Ảnh minh họa.
Đặt vấn đề
Chức năng quản lý là một trong những chức năng có tầm quan trọng đặc biệt của Nhà nước Việt Nam. Đây là chức năng có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến đời sống văn hóa, tinh thần và môi trường học tập, nghiên cứu của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển nền kinh tế số và hội nhập sâu rộng với quốc tế đã làm cho môi trường văn hóa, hệ thống giáo dục tại Việt Nam chịu rất nhiều tác động. Điều này đặt ra đòi hỏi chức năng quản lý cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp và thích ứng với các yêu cầu của tình hình mới. Không những vậy, tác động tiêu cực, ảnh hưởng bất lợi của việc phát triển kinh tế số và hội nhập quốc tế vẫn đang tác động mạnh mẽ đến môi trường văn hóa, giáo dục của Việt Nam. Chính vì vậy, nghiên cứu về vai trò của chức năng quản lý trong giai đoạn kinh tế số càng trở nên quan trọng và rất cần thiết.
Vai trò của chức năng quản lý
Cho dù không trực tiếp gây ra các xáo trộn hay thay đổi ngay đối với xã hội giống như các chức năng kinh tế, an ninh, y tế…, tuy nhiên, chức năng quản lý lại là chức năng có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự tồn tại và phát triển bền vững, lâu dài của xã hội. Nó trực tiếp tác động, ảnh hưởng đến nhân cách, lối sống, sự hiểu biết (tri thức) và hành vi ứng xử của mọi cá nhân trong xã hội. Sở dĩ như vậy là vì đối với mỗi cán nhân, văn hóa và giáo dục luôn là nền tảng hình thành nên nhân cách hay đó còn là chuẩn mực ứng xử, sự hiểu biết, nhận thức của mỗi con người. Đối với Nhà nước, việc các tầng lớp nhân dân trong xã hội có trình độ dân trí cao, sống chan hòa, yêu thương, đoàn kết, gắn bó và đặc biệt trung thành với tổ quốc luôn là mục tiêu và mong muốn của mọi Nhà nước.
Thông qua chức năng quản lý , Nhà nước tác động, định hướng đời sống văn hóa, tinh thần và sự nghiệp học tập, nghiên cứu của người dân nhằm hướng đến các chuẩn mực quan trọng trên. Nhà nước sử dụng các công cụ như chính sách và pháp luật để định hướng, điều tiết các chủ thể liên quan đến văn hóa, giáo dục. “Về văn hóa, chính sách và pháp luật có nội dung nhằm thực hiện xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo quốc gia phải đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, tiếp thu thành tựu, công nghệ từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm các quyền con người về giáo dục”(1).
Mặt khác, trong giai đoạn phát triển hiện nay, sự giao lưu, chia sẻ, hợp tác về văn hóa, giáo dục giữa các quốc gia ngày càng mạnh mẽ và rộng rãi. Thông qua các phương tiện truyền hình, báo chí, internet… sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa giữa các quốc gia được quảng bá rộng rãi đến khắp mọi nơi trên thế giới. Ngoài ra, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, việc học tập, nghiên cứu, chia sẻ tư liệu và thông tin chưa bao giờ nhanh chóng, đơn giản, dễ dàng, thuận tiện như hiện nay. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng mạng xã hội của người dân ngày càng ra tăng nên kéo theo các dịch vụ giáo dục, đào tạo diễn ra trên không gian mạng và nền kinh tế số trong lĩnh vực giáo dục đã và đang được hình thành hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ tại Việt Nam. Điển hình trong đó, kinh tế số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thể hiện qua các dịch vụ học tập, giảng dạy trực tuyến (online), chia sẻ tài nguyên, dữ liệu có thu phí trên mạng xã hội… Nhờ đó, người học có thể dễ dàng truy cập, tìm hiểu, nghiên cứu môi trường giáo dục, đào tạo của nhiều quốc gia trên thế giới và có thể tiếp nhận rất nhiều nguồn tri thức phong phú, đa dạng, quý giá đến từ mọi nơi và vào mọi thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, sự du nhập của văn hóa ngoại lai và môi trường giáo dục không phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức và nền tảng giáo dục, đào tạo lâu đời của Việt Nam cũng có thể làm cho những người tiếp nhận thông tin dần thay đổi lối sống hoặc có những hành vi ứng xử không phù hợp với đạo đức xã hội và trái pháp luật. Điển hình như trào lưu sống thực dụng, ích kỷ, phô trương, lệch lạc, lười học tập, ngại tìm hiểu thông tin và thậm chí bị ám ảnh từ văn hóa đồ trụy, tư tưởng phản động, kích động bạo lực… trong một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay là minh chứng rõ ràng cho việc tiếp nhận những tư tưởng văn hóa, giáo dục không lành mạnh của xã hội hiện đại mà chủ yếu đến từ việc tiếp nhận sự quảng bá văn hóa, giáo dục tràn lan, bừa bãi, hỗn tạp trên mạng xã hội. Do đó, có thể khẳng định, chức năng quản lý trong giai đoạn phát triển nền kinh tế số và hội nhập quốc tế ngày càng trở nên quan trọng để có thể giữ vững nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và nền giáo dục phù hợp với sự phát triển của Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy, chức năng thể hiện vai trò ảnh hưởng, tác động đối với các chủ thể chủ yếu như sau:
Đối với Nhà nước: “Chức năng quản lý là hoạt động chủ yếu, thường xuyên, có tính ổn định tương đối, trực tiếp thể hiện bản chất, nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu lâu dài của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”(2). “Mục đích thực hiện chức năng này nhằm xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, lối sống mới”(3), đồng thời, “đấu tranh chống những tư tưởng, văn hóa lạc hậu và thù địch”(4). Mặt khác, “Nhà nước phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước”(5). Vì vậy, chỉ thông qua chức năng quản lý , Nhà nước mới có thể điều tiết, định hướng môi trường văn hóa và hệ thống giáo dục, đào tạo hoạt động ổn định, bền vững lâu dài nhưng vẫn tiếp thu các tinh hoa văn hóa và thành tựu từ hệ thống giáo dục tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Thông qua chức năng quản lý, Nhà nước cũng kịp thời ngăn chặn, hạn chế bớt sự tác động và các ảnh hưởng bất lợi của văn hóa, giáo dục ngoại lai.
Đối với người dân và xã hội: Chức năng quản lý giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nhân cách, lối sống, hành vi và trình độ hiểu biết, nhận thức của mỗi con người. Sự điều tiết của Nhà nước thông qua chức năng quản lý giúp cho người dân có thể yên tâm học tập, nghiên cứu, rèn luyện trong môi trường văn hóa, giáo dục lành mạnh và con người ngày càng yêu thương, nhường nhịn, gắn bó, đoàn kết hơn. Văn hóa và giáo dục “có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội; là năng lực sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người; trụ cột phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc và nhân loại”(6).
Mặt khác, lối sống và nhân cách lành mạnh, cũng như hiểu biết phong phú, sâu sắc còn giúp cho bản thân từng con người có sự tự tin và đủ sức lao động, sản xuất trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Tuy nhiên, để có thể nghiên cứu, học tập và lao động trong nền kinh tế số và hội nhập quốc tế đòi hỏi con người phải đáp ứng rất nhiều điều kiện. Do vậy, để đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của người dân trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và so với các giai đoạn phát triển trước đây, chức năng quản lý hiện nay đã có sự điều tiết và thay đổi rất lớn. Điều này phù hợp với đòi hỏi khách quan của thực tiễn phát triển và mặt khác còn cho thấy “các chức năng Nhà nước không nhất thành, bất biến mà luôn thay đổi, phát triển cùng với thực tiễn đời sống xã hội”(7). Điều này thể hiện, Nhà nước ta luôn thích nghi, nắm bắt và linh hoạt điều chỉnh trước các biến động của đời sống kinh tế, xã hội, để từ đó, điều tiết các yêu cầu, đòi hỏi văn hóa, giáo dục của người dân được tốt nhất. Nhờ đó, người dân ngày càng có cơ hội được giao lưu, học tập, nghiên cứu, chia sẻ trong các môi trường giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại theo chuẩn mực của quốc tế. Mặt khác, người dân còn được trải nghiệm và hiểu biết thêm về các nền văn hóa đến từ nhiều quốc gia khác nhau thông qua phim ảnh trên truyền hình, báo chí, internet hoặc được tự do đi lại du lịch, trải nghiệm khám phá mọi nơi trên thế giới.
Chức năng quản lý còn mang lại cho xã hội một nền văn hóa tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc và cùng với đó, một môi trường giáo dục, đào tạo trong sạch, vững mạnh, tiên tiến, chuyên nghiệp và ngày càng hiện đại. Từ đó, góp phần làm tăng hiệu quả đóng góp cho xã hội và mặt khác, góp phần củng cố thêm niềm tin của xã hội vào các hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước.
Thực trạng và một số kiến nghị
“Trong giai đoạn bùng nổ của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dưới tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của các nền đến từ các quốc gia khác nhau, chức năng quản lý của Việt Nam đang gặp phải khá nhiều khó khăn, thách thức”(8). Nhiều môi trường văn hóa và hệ thống giáo dục đến từ nước ngoài đang tác động trực tiếp đến môi trường văn hóa và hệ thống giáo dục của Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam vẫn đang tích cực thực hiện chủ trương “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế”(9) và không ngừng thực hiện chủ trương “phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh lành mạnh... tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”(10).
Vì vậy, Chính phủ Việt Nam ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho sự du nhập các nền văn hóa, giáo dục đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Điều này mang đến cơ hội và sự thuận lợi rất lớn để phát triển văn hóa, giáo dục nhưng đi kèm với đó lại là không ít khó khăn, thách thức và thậm chí là nguy cơ bị các thế lực chống phá phản động trà trộn để tìm mọi cách phá hoại nền tảng văn hóa, giáo dục lâu đời của Việt Nam. Một ví dụ rất đơn giản, trào lưu xem phim nước ngoài đã và đang rất phổ biến trong giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, sự thần tượng hóa hay việc bắt chiếc, học đòi, làm theo các diễn viên hoặc giới trẻ, cuộc sống nước ngoài dần tác động đến suy nghĩ, hành động và lối sống của một bộ phận không nhỏ người trẻ tuổi tại Việt Nam hiện nay. Điều này có thể dẫn đến sự xa rời dần dần với truyền thống văn hóa của dân tộc và về lâu dài, rất dễ rơi vào lệ thuộc hoặc thậm chí bị chi phối sâu sắc từ văn hóa của nước ngoài.
Đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc một bộ phận giới trẻ tại Việt Nam ngày càng sống vô cảm, lạnh lùng và ích kỷ hơn so với trước đây. Mặt khác, từ thực tiễn hiện nay cho thấy, không ít trường hợp, người trẻ Việt Nam không biết về các danh nhân hay các nhân vật lịch sử của dân tộc nhưng lại biết rất rõ về các diễn viên, nghệ sĩ, nhân vật ngôi sao của nước ngoài(11). Điều này rất nguy hại và sẽ ngày càng ảnh hưởng đến lối sống, nhân cách và thậm chí là tinh thần yêu nước của một bộ phận thế hệ trẻ Việt Nam. Do đó, có thể thấy rằng, sự tấn công, chống phá của các thế lực thù địch nước ngoài đối với Việt Nam không chỉ diễn ra trên mặt trận quân sự, ngoại giao, chính trị, kinh tế… mà còn diễn ra âm thầm trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Nếu như việc du nhập văn hóa, giáo dục từ nước ngoài không hài hòa, không phù hợp với môi trường văn hóa, giáo dục của Việt Nam thì có thể phá vỡ thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường giáo dục, đào tạo của Việt Nam. Từ đó, tác giả cho rằng, để chức năng quản lý hoạt động hiệu quả hơn thì cần xem xét các giải pháp sau:
Đối với lĩnh vực quản lý văn hóa Trong giai đoạn phát triển nền kinh tế số và hội nhập quốc tế, việc xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý văn hóa cần phải được đặc biệt quan tâm, chú trọng hơn trước. Sự chống phá của các thế lực thù địch nước ngoài đối với Việt Nam có thể thông qua nhiều con đường hay bằng nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi khác nhau nhưng trong đó, văn hóa luôn là con đường dễ bị khai thác và khá dễ tiếp cận. Bởi lẽ, sự tấn công vào lĩnh vực văn hóa thường không gây hậu quả ngay trước mắt mà sẽ tác động, ảnh hưởng lâu dài nên ít khi bị phát hiện để có thể kịp thời xử lý, ngăn chặn. Ngoài ra hiện nay, “môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”(12). Cùng với đó, môi trường mạng xã hội đang phát triển rất nhanh chóng và thu hút được một số lượng rất đông đảo người xem và theo dõi các thông tin. Thậm chí, số lượng người Việt Nam đang sử dụng và thời gian sử dụng hằng ngày trên các mạng xã hội như facebook, zalo, viber, instagram, tiktok, youtube... còn có phần nhiều hơn so với số lượng người theo dõi báo chí, đài phát thanh, truyền hình. Mặt khác, dưới sự tác động của kinh tế số, các hoạt động quảng cáo thu hút người xem (view) hay theo dõi (subscribe) để kiếm tiền trên các mạng xã hội như youtube, tiktok, google... ngày càng phổ biến và có xu hướng mở rộng đối tượng sản xuất chương trình hơn trước. Bên cạnh những “hành vi trốn thuế và các nghĩa vụ đối với Nhà nước”(13) thì chủ thể thực hiện sản xuất các chương trình trên mạng xã hội đã vô tình kích động văn hóa bạo lực, lối sống lệch lạc, vi phạm chuẩn mực của đạo đức xã hội... như tổ chức đua xe trái phép, đập phá tài sản, vui chơi thiếu lành mạnh hay đến việc chia sẻ cách thức ăn uống nhưng thiếu vệ sinh và rất độc hại...(14) Điều này đặc biệt nguy hiểm cho giới trẻ khi nhận thức chưa đầy đủ nên có thể dễ dàng cổ vũ, bắt chiếc, học đòi theo lối sống lệch lạc đó(15). Do đó, theo chúng tôi, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý văn hóa hiện nay cần được xây dựng theo hướng tiếp tục đổi mới để phù hợp với tình hình, hoàn cảnh nhưng đặc biệt chú trọng vấn đề ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý kiên quyết các loại tội phạm trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Việc xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý văn hóa cần phải toàn diện, đồng bộ, có hệ thống trên mọi mặt của đời sống văn hóa tinh thần nhưng cùng với đó, cần chú ý đến vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền và của từng dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với lĩnh vực quản lý văn hóa cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục và bài bản, khoa học hơn trước. Trong đó, đặc biệt phải quán triệt tinh thần và quyết tâm xử lý triệt để, cứng rắn tất cả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa dù cho chúng ở mức độ nhỏ nhất.
Ngoài ra, để phát huy tính dân chủ trong quản lý văn hóa thì Nhà nước cần tăng cường hơn hoạt động lấy ý kiến đóng góp của nhân dân khi xây dựng hay khi quyết định những chính sách phát triển lớn về văn hóa. Cần mở rộng hơn các phương thức thu nhận ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân như dùng mạng xã hội để công khai tiếp nhận các ý kiến đóng góp vì mạng xã hội ngày càng trở nên thông dụng và gần như đã trở thành một phần của con người trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Việc thu nhập thông tin, ý kiến chia sẻ, đóng góp trên mạng xã hội giúp cho những người thật tâm muốn chia sẻ, đóng góp không mất thời gian, công sức đi lại và khá nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng cho cả Nhà nước và những người mong muốn đóng góp.
Đối với lĩnh vực quản lý giáo dục Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đã góp phần làm cho cuộc chạy đua, cạnh tranh để lôi kéo người học giữa các trường ngày càng căng thẳng, quyết liệt và diễn ra ở tất cả các cấp học. Điểm tích cực là các cơ sở giáo dục phải không ngừng nỗ lực cố gắng đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động giáo dục, đào tạo trong những năm gần đây cho thấy, một số cơ sở giáo dục chỉ vì cạnh tranh và lợi nhuận nên đã tìm mọi cách thu hút người học. Không thiếu trường hợp, nhiều trường đại học, cao đẳng tìm mọi cách hạ thấp điểm chuẩn cốt để lôi kéo người học. Hay tình trạng mặc dù thí sinh chưa thi trung học phổ thông mà một số trường đại học, cao đẳng đã tìm đến và mời gọi vào học. Ngoài ra, cần phải nói đến chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của không ít cơ sở đào tạo chưa thật sự phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn xã hội. Thậm chí, một số cơ sở giáo dục được phép đào tạo trình độ sau đại học khi tổ chức thực hiện các nội dung học thì lại khá sơ sài, hình thức, cốt chỉ để thu học phí và cấp bằng cho người học. Mặt khác, việc tổ chức đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ của một số cơ sở đào tạo còn khá dễ dãi, thiếu khách quan và nghiêm túc. Không ít thành viên trong hội đồng đánh giá luận văn, luận án còn nể nang giáo viên hướng dẫn hay chỉ vì những lợi ích cá nhân nên đã hời hợt, qua loa. Nhiều luận văn thạc sĩ bị phát hiện copy, đạo văn của các tác phẩm khác nhưng chỉ bị hội đồng đánh giá luận văn yêu cầu sửa chữa và vẫn thông qua với điểm số không hề thấp. Nếu có những người có tâm huyết và trách nhiệm khi đánh giá luận văn, luận án công tâm, khách quan thì thường sẽ không được các cơ sở đào tạo mời vào làm thành viên hội đồng đánh giá các lần sau đó. Thế nên, nhiều người học cho dù được đào tạo đến trình độ đại học, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ nhưng khả năng, trình độ thật sự của những người có tấm bằng đó thường được xã hội đem ra bàn luận. Nói cách khác, việc đào tạo tại khá nhiều cơ sở giáo dục hiện chưa bảo đảm chất lượng nên chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi thực sự của xã hội.(16) Do vậy, khả năng làm việc của người học khi ra trường luôn là vấn đề rất đáng lo ngại. Ngoài ra, tình trạng bạo hành trẻ em hay hạ tầng cơ sở thiếu thốn tại các địa bàn còn khó khăn dẫn đến những vất vả, khó khăn trong sinh hoạt, giảng dạy, nghiên cứu, học tập vẫn rất phổ biến trong suốt thời gian qua.
Từ thực tiễn đó, chúng tôi cho rằng, Nhà nước cần tổ chức thêm các cơ quan chuyên trách có trách nhiệm giám sát, kiểm định, đánh giá khách quan chất lượng của các cơ sở giáo dục, đào tạo và cũng nên xây dựng cơ chế thuận lợi, đơn giản, dễ dàng để người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến hoặc cung cấp thông tin về các sai phạm trong hoạt động giáo dục đào tạo của các cơ sở giáo dục cho các cơ quan này. Bên cạnh đó, rất cần phải tăng cường công tác hậu kiểm đối với các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ của tất cả các cơ sở đào tạo sau đại học tại Việt Nam. Nếu như có đủ cơ sở chứng minh luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ không trung thực, nghiêm túc trong quá trình nghiên cứu hay hội đồng chấm luận văn, luận án thiếu khách quan thì cần tổ chức đánh giá lại luận văn, luận án đó bằng hội đồng chấm khác. Đồng thời, tất cả thành viên trong hội đồng chấm ban đầu có thể phải bị tạm dừng việc được tham gia các hội đồng chấm khác trong một khoảng thời gian. Thông tin của việc kiểm định nên công khai rộng rãi nhằm thể hiện tính dân chủ, khách quan, minh bạch và để cho người dân có thể nắm bắt liên tục về tình hình hoạt động thực tế của các cơ sở giáo dục, từ đó lựa chọn được cơ sở giáo dục phù hợp. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra mà phát hiện những cơ sở giáo dục yếu kém, sai phạm nghiêm trọng và các cơ sở này không thể khắc phục được những hạn chế, yếu kém đó trong một khoảng thời gian vừa đủ thì Nhà nước cần có biện pháp cứng rắn như thu hồi giấy phép hoạt động. Có như vậy, mới làm gương và đủ sức răn đe đối với các cơ sở giáo dục khác.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa việc hội nhập và hợp tác quốc tế để phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo của Việt Nam. Các hệ thống giáo dục tiên tiến, hiện đại trên thế giới luôn là những nguồn tri thức, tài nguyên quý giá mà Việt Nam có thể khai thác, học tập và áp dụng vào thực tiễn. Trên thực tế, hầu hết các quốc gia đang phát triển đều mong muốn học hỏi từ các quốc gia có hệ thống giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại, chuyên nghiệp như Anh, Đức, Pháp, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, cần lưu ý, việc tiếp thu các nền giáo dục tiên tiến, hiện đại từ nước ngoài mặc dù rất cần thiết và quan trọng nhưng phải đi kèm với đó là công tác sàng lọc, bảo vệ để chống lại những tác động tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến nền tảng giáo dục, đào tạo lâu đời của Việt Nam. Có như vậy, hệ thống giáo dục, đào tạo của Việt Nam mới có thể hòa nhập, bắt kịp với quốc tế và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn xây dựng, phát triển nền kinh tế số và hội nhập quốc tế.
(1) Hoàng Thị Kim Quế, Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr.150. (2) Nguyễn Văn Động (chủ biên), Chức năng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Đề tài khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2008, tr.54. (3) Nguyễn Văn Động, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, 2010, tr.83. (4) Nguyễn Minh Đoan, Giáo trình Lý luận về Nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, 2010, tr.185. (6) Hoàng Tuấn Anh, Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa hiện nay (http://tapchiqptd.vn/vi/van-de-chung/tang- cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-van-hoa-hien-nay/6049.html), ngày 22/3/2023. (7) Hoàng Thị Kim Quế, sđd, tr.140. (8) Nguyễn Vinh Hưng, Chức năng quản lý văn hóa, giáo dục của Nhà nước Việt Nam giai đoạn hội nhập quốc tế, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 03, 2017, tr.16. (9) Điều 12 Hiến pháp năm 2013. (10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Toàn văn Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII (https://tuoitre.vn/toan-van-bao-cao-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-cac-van-kien-trinh-dai-hoi- xiii-20210126103335381.htm), ngày 21/3/2023. (11) Giới trẻ Việt ngây ngô về lịch sử, trách nhiệm thuộc về ai? (https://vtc.vn/gioi-tre-viet-ngay-ngo-ve-lich-su-trach-nhiem-thuoc- ve-ai-d244521.html), ngày 22/3/2023. (12) Vị trí và vai trò của văn hóa trong đổi mới - phát triển: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra (http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/ vi-tri-va-vai-tro-cua-van-hoa-trong-doi-moi-phat-trien-thuc-tien-va-nhung-van-de-dat-ra.html), ngày 22/3/2023. (13) Nguyễn Vinh Hưng và Phan Quốc Nguyên, Sự tác động của nền kinh tế số đến hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, (14) Khá Bảnh liệu có phải “ông tổ” điệu “múa quạt” khiến bao đứa trẻ học theo? (https://m.kienthuc.net.vn/cong-dong-tre/kha-banh- lieu-co-phai-ong-to-dieu-mua-quat-khien-bao-dua-tre-hoc-theo-1310309.htm), ngày 21/3/2023. (15) Chặn nội dung độc hại trên Youtube, TikTok (http://m.kinhtedothi.vn/chan-noi-dung-doc-hai-tren-youtube-tictok-413072. htm), ngày 22/3/2023. (16) Luận án “tiến sĩ cầu lông”: Cần ngăn chặn những lò ấp tiến sĩ (https://vtv.vn/giao-duc/luan-an-tien-si-cau-long-can-ngan-chan- nhung-lo-ap-tien-si-20220514100610796.htm), ngày 22/3/2023. |
TS NGUYỄN VINH HƯNG
Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội, một số ý kiến để pháp luật thực sự đến với người dân