Ảnh minh họa.
Theo Quy tắc 3 Bộ Quy tắc đạo đức đã nêu rõ, Luật sư có trách nhiệm trong việc giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của Luật sư. Cụ thể, Mục 3.1 Quy tắc 3 đã nhấn mạnh: Luật sư coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ Luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; xây dựng, củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với Luật sư và nghề Luật sư.
Nghề Luật sư là một ngành nghề đặc biệt, bởi lẽ nghề Luật sư không chỉ gắn liền với hình ảnh cá nhân mà còn có sức ảnh hưởng và tác động đến giá trị tư tưởng của xã hội. Thông qua hoạt động hành nghề, người Luật sư đã góp phần bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng trong xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Nghề Luật sư luôn lấy tinh thần thượng tôn pháp luật, hướng về sự thật, công lý, công bằng của xã hội. Chính vì thế, việc xây dựng uy tín và giá trị cá nhân đóng vai trò quan trọng và quyết định đến sự nghiệp hành nghề của một người Luật sư. Xây dựng uy tín càng cao, người Luật sư càng được khách hàng tin tưởng và an tâm giao phó trọng trách bảo vệ các quyền lợi pháp lý của mình. Sự uy tín của người Luật sư thể hiện thông qua năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, phong cách ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp, nhanh chóng, đúng pháp luật.
Do đó, để xây dựng uy tín nghề Luật sư, tại Mục 3.2 Quy tắc 3 Bộ Quy tắc đạo đức có nêu: Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn; giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề Luật sư.
Bên cạnh sự uy tín thì trách nhiệm của người Luật sư cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng trong quá trình hành nghề. Đó là bổn phận, nghĩa vụ của cá nhân Luật sư theo quy định của pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Luật sư. Qua đó, Quy tắc 5 Bộ Quy tắc đạo đức có nhấn mạnh: Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Ngoài ra, tại Điều 24 Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2012) có quy định trách nhiệm của người Luật sư khi nhận và thực hiện vụ, việc của khách hàng như sau:
- Luật sư tôn trọng sự lựa chọn Luật sư của khách hàng; chỉ nhận vụ, việc theo khả năng của mình và thực hiện vụ, việc trong phạm vi yêu cầu của khách hàng.
- Khi nhận vụ, việc, Luật sư thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng.
- Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho Luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng.
Nghề Luật sư là nghề nghiệp gắn liền với sự tôn nghiêm của pháp luật. Do vậy, nghề Luật sư luôn bị sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật, đồng thời phải tuân thủ những quy tắc đạo đức hành nghề. Trách nhiệm của người Luật sư chính là những chuẩn mực, quy tắc mà Luật sư phải tuân thủ hoặc những điều mà Luật sư không được làm khi hành nghề. Điều đó góp phần nâng cao uy tín của nghề Luật sư và cũng chính là đặc trưng của nghề Luật sư. Chính vì thế, trong quá trình hành nghề, ngoài năng lực chuyên môn, người Luật sư cần phải đặt chữ “Tín” và chữ “Tâm” lên hàng đầu, nỗ lực hoàn thiện bản thân, luôn bám sát và tuân thủ các quy định pháp luật cũng như quy tắc đạo đức hành nghề Luật sư.
Như vậy, người Luật sư mới phát huy được các giá trị tốt đẹp và cao quý của nghề Luật sư, đóng góp những điều tích cực cho xã hội và trở thành những người bảo vệ công lý đáng tin cậy.
THANH THỊNH
Luật sư cần cẩn trọng khi viết bài, phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng