/ Kết nối
/ Vai trò của Luật sư trong giải quyết vụ án hành chính

Vai trò của Luật sư trong giải quyết vụ án hành chính

27/10/2024 12:31 |

(LSVN) - Vai trò của Luật sư trong giải quyết vụ án hành chính là một yếu tố quan trọng, góp phần bảo đảm công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Luật sư không chỉ là người đại diện pháp lý mà còn đóng vai trò tư vấn, chuẩn bị hồ sơ, thu thập chứng cứ và tham gia tranh tụng. Trong các vụ án hành chính, nơi các bên thường gặp khó khăn trong việc nắm bắt quy định pháp luật phức tạp và thủ tục tố tụng, sự tham gia của luật sư giúp bảo đảm tính minh bạch, đúng đắn và công bằng của quá trình giải quyết vụ án. Đồng thời, Luật sư cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tính hợp pháp của các quyết định hành chính, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật hiệu quả và đáng tin cậy.

Khái niệm vụ án hành chính và Luật sư

Vụ án hành chính được xác định là vụ án phát sinh khi các cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu TAND xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri của cơ quan nhà nước và được Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư (Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề Luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề, có sức khỏe bảo đảm hành nghề, có Chứng chỉ hành nghề và gia nhập một Đoàn Luật sư), thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Quy định pháp luật đối với vai trò của Luật sư trong giải quyết vụ án hành chính

Trong vụ án hành chính, Luật sư đóng góp vai trò trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, góp phần giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án đúng pháp luật, bảo vệ công lý. Hệ thống pháp luật đã có nhiều quy định về các nội dung liên quan đến vai trò của Luật sư trong các lĩnh vực pháp luật nói chung, lĩnh vực tố tụng hành chính nói riêng. Những quy định này đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của Luật sư được diễn ra một cách tốt nhất.

Căn cứ Điều 103 Hiến pháp 2013 thì trong quá trình giải quyết tố tụng, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Theo đó, nguyên tắc tranh tụng là nguyên tắc quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án trong đó có vụ án hành chính. Các đương sự có thể tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và cũng có quyền nhờ Luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Khi tham gia tố tụng hành chính, Luật sư được bảo đảm quyền tranh tụng để bảo vệ cho đương sự của mình. Điều này giúp nâng cao vị thế của Luật sư trong đời sống xã hội và quá trình tố tụng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo quy định của Điều 3 Luật Luật sư, hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Từ đó, có thể nhận thấy chức năng của Luật sư được thể hiện toàn diện trong xã hội, trong công cuộc xây dựng đất nước, tạo nên sứ mệnh nghề nghiệp. Luật sư là một sợi dây nối để đưa pháp luật vào đời sống nhân dân, thực hiện nhiệm vụ được giao góp phần bảo vệ công lý và công bằng xã hội.

Theo quy định tại Điều 19 Luật Tố tụng hành chính, đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác có đủ điều kiện theo quy định của Luật này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Quy định này cho thấy, các đương sự trong vụ án hành chính có quyền nhờ Luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ và Tòa án phải có trách nhiệm bảo đảm quyền này và chấp nhận sự lựa chọn Luật sư của họ, không được từ chối.

Luật sư được bảo đảm thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong giải quyết vụ án hành chínhKhi tham gia tố tụng hành chính, Luật sư được bảo đảm thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đủ tham gia với tư cách đại diện theo ủy quyền hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Cụ thể:

Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hành chính. (Điều 19 Luật Tố tụng hành chính)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây: (Khoản 6 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính)

- Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng hành chính;

- Thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;

- Tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc trong trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét;

- Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Luật này;

- Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo trong trường hợp được đương sự ủy quyền và có trách nhiệm chuyển cho đương sự;

- Các quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 6, 9, 16, 19 và 20 Điều 55 của Luật Tố tụng hành chính;

- Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Hoạt động của Luật sư trong giải quyết vụ án hành chính

Công việc Luật sư thực hiện để cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trong vụ án hành chính được thể hiện trong các giai đoạn cơ bản như sau:

Khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính: Những hoạt động Luật sư thực hiện trong giai đoạn này bao gồm:

- Luật sư tiếp xúc với khách hàng. Khi này, Luật sư sẽ tiến hành các công việc như tìm hiểu nội dung vụ việc, xác định đối tượng khởi kiện, xác định tư cách đương sự trong vụ án.

- Luật sư xem xét các điều kiện khởi kiện. Các điều kiện khởi kiện Luật sư sẽ xem xét là: chủ thể khởi kiện, quyền khởi kiện, thẩm quyền của Tòa án, thời hiệu khởi kiện và thủ tục khởi kiện. Khi thực hiện thủ tục khởi kiện, cần đủ các điều kiện luật định thì vụ việc mới được Tòa án thụ lý và giải quyết, vì vậy việc Luật sư xem xét các điều kiện này sẽ giúp đơn khởi kiện của đương sự nhanh chóng được thụ lý, vụ việc sớm được giải quyết, tiết kiệm thời gian chi phí cho các đương sự. Trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện, Luật sư sẽ tư vấn, hướng dẫn khách hành để đảm bảo đủ các điều kiện này.

- Luật sư chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, nộp đơn khởi kiện tại Tòa án, hướng dẫn khách hàng thực hiện nộp tạm ứng án phí.

Như vậy, trong giai đoạn này, Luật sư bắt đầu là một người đồng hành cùng đương sự về pháp lý cũng như chỗ dựa tâm lý trên con đường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Đối thoại và chuẩn bị xét xử:

Trong giai đoạn này, Luật sư với kỹ năng nghề nghiệp đã được đào tạo, sẽ giúp khách hàng thu thập tài liệu để cung cấp cho Tòa án trong trường hợp chưa nộp đầy đủ chứng cứ khi khởi kiện và làm Đơn yêu cầu thu thập chứng cứ trong trường hợp không thể tự thu thập. Luật sư cũng sẽ tham gia các buổi làm việc, đối thoại để đưa ra quan điểm, lý lẽ bảo vệ cho yêu cầu khởi kiện của khách hàng, đồng thời Luật sư cũng có thể giúp làm giảm sự căng thẳng, hài hòa quan hệ giữa các bên. Vì vậy, vai trò của Luật sư trong giai đoạn này rất quan trọng.

Xét xử sơ thẩm:

Phiên tòa là lúc nhìn nhận lại toàn diện vụ án một cách đầy đủ, là thời gian cho các bên trình bày, tranh luận, lập luận chứng minh yêu cầu khởi kiện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Và Luật sư sẽ bằng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của mình, kỹ năng tranh tụng, sẽ giúp đương sự của mình bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bên cạnh đó, trong phiên tòa, có nhiều tình huống có thể xảy ra như cung cấp thêm chứng cứ, xác minh chứng cứ mới, tình tiết mới… Vì vậy, sự có mặt của Luật sư trong phiên tòa xét xử sơ thẩm là cần thiết, hỗ trợ khách hàng kịp thời và hiệu quả.

Xét xử phúc thẩm:

Đối với việc xét xử phúc thẩm, Luật sư sẽ hỗ trợ khách hàng trong việc soạn thảo, nộp Đơn kháng cáo trong trường hợp Bản án, quyết định sơ thẩm đã tuyên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự mà Luật sư đang bảo vệ. Luật sư cũng sẽ đưa ra các lập luận để phản bác lại kháng cáo của chủ thể kháng cáo nếu kháng cáo đó ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự Luật sư đang bảo vệ.

Xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm:

Trình tự giám đốc thẩm hay tái thẩm là một thủ tục đặc biệt, không phải vụ việc nào cũng diễn ra thủ tục này, cần có căn cứ quy định tại Điều 255 và 281 Luật Tố tụng hành chính mà có Đơn đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị, các cơ quan tổ chức, cá nhân phát hiện và có văn bản thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị. Trong trường hợp này, nhiệm vụ của Luật sư để hỗ trợ khách hàng là nghiên cứu, xem xét Bản án có hiệu lực pháp luật có căn cứ để tiến hành các thủ tục đặc biệt này hay không, thời hạn để thực hiện đề nghị. Do đây là thủ tục đặc biệt nên kỹ năng soạn thảo đơn, đánh giá bản án quyết định của Luật sư sẽ giúp cho vụ việc của đương sự dễ dàng được tiếp nhận và giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự.

Thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật:

Thi hành án là giai đoạn để Bản án được thực thi. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người dân sau khi có quyết định, bản án của Tòa án nghĩ rằng việc giải quyết vụ án hành chính đã xong mà không biết đến thủ tục thi hành án. Vì vậy, Luật sư sẽ có vai trò hướng dẫn, cùng khách hàng xem xét phải thi hành án như thế nào (có tự nguyện thi hành hay không) để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất, nhanh chóng thực thi bản án, quyết định.

Qua những phân tích trên, thấy được, Luật sư có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án hành chính, Luật sư vừa là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, vừa là người giải thích pháp luật cho đương sự, là điểm tựa cả về mặt pháp lý lẫn tâm lý cho đương sự. Và bằng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, Luật sư sẽ bảo vệ tốt nhất quyền và nghĩa vụ của đương sự khi tham gia vụ án hành chính, góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Các tin khác