Ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại tư tưởng của Bác Hồ và củng cố thêm khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành một sức mạnh chung cho cả dân tộc, trong đó văn hóa được xem là yếu tố xuyên suốt để tạo ra sức mạnh đoàn kết này.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa, và ở một khía cạnh nhất định, văn hóa chính là sự chia sẻ những giá trị, biểu tượng, truyền thống, phong tục tập quán, lịch sử và truyền thuyết… chung của một cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Như vậy, khi chúng ta nói về văn hóa Việt Nam, điều này hàm nghĩa rằng các cộng đồng đang chia sẻ những điểm chung đó. Điều quan trọng ở đây là, qua việc chia sẻ những giá trị, biểu tượng, lịch sử và truyền thuyết… chung, các cộng đồng xác lập tình đoàn kết, yêu thương và chia sẻ. Đây chính là cội nguồn sức mạnh của tinh thần yêu nước nói riêng, của đất nước nói chung. Truyền thuyết về quả bầu, nơi các dân tộc anh em được sinh ra để hình thành nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chính là một cách giải thích về nguồn gốc để tạo ra tình đoàn kết như vậy.
Đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh gian khổ, nhờ tình đoàn kết giữa các dân tộc, chúng ta đều giành chiến thắng trước mọi kẻ thù. Đây cũng chính là một trong những hành trang lớn nhất để giúp chúng ta bước vào một thế giới tương lai với một sức mạnh của một nền văn hóa giàu bản sắc, có một kho tàng di sản văn hóa đa dạng và phong phú của 54 dân tộc anh em. Điều mà hiếm một đất nước nào trên thế giới có được! Xây dựng và phát triển văn hóa là một nhiệm vụ phức tạp. Năm 2020 lại là thời điểm hết sức khó khăn đối với sự phát triển đất nước nói chung, văn hóa nói riêng. Dịch bệnh Covid-19 và bão lũ liên tiếp ở miền Trung càng khiến cho chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về sức mạnh đại đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ yêu thương trong các cộng đồng, để không ai bị bỏ lại phía sau trong hoạn nạn. Văn hóa Việt Nam đã chứng minh được tầm quan trọng của mình khi giúp chúng ta đoàn kết hơn để vượt qua những khó khăn này, bình an hơn trong dịch bệnh, ấm lòng hơn trong bão lũ.
Ngày 18/11/2019, tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Nguồn lực lớn nhất của Tổ quốc ta chính là gần 100 triệu đồng bào trong và ngoài nước thuộc 54 dân tộc anh em. Truyền thống đại đoàn kết, trên dưới một lòng đã làm nên một sức mạnh vô bờ bến, không chỉ trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn non sông, bờ cõi trước đây mà còn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình ngày nay. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đại đoàn kết, không ngừng khơi dậy khát vọng và ý chí, lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong toàn dân; khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh trong dân để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đưa đất nước ta vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn”.
Như vậy, thông qua văn hóa, bằng sự sẻ chia những giá trị, biểu tượng, lịch sử và truyền thuyết…, gìn giữ tình đoàn kết giữa các dân tộc chính là gìn giữ hòa bình, độc lập cho, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Đó cũng là mong muốn của mọi người dân Việt Nam, không phân biệt vùng miền, dân tộc về khát vọng trở thành một quốc gia hùng cường, xứng đáng với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Theo Báo Văn hóa