Ảnh minh họa.
Có lẽ văn hóa ứng xử trong môi trường báo chí phải được thực hành và coi trọng nhất là sự trung thực. Sự trung thực đó thể hiện trong các mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau, giữa cấp trên và cấp dưới, với bạn đọc và cả cái cách tiếp nhận và xử lý thông tin.
Chính sự không trung thực với bản thân mình mà nhà báo viết ra các tác phẩm báo chí hoặc tô đen, hoặc bôi hồng, hoặc chỉ có một phần sự thật, hoặc thiên kiến, thiên vị khiến người đọc không biết đằng nào mà lần. Không trung thực dẫn đến sự "a dua", a tòng và nịnh bợ lộ liễu, đó là cách ứng xử không văn hóa.
Trung thực với đồng nghiệp thể hiện ở sự chân thành, loại bỏ sự “ghen ăn, tức ở”, “dìm bài” của nhau. Sức mạnh hoặc uy tín của một tờ báo làm nên bởi tập hợp những cây bút trung thực, tất nhiên phải có tài năng. Một bài báo mà viết sai chính tả, dẫn một câu châm ngôn hay tục ngữ mà thiếu chính xác, thậm chí hiểu sai cả ý nghĩa của cái câu đã dẫn thì người đọc nghi ngờ kiến thức của nhà báo đó, nói chi đến tài năng. Đồng nghiệp có chút tài hoặc sự tâm huyết cần khuyến khích, giúp đỡ, không ngần ngại chỉ ra những thiếu sót nghề nghiệp của họ.
Văn hóa ứng xử của một tòa soạn còn thể hiện với cách đối xử với cộng tác viên. Bài gửi đến không đăng nhưng không trả lời lý do là thiếu tôn trọng. Người viết không hẳn đã vì tiền nhưng nhuận bút quá thấp là một sự đánh giá thấp lao động trí tuệ của họ, chưa nói đến chuyện “quên” trả nhuận bút hoặc biếu tờ báo có bài của họ. Vai trò của cộng tác viên rất lớn không chỉ là sự đóng góp bài vở để tờ báo có nội dung đa dạng và sinh động, họ còn là những người góp phần tích cực và hiệu quả trong việc quảng bá thương hiệu tờ báo mà mình cộng tác.
Tờ báo nào cũng có mối liên kết với bạn đọc và thể hiện rõ nhất là cách giải quyết và xử lý các vấn đề mà bạn đọc đưa đến, muốn phản ảnh trên công luận. Không ít tờ báo đã giúp những người “thấp cổ, bé họng” lâm vào oan trái tìm được công lý, đòi dược sự công bằng cho mình. Đó cũng là biểu hiện của sự trung thực, đứng về phía lẽ phải của người làm báo.
Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí cần phải được thể hiện qua cách ứng xử trong các mối quan hệ khác nhau, từ cách tiếp xúc cộng tác viên, người dân khiếu nại đến phong cách làm việc trong tòa soạn, đi thực tế, làm việc với cơ quan, tổ chức, chính quyền hay người dân đều phải toát lên sự lịch lãm cần thiết của một nhà báo!
NHỊ NGỌC