Ảnh minh họa.
Thời gian qua, lực lượng CSGT cả nước đã ra quân xử lý vi phạm về nồng độ cồn với phương châm "không có ngoại lệ, không có vùng cấm". Đặc biệt, Bộ Công an thành lập 06 tổ công tác trực tiếp đôn đốc, kiểm tra vi phạm ở 58 tỉnh, thành phố.
Từ ngày 30/8 - 15/10, 06 tổ công tác đã bàn giao cho công an địa phương xử lý 6.391 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có 6.119 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; 46 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đã uống rượu bia, nhưng dắt xe máy đi qua chốt kiểm tra nồng độ cồn. Vậy, theo quy định pháp luật thì những trường hợp này có bị kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn không?
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, pháp luật hiện hành quy định, đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, ô tô không được phép trong máu, trong hơi thở có nồng độ cồn hay chất kích thích. Mọi người điều khiển phương tiện vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, đối với trường hợp người sử dụng phương tiện chỉ dắt xe mà không ngồi lên xe để điều khiển thì CSGT không có căn cứ xử lý vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, nếu trường hợp người điều khiển phương tiện uống rượu bia mà thấy CSGT rồi xuống xe dắt bộ để tránh né chốt CSGT, là một trong những hành vi đối phó, thì có thể bị xử lý.
Với tình huống nêu trên, nếu CSGT có căn cứ trước đó người uống rượu bia điều khiển xe; hoặc có camera ghi lại hình ảnh trước đó người uống rượu bia điều khiển xe, mà khi tới gần chốt của CSGT, người này xuống dắt xe máy qua thì việc CSGT kiểm tra đo nồng độ cồn, xử phạt vi phạm là đúng với quy định.
"Người uống rượu bia rồi sẽ mất tỉnh táo, dễ gây tai nạn giao thông. CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn là để ngăn chặn tài xế đã mất tỉnh táo tiếp tục điều khiển phương tiện, dễ gây nguy hiểm cho bản thân tài xế và người tham gia giao thông. Vì thế, các tài xế không nên đối phó để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người", Luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo.
Liên quan nội dung này, đại diện Đội CSGT số 6 (Công an TP. Hà Nội) cho biết, nếu khi uống bia rượu xong, chủ phương tiện dắt xe ngay từ quán nhậu về nhà thì đó là hành vi có ý thức.
Những trường hợp này CSGT không xử lý nhưng vẫn sẽ nhắc nhở không điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Còn trường hợp cố tình xuống dắt xe khi gặp chốt sẽ bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra theo đúng quy trình vì trong tổ công tác đã tổ chức bố trí lực lượng quan sát từ xa, hoặc sẽ có người đi đường làm chứng. Nếu tài xế vi phạm nồng độ cồn cố tình đối phó bằng việc gặp CSGT dừng xe thì vẫn sẽ bị xử lý theo quy định.
TRẦN MINH
Trách nhiệm hình sự đối với hành vi giết người của người dưới 15 tuổi