/ Nghề Luật sư
/ Vai trò của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Vai trò của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

02/10/2023 06:24 |

(LSVN) - Tôi rất yêu quý nghề Luật sư và dự định sẽ theo học nghề Luật sư. Qua tìm hiểu tôi được nghe các anh chị khóa trên nhắc đến tầm quan trọng của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Vậy, tại sao Bộ Quy tắc này có vai trò quan trọng với nghề Luật sư tại Việt Nam? Bạn đọc N.K. hỏi.

Ảnh minh họa.

Điều 5 Luật Luật sư quy định nguyên tắc hành nghề Luật sư: “Tuân theo Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 gồm Lời nói đầu, VI Chương, 32 Quy tắc.

Lời nói đầu Bộ Quy tắc đã nêu rõ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư. Mỗi Luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Điều 2, Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ quy định: “Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam là cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư; thực hiện việc giám sát, xem xét khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với Luật sư trong phạm vi tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư”. 

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam là cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư. Luật sư là một nghề cao quý, tính chất cao quý của nghề Luật sư không những đòi hỏi người Lật sư tuân thủ pháp luật mà còn phải thấm nhuần quy tắc đạo đức, chuẩn mực đạo đức người Luật sư được nêu ra, chỉ rõ trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam là cơ sở, căn cứ để thực hiện việc giám sát Luật sư, hành nghề Luật sư. Giám sát, tự giám sát từ đó phát hiện sai lầm, uốn nắn, điều chỉnh hành vi của cá nhân, của Tổ chức cho phù hợp pháp luật, phù hợp chuẩn mực xã hội là đòi hỏi với mọi cá nhân, tổ chức.

Đối với nghề Luật sư giám sư hoạt động Luật sư còn nhằm bảo vệ, phát huy truyền thống tốt đẹp của người Luật sư, nghề Luật sư. Căn cứ, cơ sở để thực hiện giám sát nghề Luật sư của tổ chức xã hội nghề nghiệp chính là việc xem xét, uốn nắn, định hướng để người Luật sư thực hiện các chuẩn mực của Bộ Quy tắc đã đặt ra.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam là cơ sở để xem xét khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với Luật sư trong phạm vi tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư. Có công thì động viên, khuyến khích, khen thưởng. Có sai phạm thì nhắc nhở, uốn nắn và cần thiết phải xem xét xử lý kỷ luật.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam chính là “Luật của Luật sư”, khi Bộ Quy tắc đã được trao vai trò, chức năng là căn cứ để xét khen thưởng và kỷ luật Luật sư. Một Luật sư chỉ có thể được khen thưởng khi không vi phạm nội dung Bộ Quy tắc, một Luật sư có thể bị kỷ luật thậm chí là kỷ luật ở mức cao nhất là xóa tên khỏi Đoàn Luật sư nếu vi phạm quy định trong Bộ Quy tắc.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Khi nào Luật sư có thể nhận người tập sự hành nghề Luật sư mới để hướng dẫn?

Bùi Thị Thanh Loan