và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ theo quy định của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Quyết định số 1252/QĐ-TTg xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành; kết quả dự kiến cũng như lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc triển khai hiệu quả Hiến pháp và các công ước quốc tế về quyền con người ở Việt Nam là một sự ghi nhận rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy nhân quyền, cải thiện và tạo ra sự thay đổi tích cực trong quá trình tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người cho tất cả mọi người.

Ngày 05/9/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân(3) với quan điểm: quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn về quyền con người; bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Chiến lược Phát triển giáo dục và Chiến lược phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011- 2020; bảo đảm tính tư tưởng, khoa học, liên thông và thực tiễn của việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục, phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo; bảo đảm thực hiện việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, cập nhật và phù hợp với xu hướng tiến bộ của khu vực và thế giới. Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân(4). Với quy định của Hiến pháp, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và nhiều văn bản chỉ đạo khác, việc giáo dục nhân quyền đã được nhận thức và nâng cao thêm một bước quan trọng: đã tổ chức được không ít các hội nghị, hội thảo khoa học về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người; bắt đầu biên soạn tài liệu, giáo trình; tập huấn đội ngũ giảng viên, giáo viên để thực hiện lồng ghép nội dung quyền con người vào các chương trình giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, quản lý, các nhà giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong giáo dục đại học, bắt đầu từ Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó là nhiều cơ sở đào tạo đã có nhiều đồ án tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ viết và bảo vệ thành công các đề tài nghiên cứu về quyền con người.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được về giáo dục nhân quyền, việc tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo về giáo dục nhân quyền còn không ít hạn chế, chủ yếu vẫn nằm trong văn bản. Việc biên soạn tài liệu, giáo trình về quyền con người, xây dựng hệ thống học liệu và các website nhân quyền còn rất chậm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên, giảng viên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục quyền con người chưa cao. Việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, giáo dục quyền con người còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tác động tích cực của việc triển khai các đề án về giáo dục nhân quyền, đặc biệt là chưa có phương án thiết thực để ứng dụng công nghệ và truyền thống mới để tăng cường chất lượng giáo dục nhân quyền... Các cán bộ lãnh đạo, quản lý, các ban điều hành Đề án và cơ quan quản lý giáo dục các cấp chưa nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ mới trong giáo dục quyền con người, chưa thật sự sâu sắc và chưa làm hết trách nhiệm trong công việc này. Hoạt động kiểm tra, giám sát và tổ chức, thúc đẩy thực hiện chưa thường xuyên; việc bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện chưa đầy đủ; chưa chủ động phân bổ dự toán chi thường xuyên và tạo nguồn kinh phí hợp lý để thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ mới trong giáo dục nhân quyền, xây dựng văn hóa nhân quyền. Có thể nhận xét rằng, vấn đề giáo dục nhân quyền tại Việt Nam đã bắt đầu được quan tâm nhưng gặp rất nhiều khó khăn; đưa giáo dục nhân quyền vào các chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân mới bắt đầu tại một vài cơ sở giáo dục đại học với một số chuyên ngành hẹp và gặp nhiều lúng túng; ứng dụng công nghệ và truyền thống mới để tăng cường chất lượng giáo dục nhân quyền gần như vẫn đang là tư duy xa xỉ.

Để ứng dụng công nghệ và truyền thống mới, tăng cường chất lượng giáo dục nhân quyền ở Việt Nam hiện nay thì phát triển giáo dục nói chung và giáo dục nhân quyền phải đặt trong môi trường của thời đại công nghệ số. Với sự bùng nổ của internet và công nghệ số, việc người dạy và người học sở hữu những chiếc máy tính hay điện thoại thông minh có kết nối internet ngày càng trở nên ảnh hưởng trực tiếp đến phương pháp dạy và học, làm thay đổi hoàn toàn phương thức giáo dục truyền thống, vươn tới một không gian giáo dục mở, chủ động và toàn cầu. Những nền tảng số cho giáo dục nói chung và giáo dục nhân quyền cần được ứng dụng rộng rãi ở hầu hết các trường đại học và các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

Có thể thấy có ít nhất 4 thách thức đặt ra trong chất lượng giáo dục nhân quyền đang và sẽ phải đối mặt trong kỷ nguyên truyền thông và công nghệ mới ở Việt Nam.

Một là, nhu cầu về quyền được giáo dục thường xuyên và suốt đời ngày càng tăng ở Việt Nam trong một thế giới mà tốc độ phát triển của công nghệ mới theo cấp số nhân, hàng ngày tạo ra sự thay đổi nhanh chóng. Việc giáo dục nhân quyền ở Việt Nam cũng phải được phát triển rất nhanh, liên tục và cập nhật để có thể đáp ứng được những đòi hỏi cao của xây dựng văn hóa nhân quyền toàn cầu, không chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân mà trong toàn bộ xã hội, không chỉ đối với quyền con người mà trước hết đối với vai trò, trách nhiệm của Nhà nước.

Hai là, những yêu cầu, đòi hỏi về nhân quyền và giáo dục nhân quyền ngày càng cao phù hợp với sự phát triển của truyền thông và công nghệ mới đặt ra các thách thức trực tiếp đối với nhà trường và các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Trong một thế giới mở với rất nhiều sự lựa chọn, thậm chí không bị ràng buộc bởi giới hạn địa lý, người học sẽ tìm đến những cơ sở giáo dục đại học cung cấp được dịch vụ giáo dục tốt nhất, tôn trọng và bảo đảm quyền của người học, bảo đảm giáo dục khai phóng và tự do học thuật, ứng dụng có hiệu quả tốt nhất các thành tựu công nghệ mới để phát triển chất lượng giáo dục của nhà trường.

Ba là, sự phát triển nhanh chóng về công nghệ giáo dục như trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật… là những tác nhân mới sử dụng công nghệ mới và dữ liệu phong phú, thông tin dồi dào và nhanh nhẹn để đưa ra các phương pháp tiếp cận mới, thay thế nhằm đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng đang thay đổi, những nhu cầu đa dạng của người học. Những gã khổng lồ công nghệ mới như Google, Microsoft, Amazon… cung cấp chương trình giáo dục dựa trên trí tuệ nhân tạo, được cá nhân hóa, không tốn kém và rất thông dụng đương nhiên tạo ra sức cạnh tranh cực kỳ lớn đối với giáo dục truyền thống, nhất là trong lĩnh vực giáo dục nhân quyền vốn đang rất nhạy cảm nhưng lại đang rất chậm trễ ở Việt Nam hiện nay.

Bốn là, mặc dù đào tạo để có bằng cấp vẫn còn giá trị, đặc biệt là chủ nghĩa khoa cử, bằng cấp, chuộng hình thức vẫn đang thống trị và thịnh hành nặng nề ở Việt Nam, nhưng sự phát triển công nghệ mới tiến tới một thực tế với việc tập trung nhiều hơn vào khả năng tự động, trí tuệ thông minh và kỹ năng ứng xử chứ không đơn giản là bằng cấp, danh hiệu. Hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và giáo dục nhân quyền đang đứng trước thách thức và cơ hội phải chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, ứng dụng nhanh chóng truyền thông và công nghệ mới, đặc biệt trong nâng cao chất lượng giáo dục nhân quyền ở Việt Nam.

Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu...; Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục”(5). Để phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội hiện đại, nhất thiết phải đổi mới căn bản giáo dục và thực hiện giáo dục nhân quyền theo hướng ứng dụng truyền thông và công nghệ mới, phát huy tính tích cực, chủ động của cả người dạy và người học để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong phát triển giáo dục nói chung và giáo dục nhân quyền, xây dựng văn hóa nhân quyền trong toàn bộ xã hội. Tinh thần đó đã có rất nhiều ý được gợi mở và thể hiện ở 7 quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. 

(1) UN Declaration on Human Rights Education and Training - 09/12/2011.

(2) Chương II Hiến pháp năm 2013.

(3) Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 về việc phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

(4) Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

(5) Điều 61 Hiến pháp năm 2013.

PGS.TS.LS CHU HỒNG THANH

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Đề xuất trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

Nguyễn Mỹ Linh