Cụ thể, ngày 31/5/2023, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xét xử phúc thẩm vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 88/2023/TLPT-HS ngày 10/4/2023 đối với bị cáo Võ Ngọc Tuấn do có kháng cáo của bị cáo.
Trước đó, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2022/HS-ST ngày 11/5/2022 TAND huyện Triệu Sơn đã tuyên phạt bị cáo Võ Ngọc Tuấn 7 năm tù về tội danh “Cố ý gây thương tích”. Bị cáo Võ Ngọc Tuấn sau đó đã có đơn kháng cáo.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 164/2022/HS-PT ngày 11/8/2022 của TAND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định hủy bản án thẩm của TAND huyện Triệu Sơn, trả hồ sơ cho VKSND huyện Triệu Sơn điều tra lại theo thủ tục chung.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 14/2023/HS-GĐT ngày 20/3/2023 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 37/QĐ-VC1-HS ngày 14/10/2022 của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội; hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa để xét xử phúc thẩm lại.
Phiên xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa ngày 31/5/2023.
Tại phiên tòa phúc thẩm, cả bị cáo và các Luật sư bào chữa cho bị cáo kiến nghị HĐXX hoãn phiên tòa, triệu tập các nhân chứng, điều tra viên và giám định viên để làm rõ các vấn đề trong kết luận điều tra và cáo trạng. Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa cho rằng các vấn đề đã được làm rõ tại phiên xét xử sơ thẩm, không ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên không cần triệu tập. Đồng thời, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Võ Ngọc Tuấn, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2022/HS-ST ngày 11/5/2022 của TAND huyện Triệu Sơn.
Nêu quan điểm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo Võ Ngọc Tuấn, Luật sư Nguyễn Xuân Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ liên quan đến vụ án, như: Vấn đề mâu thuẫn giữa các kết luận giám định, nguyên nhân chết và thương tích của bị hại, vấn đề thực nghiệm hiện trường, vấn đề tội danh…
Về mâu thuẫn giữa các kết luận, theo Luật sư Nguyễn Xuân Anh, căn cứ vào hồ sơ tài liệu, kết luận giám định trong vụ án cũng như căn cứ vào Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án sơ thẩm thì giữa các bản kết luận giám định có sự mâu thuẫn, không thống nhất, có sự khác nhau về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bị hại là ông Lê Cảnh Hiền.
Cụ thể, căn cứ vào các kết luận giám định cũng như công văn giải thích kết luận giám định thì có thể thấy rõ sự mâu thuẫn giữa các bản kết luận giám định về nguyên nhân chết của ông Lê Cảnh Hiền. Kết luận giám định số 2388/GĐPY-PC09 ngày 29/10/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa kết luận: “Suy hô hấp do trào ngược thức ăn vào đường thở trên cơ thể hôn mê, xơ gan, rối loạn đông máu, chấn thương vùng đầu, mặt cổ”; Kết luận giám định mô bệnh học số 5124/C09-TT1 ngày 19/9/2019 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng kết luận: “Thức ăn tràn sâu vào trong đường thở của nạn nhân gây ra tình trạng suy hô hấp”.
Nhưng tại Kết luận giám định lại lần thứ nhất Kết luận giám định pháp y qua hồ sơ số 7234/C09-TT1 ngày 31/12/2020 của Viện Khoa học hình sự Bộ công an lại kết luận: “Tổn thương sưng nề tụ máu nặng vùng cổ trên nền bệnh rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu của ông Lê Cảnh Hiền là nguyên nhân gây ra suy hô hấp dẫn đến hôn mê”.
Việc mâu thuẫn giữa các kết luận giám định được thể hiện rõ nhất trong quá trình truy tố xét xử. Cụ thể, tại Bản án sơ thẩm số 21/2022/HS-ST ngày 11/5/2022 của TAND huyện Triệu Sơn phần Nhận định của Tòa án trang 11 (Bút lục số 611) thể hiện: “Xét thấy lời khai của bị cáo, của những người tham gia tố tụng phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ. Như vậy, hành vi dùng chân đá vào cổ, vào vùng miệng, gây nên: Tổn thương sưng nề tụ máu nặng vùng cổ trên nền bệnh xơ gan, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu của nạn nhân là nguyên nhân gây suy hô hấp dẫn đến hôn mê và tử vong”.
Nhưng trong Bản án số 164/2022/HS-PT ngày 11/8/2022 của TAND tỉnh Thanh Hóa cũng tại phần Nhận định của Tòa án trang 13 (Bút lục số 675) thì nhận định: “Theo các kết quả giám định thì ông Hiền bị trào ngược thức ăn vào đường thở dẫn đến hôn mê và tử vong là có thể do thực hiện ép tim ngoài lồng ngực. Còn đối với các tổn thương vùng cổ, miệng của nạn nhân Lê Cảnh Hiền không gây trào ngược thức ăn vào đường thở của nạn nhân quá mức trong khi người bị hại có nhiều bệnh nền và đang nguy kịch. Vì nếu nạn nhân bị trào ngược thức ăn vào đường thở từ khoảng 23 giờ 30 phút ngày 30/8/2019 đến 11 giờ ngày 31/8/2019 mới xuất hiện tình trạng suy hô hấp là không phù hợp”.
“Vậy, nguyên nhân nào là nguyên nhân gây ra tình trạng suy hô hấp của ông Lê Cảnh Hiền, nguyên nhân nào là nguyên nhân dẫn đến trào ngược thức ăn vào đường thở, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của ông Lê Cảnh Hiền là gì?
Hơn nữa, trước thời điểm ông Lê Cảnh Hiền xuất hiện tình trạng khó thở, suy hô hấp thì ông Hiền vẫn tỉnh táo và đi lại được”, Luật sư Nguyễn Xuân Anh nêu ý kiến tại phiên tòa. Từ đó, Luật sư đề nghị HĐXX trưng cầu giám định lại về nguyên nhân cái chết của ông Lê Cảnh Hiền.
Về vấn đề này, theo quan điểm của VKSND tỉnh Thanh Hóa thì các kết luận giám định có mâu thuẫn nhưng thương tích là nguyên nhân dẫn đến hôn mê, trào ngược thức ăn vào đường thở gây suy hô hấp dẫn đến cái chết. Do đó, không có căn cứ giám định lại.
Luật sư kiến nghị rất nhiều vấn đề nhưng HĐXX không chấp nhận.
Về một số vấn đề chưa được làm rõ trong vụ án, theo Luật sư, tại Công văn số 1003 ngày 29/6/2021 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa (Bút lục số 380) có nội dung: “Hình ảnh trào ngược thức ăn vào đường thở của bệnh nhân có thể do tác động của lực do bệnh nhân bị đánh, có thể do sặc thức ăn trong quá trình ăn uống của bệnh nhân và cũng có thể do sau khi thực hiện việc ép tim ngoài lồng ngực của bệnh nhân”.
Vấn đề thức ăn trào ngược vào đường thở của ông Lê Cảnh Hiền do tác động lực hoặc việc thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, tại Kết luận giám định 2321/GĐPY-PC09 đã kết luận là không phải do nguyên nhân lực tác động và việc ép tim ngoài lồng ngực, nhưng tình tiết này chưa được cơ quan tiến hành tố tụng điều tra làm rõ.
Đồng thời, theo Luật sư, hành vi đá ông Lê Cảnh Hiền của bị cáo Võ Ngọc Tuấn không phù hợp với vết thương vùng cổ của ông Lê Cảnh Hiền. Tại bản Kết luận điều tra bổ sung số 38/KLĐT ngày 07/5/2020 nêu: “Võ Ngọc Tuấn dùng chân đá một cái từ dưới lên trên về phía trước, trúng vào vùng cổ ông Lê Cảnh Hiền làm ông Lê Cảnh Hiền ngã ngửa ra sau”. Kết luận này không phù hợp với lời khai ban đầu của bị cáo Võ Ngọc Tuấn ngày 31/8/2019 cụ thể ông Tuấn, cũng như vết thương vùng cổ của ông Lê Cảnh Hiền thể hiện tại bản ảnh khám nghiệm tử thi. Nhưng tại bản thực nghiệm điều tra ngày 18/9/2021 xác định: “Bị can dùng chân phải đá về phía trước theo chiều từ dưới lên trên trúng vào vùng cổ bên trái của bị hại, làm bị hại ngã ngửa về sau. Phù hợp với vết thương vùng cổ bên trái của bị hại”. Đây là những điểm mâu thuẫn giữa các tài liệu chứng cứ và lời khai không phù hợp với vết thương.
Tại Bút lục số 34 trích biên bản hội chẩn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa ngày 31/8/2019 trong hồ sơ vụ án: Theo lời kể của ông Lê Cảnh Hiền cách thời điểm vào viện 03 giờ đồng hồ: Bệnh nhân bị đánh bằng gậy, nhiều phát vào đầu. Sau tai nạn, bệnh nhân tỉnh, đau đầu, biến dạng hàm mặt, vào viện (đa chấn thương) chủ tọa phiên hội chẩn là Bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn, Bác sỹ tham gia là Bác sỹ Minh, thư ký ghi rõ biên bản là Bác sỹ Lê Hà.
Sau gần 2 năm xảy ra vụ việc Cơ quan CSĐT huyện Triệu Sơn mới tiến hành thực nghiệm hiện trường, nhưng lại không có mặt ông Võ Ngọc Tuấn. Luật sư cho rằng, như vậy là chưa khách quan, không phản ánh được tình tiết của vụ án.
Đồng thời, các cơ quan tố tụng huyện Triệu Sơn chưa làm rõ được khái niệm “đa chấn thương” và “vật tày” như kết luận trong hồ sơ vụ án. Lý giải vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, vật tày không phải là vật sắc nhọn.
Đồng thời, các cơ quan tố tụng huyện Triệu Sơn chưa điều tra, làm rõ việc ông Hiền sau khi bị ông Tuấn “đá 1 cái” thì đi đâu, với ai mà trên người lại bị “đa chấn thương được hình thành bằng vậy tày” (Bút lục số 352).
“Tất cả các vấn đề nêu trên chưa được cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ, đây là những tình tiết rất quan trọng trong vụ án vì những tình tiết đó ảnh hưởng trực tiếp đến bản chất của vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông Võ Ngọc Tuấn. Nếu không làm rõ được các điểm trên thì vụ án không thể được làm sáng tỏ, có thể bỏ lọt tội phạm và gây ra oan sai cho ông Võ Ngọc Tuấn”, Luật sư Nguyễn Xuân Anh nêu quan điểm.
Từ những căn cứ trên, Luật sư Nguyễn Xuân Anh cho rằng, các cơ quan tố tụng huyện Triệu Sơn điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Võ Ngọc Tuấn về tội “Cố ý gây thương tích” là chưa chính xác, chưa đúng với bản chất sự việc.
Tuy nhiên, trái với những lập luận, chứng cứ được các Luật sư đưa ra tại phiên tòa, sau thời gian nghị án, HĐXX TAND tỉnh Thanh Hóa đã không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Võ Ngọc Tuấn, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã được TAND huyện Triệu Sơn tuyên trước đó.
PV