(LSVN) - Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc xảy ra những tranh chấp thương mại là điều không thể tránh khỏi. Với những ưu thế vượt trội mà trọng tài đem lại, các thương nhân ngày càng có xu hướng giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài hơn trước. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp không ít trường hợp tài sản liên quan đến vụ việc có nguy cơ bị tiêu hủy hay dịch chuyển hoặc chứng từ, giấy tờ liên quan đến vụ việc nằm trong tay người thứ ba nhưng họ lại không thiện chí hợp tác với trọng tài. Để đảm bảo lợi ích cho các bên, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia trao cho trọng tài thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong hầu hết trong pháp luật trọng tài của các quốc gia cũng như Luật mẫu về trọng tài thương mại của Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế.
Điều 17 Luật mẫu về trọng tài thương mại của Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế quy định rằng : “Trừ khi các bên có thoả thuận khác, ủy ban Trọng tài có thể theo yêu cầu của một bên buộc bất kỳ bên nào phải tiến hành biện pháp bảo vệ tạm thời khi ủy ban Trọng tài thấy cần thiết đối với nội dung tranh chấp. Ủy ban Trọng tài có thể yêu cầu bất kỳ phía nào đưa ra sự bảo đảm thích hợp về biện pháp trên.”
Điều 24 Luật trọng tài Thụy Điển 1999 quy định: “Trừ khi có thỏa thuận khác của các bên, Hội đồng trọng tài có thể, theo yêu cầu của một bên, quyết định rằng trong quá trình trọng tài, bên đối lập phải chịu áp dụng một biện pháp bảo vệ tạm thời cụ thể để bảo đảm cho việc kiện đang được xét xử bởi Hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài có thể quyết định rằng bên yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ tạm thời phải đưa ra sự bảo vệ thích hợp đối với những thiệt hại xảy ra cho bên đối lập do áp dụng biện pháp tạm thời.”
Nhìn chung, biện pháp khẩn cấp tạm thời được hiểu là những biện pháp mang tính tạm thời được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của một trong các bên tranh chấp, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ việc hoặc việc thi hành án.
Các đặc điểm của việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
Thứ nhất, tùy theo yêu cầu áp dụng loại biện pháp khẩn cấp tạm thời mà bên yêu cầu phải cung cấp cho hội đồng trọng tài những bằng chứng cần được bảo toàn, các bằng chứng về việc bị đơn tẩu tán, cất giấu tài sản có thể làm cho việc thi hành quyết định trọng tài không thể thực hiện được.
Thứ hai, để tránh lạm dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng như bảo vệ lợi ích cho các bên liên quan khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, pháp luật các quốc gia nhìn chung đưa ra nghĩa vụ bảo đảm tài chính của bên yêu cầu trước khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Hội đồng trọng tài có thể yêu cầu bên yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đưa ra sự bảo đảm thích hợp liên quan đến biện pháp tạm thời này. Khoản bảo đảm tài chính có thể là tiền, giấy tờ có giá,… do hội đồng trọng tài ấn định nhưng không được quá nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của bị đơn cũng như lợi ích của bện bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.
Thứ ba, pháp luật về trọng tài còn quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây thiệt hại cho các bên có liên quan. Theo đó, bên yêu cầu áp dụng các biện pháp này có nghĩa vụ chịu bất kỳ chi phí hoặc thiệt hại nào phát sinh bởi việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu sau đó hội đồng trọng tài xác định rằng trong trường hợp này, biện pháp khẩn cấp tạm thời không nên được áp dụng.
Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trọng tại thương mại quốc tế tại Việt Nam
Trên tinh thần tiếp thu học hỏi pháp luật, Luật trọng tài thương mại Việt Nam 2010 quy định nội dung khá tương thích về các biện pháp khẩn cấp tạm thời với pháp luật quốc tế. Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trọng tài thương mại quốc tế được quy định tại Chương VII Luật trọng tài tại Việt Nam 2010.
Về điều kiện để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Hội đồng trọng tài chỉ có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có đủ cả bốn điều kiện sau:
- Phải có đương sự yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Người yêu cầu phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó;
- Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm về tài chính để bảo đảm việc bồi thường những thiệt hại do việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng.
- Chưa có đương sự nào yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong Luật Trọng tại thương mại 2010
Khoản 2 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định Hội đồng trọng tài có thể áp dụng sáu biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp.
Thứ nhất, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp
Trong quá trình giải quyết việc tranh chấp, Hội đồng trọng tài, có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp này khi hội tụ đầy đủ các điều kiện: (1) đối tượng mà đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải là tài sản đang có tranh chấp; (2) người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản hoặc người khác đang có hành vi làm thay đổi hiện trạng của tài sản như phá hủy, tháo dỡ, lắp ghép xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản; (3) người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính.
Đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này phải đưa ra tài liệu, chứng cứ chứng minh bên đang chiếm hữu, giữ tài sản đang có hành vi làm thay đổi hiện trạng tài sản. Hội đồng trọng tài hoặc Thẩm phán phải xem xét các yêu cầu, các căn cứ mà đương sự đã đưa ra để quyết định có áp dụng biện pháp khẩn cấp đó hay không.
Thứ hai, cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài
Trong quá trình trọng tài giải quyết tranh chấp, nếu thấy đương sự nào đó đang có hành vi (hành động hoặc không hành động) mà hành vi đó sẽ có tác động gây bất lợi cho quá trình tố tụng thì đương sự bên kia có quyền yêu cầu trọng tài hoặc Tòa án áp dụng biện pháp cấm hoặc buộc bên tranh chấp thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định. Khi có đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp này, nếu thấy yêu cầu đó là chính đáng và đương sự đã xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp này thì trọng tài hoặc Tòa án phải áp dụng ngay.
Thứ ba, kê biên tài sản đang tranh chấp
Kê biên tài sản chỉ áp dụng cho trường hợp người chiếm giữ tài sản đang có tranh chấp có hành vi tẩu tán, cất giấu tài sản đang có tranh chấp gây khó khăn trong việc xem xét, giải quyết của Hội đồng trọng tài hoặc thi hành án sau này, thì theo yêu cầu của một trong các bên đương sự Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp này. Tài sản kê biên có thể thu giữ bảo quản tại cơ quan thi hành án hoặc lập biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án. Khi lập biên bản kê biên phải ghi rõ ngày, giờ, loại tài sản, mô tả đầy đủ, chính xác tình trạng tài sản. Nếu cơ quan, người thứ ba được giao quản lý tài sản kê biên có thể được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp
Có những tài sản đang tranh chấp hoặc có liên quan đến tranh chấp, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm hư hỏng, mất giá trị, giảm giá trị hoặc làm biến dạng tài sản, thì theo yêu cầu của một trong các bên tranh chấp có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “bảo tồn, cất giữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp” thì Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án sẽ áp dụng biện pháp này khi các bên đương sự đã đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp này.
Thứ năm, yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên
Để kịp thời xử lý những nhu cầu cấp bách của đương sự, dù hai bên còn đang có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, về hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ… đang phải chờ Hội đồng trọng tài phán xử, thì theo yêu cầu của một trong các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc trả tiền giữa các bên tranh chấp khi bên yêu cầu đã chứng minh yêu cầu áp dụng biện pháp này là chính đáng, cần thiết.
Thứ sau, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp
Dù tố tụng trọng tài được diễn ra trong thời gian không dài so với tố tụng tại Tòa án, nhưng nó vẫn cần một khoảng thời gian nhất định. Lợi dụng thời gian tố tụng trọng tài đang diễn ra một bên tranh chấp có thể có hành vi bán, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho… tài sản đang có tranh chấp, hành vi này đe dọa gây ra những thiệt hại cho đương sự khác hoặc gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp, xử lý tài sản tranh chấp. Do đó, khi có yêu cầu của một trong các bên đương sự áp dụng biện pháp khẩn cấp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang có tranh chấp thì Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án phải áp dụng biện pháp này.
Thực tiễn áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trọng tài thương mại quốc tế
Khi nguyên đơn khởi kiện ra trọng tài, trọng tài ở đây được hiểu là Hội đồng trọng tài chứ không phải trung tâm trọng tài vì chỉ có hội đồng trọng tài mới có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Xét về mặt thực tiễn, nếu cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, nguyên đơn có thể gặp phải một số bất lợi về mặt thời gian nếu phải chờ bị đơn chỉ định trọng tài viên và ban thư ký hoàn tất thủ tục thành lập hội đồng trọng tài. Thời gian có thể kéo dài đủ lâu để bị đơn (nếu muốn) có thể tẩu tán đáng kể các tài sản tranh chấp.
Thêm vào đó, các chủ thể khác có liên quan trong vụ tranh chấp thường chỉ cho rằng chỉ tòa án mới có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời can thiệp và hạn chế các quyền định đoạt tài sản của họ. Họ cho rằng hội đồng trọng tài dù có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cũng chỉ mang tính chất tư và chỉ được áp dụng cho các bên đương sự trong vụ tranh chấp, khó có lý do để áp dụng làm hạn chế quyền lợi với người thứ ba.
__________________________________ 1. TS. Trần Minh Ngọc, Giáo trình trọng tài quốc tế, Nxb Công an nhân dân, 2018. 2. Hội luật gia Việt Nam – Trưởng ban Phạm Quốc Anh, Giới thiệu tóm tắt luật trọng tài của một số nước trên thế giới, ngày 20 tháng 4 năm 2009; 3. http://spc.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/baiviet?p_page_id=1&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=147735716; 4. https://www.international-arbitration-attorney.com/vi/arbitration-law-of-world/ |
NGỌC ANH