/ Bút ký Luật sư
/ Vài kỷ niệm khó quên

Vài kỷ niệm khó quên

24/12/2021 09:07 |

(LSVN) - Thế là đã 12 năm kể từ ngày Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập. Có thể nói 12 năm qua, Liên đoàn thật sự là “ngôi nhà chung” của giới Luật sư Việt Nam, đúng như tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các Luật sư, Đoàn Luật sư là thành viên của Liên đoàn; thực hiện chế độ tự quản của tổ chức Luật sư trong phạm vi cả nước nhằm xây dựng các giá trị chuẩn mực của Luật sư Việt Nam, phát triển đội ngũ Luật sư có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

  Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Tâm. 

Các thiết chế được tổ chức và hoạt động của Liên đoàn như Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ, Thường trực, Văn phòng Liên đoàn cùng với các cơ quan chuyên môn, giúp việc đã vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, cố gắng phát huy trách nhiệm, làm việc hết mình để bộ máy Liên đoàn hoạt động có hiệu quả, thiết thực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nghề Luật sư ở nước ta.

Hoạt động của Liên đoàn thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó cơ bản nhất là đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng hành nghề, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư; bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư thành viên, tham gia xây dựng pháp luật, đặc biệt là những đạo luật liên quan đến tổ chức và hoạt động Luật sư và nghề Luật sư, tuyên truyền pháp luật và thực hiện trợ giúp pháp lý, hợp tác quốc tế… Với khối lượng công việc đặt ra, thành viên trong các tổ chức của Liên đoàn đã cố gắng không mệt mỏi, hoàn thành công việc được phân công và các công việc chung với tinh thần vô tư và trách nhiệm cá nhân. Có những công việc của thành viên được làm một cách lặng lẽ, không khoa trương, nhưng hiệu quả rất thiết thực và có ý nghĩa, được thể hiện tổng quát trong các bản báo cáo tổng kết của Liên đoàn, khó biết cụ thể một cách rộng rãi.

Với tôi, người đã tham gia là Ủy viên Ban Thường vụ trong hai nhiệm kỳ, được giao nhiệm vụ Phó Tổng thư ký rồi kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam, thực sự có những kỷ niệm khó quên trong đời.

1. Tại Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ I được tổ chức từ ngày 10-12/5/2019, tôi được Hội đồng lâm thời phân công trình bày một vấn đề rất quan trọng về đạo đức nghề nghiệp. Tôi suy nghĩ và viết bài tham luận có tiêu đề “Một số ý kiến về xây dựng và ban hành Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư”. Tôi có nhận thức rằng đạo đức nghề nghiệp là môt vấn đề có ý nghĩa quyết định sự phát triển của đội ngũ Luật sư Việt Nam. Bởi lẽ, đạo đức là cái gốc của đời người. Phạm trù đạo đức là một khái niệm ra đời và gắn liền với sự phát triển của lịch sử loài người. Từ cổ chí kim, đã có biết bao nhiêu học giả, những nhà đạo đức học luận bàn về đạo đức; xây dựng nên cả những học thuyết, định ra những chuẩn mực của hành vi ứng xử, làm thước đo để đánh giá tư cách con người trong xã hội. Pháp luật dù có hoàn thiện đến mấy, tự nó cũng không thể bao quát và điều chỉnh tất cả các hành vi ứng xử của Luật sư khi hành nghề.

Bởi lẽ, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và tự chịu trách nhiệm cá nhân về uy tín nghề nghiệp của mình. Nói đến cá nhân thì về mặt lô gích, khi tham gia vào các quan hệ xã hội và các quan hệ tố tụng, bên cạnh tư cách chủ thể của quan hệ tố tụng, Luật sư còn có tư cách cá nhân, cá thể. Tư cách này hàm chứa những nhận thức tư tưởng và trạng thái tâm lý, tình cảm “Hỷ, Nộ, Ái, Ố” của từng cá nhân. Phạm trù “hành vi cá nhân” cũng bao gồm những vấn đề thuộc về “đời tư” của mỗi người. Trên bình diện đó, bản thân pháp luật không thể can thiệp bằng các quy phạm pháp luật mang tính chất cưỡng chế. Phạm vi này đòi hỏi mỗi cá nhân phải “tự điều chỉnh” hành vi của mình. Cơ sở nền tảng của việc “tự điều chỉnh” này chính là phạm trù đạo đức. Luật sư hành nghề với mục tiêu phụng sự công lý, tôn trọng và dựa trên pháp luật thì trước hết phải xuất phát từ một “nền tảng đạo đức”. Nếu không xuất phát từ nền tảng này thì Luật sư không thể có ý thức tôn trọng pháp luật khi hành nghề.  

Tôi bắt tay vào viết bài tham luận theo mạch suy nghĩ ấy và dẫn đến một liên tưởng, dẫu Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư được ban hành cũng chỉ là những dòng chữ trên văn bản. Vấn đề là đời sống thực tiễn của nó thế nào? Theo thiển ý của tôi, mỗi Luật sư phải tự mình ý thức về phẩm giá và uy tín của mình để tự mình điều chỉnh những hành vi của mình trong các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ nghề nghiệp nói riêng. Mối quan hệ giữa nói về đạo đức với thực hiện hành vi đạo đức trên thực tế là mối quan hệ giữa “Nói và Làm”. Tạo ra được sự thống nhất của mối quan hệ này đối với mỗi người là một điều hết sức khó khăn trong cuộc đấu tranh với chính bản thân mình. Từ liên tưởng ấy, tôi kết thúc bài tham luận như sau: “Phẩm giá và uy tín của mỗi Luật sư không phải do ai ban cho hoặc sẵn có mà là kết quả của quá trình tu tưỡng bền bỉ, được tích lũy bằng tri thức, các kỹ năng hành nghề và hành vi đạo đức của bản thân Luật sư".

Muốn vậy, mỗi Luật sư phải biết quên “cái bản ngã - cái tôi” của mình trong thái độ ứng xử, để sao cho, khi hành vi của mình được thực hiện, mọi người đều nhận chân được tính mục đích cao cả của chủ thể hành vi là vì sự nghiệp chung, vì uy tín chung của giới Luật sư. Đức Phật Thích Ca đã dạy “Vạn pháp do Tâm”. Về bản chất, con người vốn dĩ đã có “một cái tâm trong sáng”. Chỉ có điều trong quá trình sống, “cái Tâm” ấy trong mỗi người đã bị tạp nhiễm bởi những ham muốn vật chất và danh vọng qua thời gian làm cho nó bị mờ đi. “Rèn Tâm” chính là một biện pháp thanh lọc trong thân tâm, để “cái Tâm trong sáng” ấy hiện ra. Và khi “cái Tâm trong sáng” hiện ra thì thưa các đồng nghiệp, mọi tình huống phức tạp nào đó xảy ra trong đời sống cá nhân và hành nghề của từng Luật sư, đều trở nên đơn giản!”. 

Tại Đại hội, tôi trình bày bản tham luận với một tấm lòng chân thực và không thể ngờ đã được các Luật sư đồng nghiệp tán thưởng, khuyến khích động viên. Khá nhiều Luật sư gọi điện, nhắn tin cho tôi xin bài tham luận này. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thời điểm đó), trong bài phát biểu của mình chỉ đạo Đại hội đã dừng lại để nói về bản tham luận đó của tôi. Những điều này đã khiến tôi rất xúc động và thấy mình đã làm được một việc có ích.

Sau Đại hội, lãnh đạo Liên đoàn quyết định phải xây dựng môt Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Có lẽ do bản tham luận của tôi mà Luật sư Lê Thúc Anh (khi đó là Chủ tịch Liên đoàn) đã giao cho tôi chuẩn bị soạn thảo Bộ Quy tắc này. Tôi nhận nhiệm vụ mà không tránh khỏi lo lắng, băn khoăn vì trong tay hầu như chẳng có gì cả. Viết bài tham luận là suy nghĩ của cá nhân tôi, nghĩ thế nào viết thế ấy. Còn soạn thảo một bộ quy tắc thì tôi hầu như chẳng có kinh nghiệm gì. Trong bộ quy tắc thì cơ cấu, nội dung thế nào? Thể hiện ra sao? Tôi bắt tay vào việc sưu tầm tài liệu tham khảo nhưng quả thật rất khó khăn. Khi đó chỉ có một bản Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp Luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 356b/QĐ-BTP ngày 05/8/2002. Nội dung bản Quy tắc mẫu này thật đơn giản, chỉ có 4 chương và 14 quy tắc. Tôi còn sưu tầm các bài viết nghiên cứu có liên quan đến đạo đức nghề nghiệp Luật sư, nhưng cũng thật ít ỏi, chỉ có một vài bài của một vài tác giả đề cập một cách tổng quát những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp. Tham khảo một vài bộ quy tắc của tổ chức Luật sư nước ngoài có lịch sử nghề Luật sư hàng trăm năm, tôi thấy thật đồ sộ và cặn kẽ, biết tiếp thu thế nào?

Cuối cùng Dự thảo Bộ Quy tắc cũng được chuẩn bị xong và phải trải qua 7 lần tiếp thu sửa đổi bổ sung theo kết quả các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, ý kiến của các Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư mới được Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua và được ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011.

Tôi thở phào nhẽ nhõm, trong lòng rộn lên một cảm xúc khó tả.

2. Tôi được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam từ năm 2014 (bản in) và sau này (2017) thêm Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam. Đây thật sự là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp bởi tôi cư trú và hoạt động nghề nghiệp Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh, nhân sự lãnh đạo Tạp chí khi đó chỉ có tôi và Luật sư Liêu Chí Trung nên việc quản lý, điều hành, giải quyết các công việc hàng ngày, đặc biệt là hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập tác nghiệp nghề báo đã gặp rất nhiều khó khăn để tờ báo hoạt động có hiệu quả. Từ khi có bản điện tử, tính chất phức tạp trong quản lý điều hành với một Tổng Biên tập ở xa lại càng bộc lộ những khiếm khuyết khó có thể khắc phục.

Vì vậy, Thường trực và Ban Thường vụ Liên đoàn đồng ý phương án phải củng cố nhân sự lãnh đạo Tạp chí, mới có thể đáp ứng yêu cầu của một cơ quan ngôn luận của Liên đoàn. Tôi loay hoay đi tìm kiếm nhân sự thay mình để đảm lãnh công việc mà mình làm chưa tốt. May thay, sau hơn một năm tìm kiếm, cuối năm 2019 tôi thấy Nhà báo Đặng Ngọc Luyến nguyên là Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) mới nghỉ hưu có thể đảm nhiệm công việc này thay tôi. Tôi đề xuất và được Thường trực Liên đoàn đồng ý. Nhưng quả thật, thuyết phục được Đặng Ngọc Luyến không phải là điều dễ dàng vì trong thâm tâm, sau mấy chục năm làm báo và làm lãnh đạo, anh muốn được nghỉ ngơi cho khỏe. Cuối cùng, vì tình cảm anh em mấy chục năm, thấu hiểu “nỗi khổ” của tôi nên anh Luyến đã đồng ý. Tôi lại thở phào nhẹ nhõm và thanh thản vì mình đã làm được một việc thật sự có ích.

Bây giờ, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có bộ máy lãnh đạo tương đối hoàn chỉnh, có đội ngũ phóng viên, biên tập viên thực sự chuyên nghiệp, chất lượng Tạp chí cũng được nâng lên, đang ngày càng xác định vị thế của cơ quan ngôn luận của Liên đoàn, thực sự là tiếng nói của giới Luật sư trong cộng đồng báo chí Việt Nam.

Sau 12 năm làm việc gắn bó với Liên đoàn, nhiệm kỳ này tôi xin phép được nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già. Nhân Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, tôi nhớ lại một vài kỷ niệm cũng có thể coi như một lời tâm sự, mong được các đồng nghiệp thể tình. Chúng ta cùng cầu mong và chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN MINH TÂM

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Chuyển đổi số - Phương tiện đưa nghề Luật sư về đích nhanh và bền vững nhất

Lê Minh Hoàng