PV: Thưa Ông, với vai trò là Trưởng Ban pháp chế Hội Kinh Tế Môi Trường Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ Luật sư trong công tác bảo vệ môi trường?
Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ và trách nhiệm không của riêng bất kỳ ai, mà của toàn xã hội, của mọi đối tượng trong xã hội. Mỗi chủ thể sẽ tham gia vào công tác bảo vệ môi trường ở một vị trí và vai trò khác nhau, phụ thuộc vào năng lực, vị thế của mình. Với những người hành nghề Luật sư, tôi nhận thấy vai trò rất lớn và quan trọng, thể hiện ở một số khía cạnh như sau:
Thứ nhất: Luật sư trước hết là những công dân gương mẫu, thực hiện các nghĩa vụ của một công dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường, như xả thải có ý thức, góp ý với cộng đồng trong việc xả thải có ý thức, thu gom và phân loại rác thải và tố cáo kịp thời các hành vi phạm pháp luật về môi trường.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và trình độ xã hội, vị thế của Luật sư đang được nâng cao trong xã hội, vì thế hình ảnh của người Luật sư cũng trở nên tốt đẹp hơn, là người đại diện cho những chuẩn mực sống tiên tiến, văn minh và có ý thức tự giác cao. Vì vậy, mỗi hành động của người Luật sư trong công tác bảo vệ môi trường sẽ là một tấm gương để người khác noi theo, là sự cổ vũ để những người bên cạnh có ý thức và trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội, với môi trường.
Thứ hai: Luật sư là những người gắn bó trực tiếp và chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, là người mà doanh nghiệp, doanh nhân đặt trọn vẹn niềm tin. Tôi phải nói rằng, không phải nghề nghiệp nào cũng có được sự vinh dự và tự hào như nghề Luật sư khi luôn được cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân đặt niềm tin trọn vẹn, sâu sắc. Một mặt Luật sư hành nghề để kiếm thu nhập từ khách hàng, nhưng các Luật sư không nên là người làm thuê thuần túy, mà phải là người dẫn đường, giác ngộ và tư vấn cho khách hàng nhận thức đầy đủ, sâu sắc các quyền và nghĩa vụ của họ đối với xã hội, hướng dẫn cho họ những hành động có trách nhiệm và hữu ích với xã hội, trong đó có nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường.
Qua sự tác động của mình, các Luật sư gián tiếp tạo thêm những cộng đồng có trách nhiệm hơn với xã hội nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng. Cần nhấn mạnh rằng, có nhiều Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho những doanh nghiệp doanh thu hàng nghìn tỷ, với số lượng nhân công lên tới hàng nghìn con người, nên mỗi tác động đúng và hiệu quả của Luật sư có thể thu hút được hàng nghìn con người vào hoạt động bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp cũng chính là đối tượng xả thải chất thải công nghiệp chủ yếu vào môi trường, nên nếu Luật sư có thể hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ và hiệu quả yêu cầu của pháp luật đối với công tác xả thải, thì môi trường sẽ được bảo vệ tốt hơn rất nhiều.
Một ví dụ khác, có nhiều Luật sư tham gia cùng doanh nghiệp ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư, thực hiện các nội dung liên quan đến công tác đánh giá tác động môi trường, nên có thể kịp thời đóng góp ý kiến với doanh nghiệp trong việc chuẩn bị cách giải pháp và phương án bảo vệ môi trường, phòng ngừa các sự cố môi trường.
Thứ ba: Luật sư là những người có hiểu biết pháp luật sâu sắc, bao gồm các quy định pháp luật và các thủ tục trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Do đó, cùng với tầm ảnh hưởng, uy tín và tri thức của mình, mỗi người Luật sư có thể đảm nhiệm vai trò của một tuyên truyền viên, một người đào tạo về pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nhận thức và hiểu biết của Luật sư không giới hạn ở quy định pháp luật thực định, mà còn mở rộng tới các vấn đề về bản chất, mục tiêu của quy định đó. Hơn nữa, Luật sư là người có điều kiện tiếp cận với các tri thức mới, tiến bộ của thế giới, nên những thông tin của Luật sư sẽ có sức thuyết phục cao và phù hợp với xu thế tiến bộ của nhân loại, đóng vai trò không chỉ ở hiện tại mà cả ở tương lai.
Thực tế đã cho thấy, có rất nhiều Luật sư đã chọn hoạt động tuyền truyền pháp luật trong lĩnh vực môi trường như một hoạt động xã hội, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng. Những hoạt động như vậy sẽ rất có ý nghĩa trong việc thay đổi nhận thức, thái độ của cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ môi trường.
PV: Ông có nhìn nhận như thế nào về hiệu quả của các hoạt động mà cộng đồng Luật sư thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường?
Tôi không có đủ những số liệu để có thể lượng hóa và tính toán hiệu quả của các hoạt động mà Luật sư thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác của Hội Kinh Tế Môi Trường Việt Nam, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp và cả cơ quan Nhà nước liên quan tới vấn đề về bảo vệ môi trường, và vui mừng nhận thấy sự đánh giá và nhìn nhận về vai trò của Luật sư rất tốt. Doanh nghiệp rất cần có sự đồng hành và hỗ trợ của các Luật sư trong công tác bảo vệ môi trường, như biên tập riêng những quy định pháp luật có liên quan tới bảo vệ môi trường gắn trực tiếp với doanh nghiệp, phổ biến và đào tạo cho công nhân, nhân viên các hành động cần thiết trong việc tuân thủ pháp luật về môi trường, tư vấn các quy định về thuế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với vấn đề môi trường, các thủ tục hành chính và giấy phép trong lĩnh vực môi trường.
PV: Những khó khăn nào làm giảm tính hiệu quả và vai trò của Luật sư trong hoạt động bảo vệ môi trường?
Có rất nhiều tồn tại và bất cập khiến cho vai trò của Luật sư trong công tác bảo vệ môi trường chưa đạt được như kỳ vọng, chưa đặt đúng tầm vóc của nó.
Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, với tiềm lực tài chính rất hạn chế, nên nguồn vốn đầu tư cho các biện pháp kỹ thuật và công nghệ để bảo vệ môi trường. Một phần lớn doanh nghiệp vẫn buộc phải lựa chọn kinh tế và chấp nhận làm ngơ các vấn đề bảo vệ môi trường, chấp nhận nộp phạt nếu bị phát hiện. Trong tình trạng như vậy, cho dù các Luật sư cố gắng tư vấn, hướng dẫn, nhưng doanh nghiệp không thể đáp ứng thì hiệu quả cuối cùng cũng sẽ không đạt được.
Thứ hai: Công tác thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn quá nhiều bất cập. Luật sư tư vấn đúng, nhưng cơ quan Nhà nước không thực thi hoặc thực thi một cách méo mó dẫn đến doanh nghiệp lựa chọn đi đêm với cơ quan Nhà nước, bỏ qua vai trò của Luật sư.
Thứ ba: bất cập từ chính chất lượng và trình độ của Luật sư. Tôi phải nói rằng, trong lĩnh vực môi trường, trình độ và nhận thức của các Luật sư không đồng đều và vẫn còn có một số người tư vấn cho khách hàng thực hành pháp luật theo kiểu ăn xổi, đối phó. Ở góc độ nào đó, doanh nghiệp vẫn thực hiện theo tư vấn của Luật sư, nhưng lại mất sự tin tưởng vào Luật sư và hệ thống pháp luật.
Trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế môi trường, chưa có nhiều Luật sư hoạt động chuyên sâu. Nhu cầu của thị trường đối với dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực môi trường là rất lớn, nhưng chất lượng và số lượng Luật sư chưa đáp ứng được. Tôi hy vọng điều đó sẽ được khắc phục trong tương lai gần.
Xin cám ơn Ông!
PV