Hành trình về nguồn.
Thật là ý nghĩa sâu sắc với bao cảm xúc chân thành trong từng trái tim người Đảng viên Luật sư khi trở lại dấu ấn lịch sử xưa tại tỉnh Bến Tre .
Nơi đầu tiên Đoàn tới thăm là Đài tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta mới có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam và cho cả dân tộc ta". Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã đi xa cách đây đúng 30 năm (26/8/1992 - 26/8/2022). Dù vậy, Nữ tướng Rừng dừa, "Linh hồn" của phong trào Đồng Khởi, Thủ lĩnh của "Đội quân tóc dài" huyền thoại vẫn sống mãi trong lòng thế hệ hôm nay.
Bà Nguyễn Thị Định (được người dân gọi là cô Ba Định) sinh ngày 13/2/1920, là con út trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Khi tròn 16 tuổi, bà giác ngộ và bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Tháng 10/1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1946, bà là thành viên nữ duy nhất trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc, gặp Trung ương để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí. Bằng lòng quả cảm, trí thông minh, bà đã khéo léo vượt trùng dương đưa 12 tấn vũ khí từ miền Bắc vào tận chiến trường Nam Bộ. Đây là tiền đề để Trung ương nghiên cứu, đánh giá, đi tới quyết định thành lập tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này.
Đoàn tới thăm Đài tưởng niệm Nữ tướng Nguyễn thị Định.
Những năm 1960, tên tuổi của cô Ba Định còn gắn liền với phong trào Đồng Khởi Bến Tre, với "Đội quân tóc dài" làm cho quân thù khiếp sợ. Đến năm 1974, cô Ba Định được phong hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Một đời chiến đấu hy sinh, Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã trở thành huyền thoại, không chỉ tiêu biểu cho phụ nữ miền Nam thành đồng đất thép Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang, bà còn là điển hình mẫu mực cho phụ nữ Việt Nam.
Đoàn đến thăm viếng khu mộ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Điểm thăm tiếp đó, Đoàn đến khu mộ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu . Giọng nói trầm ấm và nhiều cảm xúc của người thuyết minh đã giúp chúng tôi hiểu nhiều hơn về tinh thần yêu nước của nhà thơ tài hoa được phong tặng là Danh nhân văn hóa thế giới này.
Nguyễn Ðình Chiểu là người mở đầu cho giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XIX, tên tuổi ông là biểu trưng về lòng yêu nước của nhân dân miền Nam. Thơ của ông là những áng văn bất hủ, ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta trong thời kỳ chống bọn xâm lược phương Tây ngay từ buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta.
Văn chương chưa phải là toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Ðình Chiểu. Sự nghiệp của ông còn lớn hơn nhiều. Ông không chỉ là nhà văn mà còn là nhà giáo, thầy thuốc và là một nhà tư tưởng lớn. Tác phẩm Lục Vân Tiên là tác phẩm đầu tay, có tính chất tự truyện nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị về cách dạy làm người nhân nghĩa: “Trai thời trung hiếu làm đầu; Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Còn trong “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc”, nhân vật chính trong tác phẩm là người nông dân Nam bộ cùng khổ đã trở thành nghĩa sĩ dẹp loạn. Nguyễn Đình Chiểu đã viết về họ như những người anh hùng của thời đại. Đứng trước khu mộ gia đình cụ Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi chắp tay tri ân người chí sĩ năm xưa với tất cà lòng thành kính, ngưỡng mộ.
Chiều cùng ngày, tiếp nối tiếp hành trình Về nguồn Đoàn đến thăm Di tích Khu ủy Sài Gòn – Gia định và Khu Tưởng niệm Đồng Khởi.
Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre còn có mật danh là T4, Y4, cơ quan chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực đô thị Sài Gòn - Gia Định từ tháng 7/1969 đến tháng 10/1970. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23/12/1995. Đây là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh Bến Tre thăm quan hàng năm.
Cách đây 50 năm, vào tháng 7/1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, hai đồng chí Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ làm Phó bí thư đã lãnh đạo, chia thành nhiều bộ phận nhỏ, bằng nhiều hình thức bí mật di chuyển đến căn cứ xã Tân Phú Tây. Tuy thời gian đóng tại đây không dài nhưng Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã để lại những dấu mốc lịch sử đáng nhớ.
Tặng tranh cho Đảng ủy, UBND xã Thành An.
Tại khu di tích, được sự giới thiệu và kết nối của đồng chí Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến khối thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Ban đại diện Miền Tây của Câu lạc bộ đã tổ chức đón tiếp và giao lưu với đoàn chúng tôi. Ba bức tranh sơn mài “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” và các phần quà được trao tặng trong tiếng hát “... Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác. Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên người. Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời…” và “Nối vòng tay lớn” đã khiến buổi gặp gỡ tràn đầy cảm xúc.
Không khí buổi giao lưu.
Đồng chí Nguyễn Thị Anh Đào, Bí thư chi bộ 9 phát biểu: Chuyến về nguồn lần này là nhằm ôn lại truyền thống cách mạng cho đảng viên, cho các Luật sư hướng về Đảng và các Đoàn viên thanh niên ưu tú của Đoàn Luật sư. Sau chuyến đi sẽ là sự kết nối giữa chi bộ với Ban đại diện miền Tây của Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến thành ủy TP. HCM để thực hiện các buổi tư vấn pháp lý miễn phí cho bà con nông dân và hỗ trợ về pháp luật cho các trẻ em khuyết tật và trẻ em nhiễm chất độc da cam ở Bến Tre…
Luật sư TRẦN MỸ THOA
Đoàn Luật sư TP. HCM
Nguyên Bí thư Đảng ủy, Đảng bộ Đoàn Luật sư