/ Bút ký Luật sư
/ Vài gợi ý nhỏ cho một định hướng lớn

Vài gợi ý nhỏ cho một định hướng lớn

22/12/2021 17:10 |

(LSVN) - Nhiệm kỳ qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Liên đoàn) đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận. Công tác tổ chức từ Liên đoàn đến các Đoàn Luật sư địa phương (ĐLS) được củng cố, phát triển, các Ủy ban của Liên đoàn đã có nhiều chương trình hành động thiết thực, cụ thể tham gia cải thiện môi trường hoạt động thuận lợi hơn cho Luật sư, vừa đóng góp vào các chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, cho hoạt động tư pháp nói riêng.

  Phiên họp lần thứ XIII Hội đồng Luật sư toàn quốc. 

Đội ngũ Luật sư Việt Nam đang tăng khá nhanh về số lượng, cải tiến một bước về chất lượng. Các lĩnh vực hoạt động của Luật sư như tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đào tạo và bồi dưỡng đều thu được các kết quả khả quan, từng bước đặt nền móng khá vững chắc cho giai đoạn phát triển sắp tới. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển chung, đối chiếu với số lượng Luật sư đang hành nghề với số vụ việc (qua thống kê các năm) cho thấy số vụ việc bình quân mỗi Luật sư làm trong năm là rất ít, lại không đều. Nhiều Luật sư hầu như không có việc trong thời gian dài, số Luật sư “thất nghiệp” bán phần chiếm tỷ lệ khá cao, số Luật sư sống được bằng nghề tỷ lệ chưa nhiều, nếu không muốn nói là còn ít.

Xã hội và một số cán bộ, cơ quan nhà nước, nhất là cán bộ tố tụng, tuy đã từng bước có cái nhìn thay đổi tích cực về vai trò của Luật sư nhưng nhìn chung chưa đánh giá cao chất lượng của đội ngũ Luật sư hiện nay. Còn một tỷ lệ khá lớn các doanh nghiệp chưa dùng đến dịch vụ tư vấn pháp luật, phần vì họ chưa coi trọng vai trò của pháp luật, vai trò của Luật sư, phần vì cách tiếp cận của các Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư, các tổ chức đại diện Luật sư chưa thật hiệu quả.

Về phía mình, các Luật sư của ta chưa chuyên sâu theo nghiệp vụ tranh tụng hay tư vấn, theo từng lĩnh vực như hình sự, kinh tế, hành chính, lao động, hôn nhân và gia đình… Điều này một phần do khách quan là thị trường khách hàng chưa phát triển, nhu cầu cần Luật sư chuyên ngành chưa cao, khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp chưa bền vững, phần nữa là phụ thuộc vào chất lượng xét xử, sự tôn trọng trí tuệ, tính chuyên nghiệp của Luật sư từ phía các cơ quan tố tụng không phải ở đâu, lúc nào cũng chuẩn.  

Theo báo cáo của ĐLS TP. Hồ Chí Minh năm 2020, Đoàn có 6.213 Luật sư, trong đó số văn phòng Luật sư là 890, công ty luật là 738, Luật sư hành nghề cá nhân là 351. Số lượt Luật sư tham gia các vụ án gồm hình sự (cả chỉ định Luật sư), dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính là 4.497 vụ, nghĩa là 01 Luật sư tham gia chưa đến 0,7/vụ/năm, trong khi riêng án kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh năm 2020 đã gần 2.200 vụ.

Nhận ra các vấn đề còn tồn tại để tìm các giải pháp khắc phục các tồn tại đó là điều cần phải làm từ mỗi Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư, các ĐLS và của Liên đoàn.

Việt Nam hiện nay có khoảng gần 700 nghìn doanh nghiệp nội, hàng chục nghìn doanh nghiệp FDI và hơn 3 triệu hộ kinh doanh, trên 350 hiệp hội doanh nghiệp ở trung ương và địa phương, gần một trăm hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Về phía Liên đoàn, chúng ta có trên 16.000 Luật sư, 63 ĐLS địa phương. Tuy phần, đông doanh nghiệp Việt là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nhưng các doanh nghiệp này đã được thử thách qua thời gian, đứng vững được trước sự khắc nghiệt của môi trường cạnh tranh, chuyển đổi và hội nhập, từng bước khẳng định trên thương trường nội địa và vươn ra quốc tế. Đó sẽ là thị trường tiềm năng cho các Luật sư Việt Nam nhằm bảo vệ, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp này.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp FDI đến từ hàng trăm quốc gia trên thế giới với hệ thống pháp luật khác nhau, hoạt động trong điều kiện pháp luật Việt Nam đang từng bước thay đổi, hoàn thiện để phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập rất sâu rộng nên các doanh nghiệp FDI cũng rất cần sự hỗ trợ pháp luật của các Luật sư Việt Nam. Mỗi tỉnh thành đều có từ vài đến vài chục hội, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp đa hoặc chuyên ngành. Nếu các ĐLS địa phương thiết lập được các quan hệ với các tổ chức này để qua đó, tạo điều kiện cho các Luật sư, ngoài việc tự thân tiếp cận, có thêm thuận lợi hơn trong tiếp cận doanh nghiệp tại các địa phương này.

    Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc.

Về phía Liên đoàn, hình thức tương tự với hàng trăm hiệp hội ngành hàng như dệt may, da giầy, thủy sản, năng lượng, hoa quả, lúa gạo… và các hiệp hội doanh nghiệp tổng hợp như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, các hiệp hội của doanh nghiệp FDI… để cùng các hiệp hội này vừa tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp, vừa cùng họ phối hợp góp ý chính sách, pháp luật, môi trường kinh doanh, hội nhập quốc tế, trong đó vai trò của Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế thuộc Liên đoàn là rất quan trọng. Qua quan sát và trực tiếp tham gia vào quá trình, chúng tôi thấy sự kết hợp hoạt động của VCCI với Liên đoàn nói chung, với các Luật sư tư vấn nói riêng, thực sự rất hữu ích cho cả bốn bên. Bằng các hình thức phối hợp đa dạng như: hội nghị, hội thảo về góp ý chính sách, pháp luật, mở các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp các hợp đồng mẫu tham khảo, tư vấn trên truyền thông và trợ giúp pháp lý cụ thể khi doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, oan sai; các doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm, kiến thức, thông tin, được bảo vệ; các Luật sư có thêm khách hàng, có đóng góp cho cộng đồng doanh nghiệp; VCCI và Liên đoàn thực hiện hiệu quả hơn chức năng nhiệm vụ của mình.

Một ví dụ sinh động nữa là sự phối hợp giữa Liên đoàn, Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế, ĐLS nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa… với VIAC để bồi dưỡng cho hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp về các bài học kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp trong nước và quốc tế, các kiến thức về pháp luật thương mại nhất là các hiệp định thương mại thế hệ mới. Giữa hai bên cũng đã có nhiều trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu chung là bảo vệ tốt quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp mà kết quả là trên 80% số vụ tranh chấp giải quyết tại VIAC đều có sự tham gia của các Luật sư Việt Nam, một con số rất đáng lưu tâm nếu biết rằng trước đó khoảng mươi năm, con số này chỉ vào khoảng 10%. Sắp tới, Liên đoàn cần nhân rộng mô hình này tới các địa phương là trọng điểm kinh tế, mở rộng phối hợp với các trung tâm trọng tài khác, các hiệp hội doanh nghiệp khác ở trung ương và địa phương bên cạnh nỗ lực tự tiếp thị của các Luật sư, nhất là các Luật sư chuyên sâu về thương mại.

Trong 5 năm, VIAC đã phối hợp với Liên đoàn tổ chức 52 sự kiện nhằm tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Luật sư, trong đó có nhiều sự kiện có sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, với sức thu hút lớn (các sự kiện do VIAC phối hợp tổ chức với các ĐLS phía Nam có khoảng 150 lượt Luật sư tham gia/mỗi sự kiện).

Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VIAC trong thời gian qua cho thấy sự tham gia ngày càng nhiều của Luật sư trong các vụ tranh chấp. Hoạt động của Luật sư không những đóng vai trò tích cực trong việc bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp mà còn góp phần giúp phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cũng như các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh việc tạo dựng niềm tin của các Luật sư, luật gia về tầm quan trọng của phương thức trọng tài, VIAC luôn chú trọng việc đồng hành cùng Luật sư, luật gia về cả mặt chuyên môn và kỹ năng trong thực tiễn tiến hành tố tụng trọng tài tại VIAC.

(Báo cáo của Ban Xúc tiến đào tạo VIAC)

Song song với hoạt động phối hợp trên đây, các hoạt động quảng bá, nâng cao hình ảnh đẹp của đội ngũ Luật sư Việt Nam cũng cần phải được đầu tư bài bản, hiệu quả. Thời gian qua, chúng ta đã giải quyết khá tốt cả hai việc là kỷ luật các Luật sư vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư và bảo vệ đúng pháp luật các Luật sư trong việc hành nghề của họ. Tôn vinh các Luật sư tiêu biểu không chỉ giới hạn trong đội ngũ Luật sư mà phải lan tỏa ra toàn xã hội, nhất là trong giới doanh nhân để họ được biết về hình ảnh đáng tin cậy của Luật sư Việt nam. Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các ĐLS cần thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, các cơ quan truyền thông tổ chức các sự kiện, qua đó các Luật sư ưu tú, điển hình về sự dấn thân vì công lý, đóng góp cho sự an toàn của môi trường kinh doanh, cho sự hoàn thiện của pháp luật kinh doanh, cho công bằng trong tố tụng cần được giới thiệu rộng rãi với các doanh nhân, từ đó để cải thiện và nâng cao hình ảnh của đội ngũ Luật sư Việt Nam. Thông qua khai thác các vụ án hành chính, hình sự, kinh tế… có một bên là doanh nhân với sự tham gia thành công của các Luật sư để giới thiệu cho doanh nghiệp biết, tin, dùng bên cạnh việc kiểm soát có hiệu quả các hành vi tiêu cực như  Luật sư không làm tròn trách nhiệm với thân chủ, chạy án, không minh bạch, rõ ràng trong ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ làm ảnh hưởng đến hình ảnh Luật sư nói chung.

Xây dựng và bảo vệ môi trường hoạt động tranh tụng của Luật sư là nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Doanh nghiệp sẽ không tin tưởng ở Luật sư khi chính các Luật sư không bảo vệ tốt môi trường hoạt động của chính mình một cách minh bạch, thuận tiện, chi phí thấp, thời gian nhanh. Công việc này không hề dễ dàng nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã khá thành công trong việc cùng VCCI và các hiệp hội phối hợp với các cơ quan nhà nước bãi bỏ các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không khả thi, giảm thiếu gánh nặng của các thủ tục hành chính, tăng sự tôn vinh của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân chân chính.

Thiết nghĩ tổ chức Luật sư và các Luật sư hoàn toàn có khả năng làm điều tương tự, nhất là trong điều kiện Nhà nước đang hướng tới cải cách tư pháp khá mạnh mẽ hiện nay. Liên đoàn cần tổ chức để các ĐLS, các Luật sư được xếp hạng, đánh giá chất lượng họat động của các cơ quan tiến hành tố tụng, giúp lãnh đạo các cơ quan này biết được cảm nhận của giới Luật sư về hoạt động của họ, từ đó có các giải pháp để cải thiện chất lượng tố tụng tại từng cơ quan, ở mỗi tỉnh thành, tương tự như bộ Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh mà VCCI đã thực hiện hàng chục năm qua. Nếu làm được như vậy, không chỉ cộng đồng Luật sư mà cả cộng đồng doanh nhân, dân cư và Nhà nước đều được hưởng lợi. Thắt chặt mối quan hệ thực chất giữa Liên đoàn, các ĐLS với các cơ quan tư pháp khác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi như thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp trong các hoạt động của các ban chỉ đạo cải cách tư pháp, kiến nghị sửa đổi cách thức để cử thành viên tham gia vào các hội đồng khen thưởng và kỷ luật của nhau… sẽ làm tăng uy tín, địa vị của tổ chức Luật sư, các Luật sư trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Quá trình công tác, ông đã góp phần tích cực trong xây dựng Luật Doanh nghiệp; cho ra đời bộ Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của 14 bộ (MEI). Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của Luật sư Trần Hữu Huỳnh đã góp phần đưa cộng đồng doanh nghiệp trở thành một bộ phận quan trọng trong việc tham gia xây dựng và thi hành pháp luật.

Luật sư TRẦN HỮU HUỲNH

                                         Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc

Chuyển đổi số - Phương tiện đưa nghề Luật sư về đích nhanh và bền vững nhất

Lê Minh Hoàng