Thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ với nhau trong hoạt động kinh doanh nói chung, do đó các cam kết trong Hiệp định EVFTA (được ký cùng với EVIPA) về thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, quy tắc xuất xứ... gắn liền và ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các cam kết về đầu tư trong Hiệp định EVIPA.
Hiệp định EVIPA tác động toàn diện đến nền kinh tế Việt Nam và thúc đẩy quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư EU nói riêng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, tạo cơ hội cho Việt Nam đạt được sự cân bằng giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế.
Trong bài viết, tác giả đề cập đến một số nội dung chủ yếu (như bảo hộ đầu tư, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư); giải pháp thực thi Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu và những cam kết liên quan đến đầu tư trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (như cam kết về thương mại dịch vụ đầu tư, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ viễn thông, dịch vụ phân phối, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ).
Ngày 12/02/2020, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc ký kết Hiệp định EVIPA được cho là thay thế 21/28 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký trước đây với 22/28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhưng EVIPA có các cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, gắn với cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ... theo quy định của EVFTA.
Việc ký kết Hiệp định EVIPA trong bối cảnh quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa các bên đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiệp định EVIPA được ký kết không chỉ góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư EU nói riêng vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam mà còn góp phần thu hút đầu tư chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và mở ra cơ hội cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường đầu tư ở trình độ cao của các nước thuộc Liên minh châu Âu. Bên cạnh những cơ hội nêu trên, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực cạnh tranh...
Một số nội dung chính của Hiệp định EVIPA
So với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU, Hiệp định EVIPA có bố cục và nội dung khá toàn diện, chi tiết với 04 chương, Lời nói đầu và 13 phụ lục đi kèm. Cụ thể: Chương 1. Mục tiêu và định nghĩa chung; Chương 2. Bảo hộ đầu tư; Chương 3: Giải quyết tranh chấp; Chương 4. Các điều khoản thể chế, các điều khoản chung và các điều khoản cuối cùng.
Các phụ lục gồm có: Phụ lục 1 - Cơ quan có thẩm quyền, Phụ lục 2 - Ngoại lệ cho Việt Nam về đối xử quốc gia, Phụ lục 3 - Biên bản ghi nhớ về đối xử đầu tư, Phụ lục 4 - Biên bản ghi nhớ về trưng dụng, Phụ lục 5 - Nợ công, Phụ lục 6 - Danh sách hiệp định đầu tư, Phụ lục 7 - Quy tắc tố tụng trọng tài, Phụ lục 8 - Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên, Phụ lục 9 - Cơ chế hòa giải, Phụ lục 10 - Cơ chế hoà giải để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và các bên, Phụ lục 11 - Quy tắc ứng xử của thành viên cấp sơ thẩm, thành viên cấp phúc thẩm và hoà giải viên, Phụ lục 12 - Thủ tục đồng thời, Phụ lục 13 - Quy trình làm việc của cấp phúc thẩm.
Nội dung của Hiệp định có một số vấn đề đáng chú ý sau:
Về bảo hộ đầu tư, bao gồm những cam kết: Cam kết đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài; cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh.
Có thể thấy rằng, các cam kết trong EVIPA được xây dựng chi tiết và cân bằng hơn các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU. Theo đó, các cam kết có tiêu chí rõ ràng đối với từng hành vi mà nhà nước không được làm, bổ sung một số ngoại lệ nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia chủ nhà.
Đáng lưu ý là EVIPA đã bổ sung quy định ghi nhận quyền điều chỉnh chính sách của nước tiếp nhận đầu tư, theo đó các bên khẳng định quyền quản lý trong lãnh thổ của mình để đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, hoặc xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa. Những điểm khác biệt này được xây dựng nhằm mục đích đảm bảo các quy định của EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tranh chấp xảy ra và trong trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư, đảm bảo cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng các quy định này một cách minh bạch, nhất quán, tương thích với quan điểm của hai bên trong quá trình đàm phán Hiệp định.
Về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư: Hiệp định EVIPA xây dựng cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU trước đây. Theo đó, tranh chấp được giảii quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm hai cấp xét xử: Cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm với các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn.
EVIPA cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn và bộ quy tắc ứng xử của các thành viên của cơ quan xét xử. Khi phát sinh tranh chấp đầu tư cụ thể, Chủ tịch của từng cấp xét xử sẽ chỉ định các thành viên thụ lý vụ tranh chấp đó. Các quy định này được đánh giá là sẽ giúp nâng cao tính công bằng, nhất quán của hoạt động giải quyết tranh chấp, giúp hạn chế rủi ro về sai sót, đồng thời nâng cao tính độc lập của cơ quan giải quyết tranh chấp do các bên tranh chấp không còn được lựa chọn người giải quyết tranh chấp của mình, các thành viên cũng phải tuân thủ chặt chẽ bộ quy tắc ứng xử quy định tại Hiệp định.
Một số cam kết trong EVFTA liên quan tới đầu tư
Thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ với nhau trong hoạt động kinh doanh nói chung, do đó các cam kết trong Hiệp định EVFTA (được ký cùng với EVIPA) về thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, quy tắc xuất xứ... gắn liền và ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các cam kết về đầu tư trong Hiệp định EVIPA. Một số cam kết trong EVFTA liên quan tới đầu tư cụ thể như sau:
Cam kết về thương mại dịch vụ đầu tư: Cam kết trong EVIPA là mức cam kết cao nhất của EU trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký gần đây với các nước khác. Theo đó, các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia (NT) trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước. Cụ thể:
- Dịch vụ ngân hàng: Trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 04 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
- Dịch vụ bảo hiểm: Việt Nam cam kết cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới và dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật Việt Nam. Riêng đối với yêu cầu cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm, Việt Nam chỉ cho phép sau một giai đoạn quá độ.
- Dịch vụ viễn thông: Việt Nam chấp nhận mức cam kết tương đương trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt, đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng cho phép EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một giai đoạn quá độ.
- Dịch vụ phân phối: Việt Nam đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế sau 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên Việt Nam bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử. Ngoài ra, Việt Nam cũng không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu và cho phép các doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo các giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn và bán lẻ.
Mua sắm của Chính phủ: Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu… Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.
Sở hữu trí tuệ: Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể:
- Về chỉ dẫn địa lý: Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
- Về nhãn hiệu: Hai bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc phải có cơ sở dữ liệu điện tử về đơn nhãn hiệu đã được công bố và nhãn hiệu đã được đăng ký để công chúng tiếp cận, đồng thời cho phép chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng một cách thực sự trong vòng 05 năm.
- Về thực thi: Hiệp định có quy định về biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng xuất khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Về đối xử tối huệ quốc (MFN): Bảo đảm dành cho các tổ chức, cá nhân của EU được hưởng những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao không chỉ với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định của WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) mà còn cả các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia (như Hiệp định CPTPP).
Cơ hội và giải pháp thực thi
Cơ hội: Có thể nói, Hiệp định EVIPA tác động toàn diện đến nền kinh tế Việt Nam và thúc đẩy quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư EU nói riêng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, tạo cơ hội cho Việt Nam đạt được sự cân bằng giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế. Cụ thể:
- Cam kết bảo hộ đầu tư trong EVIPA và tự do hóa đầu tư trực tiếp trong EVFTA sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ mà hiện nay còn hạn chế như dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Việc mở cửa thị trường dịch vụ này chắc chắn sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam trong thời gian tới.
- Cam kết về Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được quy định khá chặt chẽ, điều đó sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế hàng xuất khẩu của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Dự kiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN khác mà còn từ các nhà đầu tư từ các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam để tiếp cận thị trường EU.
- Do việc cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Giải pháp chung: Để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi Hiệp định này, Việt Nam rất cần nhiều giải pháp đồng bộ mà trước hết là việc hoàn thiện thể chế về đầu tư, kinh doanh. Theo đó, cần nghiên cứu, rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế...
Về thủ tục đầu tư, kinh doanh (thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép đầu tư, cấp phép kinh doanh, giấy phép lao động, các thủ tục về thuế, hải quan..., cần tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh một cách thuận lợi, tiết kiệm được thời gian. Đối với khu vực tư nhân, cần khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân được tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cho phép được cung cấp các dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, về phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam cần phải khẩn trương xây dựng chiến lược kinh doanh, đầu tư và tiếp cận thị trường phù hợp với các cam kết trong EVIPA và EVFTA, trong đó cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để gia nhập thị trường châu Âu một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất.
Giải pháp cụ thể:
- Trước mắt, cần tăng cường phổ biến về các nội dung của Hiệp định và những việc cần làm để thực thi Hiệp định cho các đối tượng bị tác động của Hiệp định như cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, nhà đầu tư, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân trong các ngành nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp...;
- Củng cố mạng lưới và đẩy mạnh công tác thông tin dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước để các doanh nghiệp có thể nắm bắt kịp thời các yêu cầu về xuất nhập khẩu hàng hóa của EU, dự báo được nhu cầu của thị trường trong nước, ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu từ các nước EU;
- Cần sớm xây dựng lộ trình thực hiện Hiệp định để đảm bảo thực thi có hiệu quả các quy định của Hiệp định, đồng thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trình các cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng lộ trình quy định trong Hiệp định. Về thủ tục đầu tư, cần nhanh chóng rà soát và cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, điều kiện tiếp cận thị trường đang gây phiền hà, cản trở nhà đầu tư và không phù hợp với các cam kết trong Hiệp định;
- Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ logistic; cải thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới để tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao, hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học ứng dụng trong sản xuất, quản lý nhằm cải thiện, nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp và các ngành sản xuất;
- Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Theo đó, cần ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước; phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam về cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh và nâng cao tính độc lập, tự chủ nền kinh tế.
Tiến sĩ PHẠM SỸ CHUNG Đại học Mở TP. HCM (TCDC&PL) |