/ Pháp luật - Đời sống
/ VCCI đề xuất giữ giá trị giấy tờ thủ tục hành chính của doanh nghiệp khi các cơ quan, tổ chức sắp xếp lại bộ máy

VCCI đề xuất giữ giá trị giấy tờ thủ tục hành chính của doanh nghiệp khi các cơ quan, tổ chức sắp xếp lại bộ máy

08/01/2025 19:02 |

(LSVN) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCIC) đề xuất giữ giá trị giấy tờ thủ tục hành chính của doanh nghiệp khi các cơ quan, tổ chức sắp xếp lại bộ máy.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Liên quan đến dự thảo này, VCCI góp ý 03 nội dung: Về việc thực hiện thủ tục hành chính (Điều 5); giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan đã ban hành (Điều 9) và việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật (Điều 10).

Đáng chú ý, về thực hiện thủ tục hành chính, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 dự thảo, trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính mà chưa sửa đổi ngay được các văn bản quy phạm pháp luật thì Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh hướng dẫn tạm thời để các thủ tục hành chính được thực hiện thông suốt, không bị gián đoạn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

VCCI đề nghị quy định này cần làm rõ hình thức của văn bản hướng dẫn tạm thời các thủ tục hành chính này là gì (văn bản quy phạm pháp luật hay là văn bản hành chính); hiệu lực pháp lý của văn bản pháp luật đó là gì? Thời hạn của các văn bản tạm thời này như thế nào? Vì văn bản hướng dẫn tạm thời này có nội dung về trình tự, thủ tục hành chính có sự thay đổi so với trình tự, thủ tục trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy và quy định này tác động đến người dân, doanh nghiệp, do vậy cần phải có sự kiểm soát về ban hành quy định này, hạn chế trường hợp thủ tục hành chính trở nên kém thuận lợi hơn.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn về hình thức của văn bản hướng dẫn tạm thời và quy trình ban hành loại văn bản này.

Với các thủ tục hành chính đang xử lý, dự thảo lại chưa đề cập nội dung này cho các trường hợp thủ tục hành chính đang được xử lý trong giai đoạn chuyển giao, sắp xếp (cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhận kết quả, cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy trả kết quả).

Điều này có thể khiến cho quy trình thủ tục bị đình trệ, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Do vậy, cần đưa ra nguyên tắc, đối với thủ tục hành chính đang được xử lý trong giai đoạn chuyển giao giữa các cơ quan thực hiện sắp xếp, tổ chức cá nhân, tổ chức không cần phải nộp lại hoặc điều chỉnh hồ sơ đã nộp trước đó; thời gian giải quyết thủ tục không thay đổi… để đảm bảo tính liên tục và thuận tiện cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục.

Về cơ chế giám sát việc thực hiện, dự thảo đã đưa ra các nguyên tắc chung cũng như các quy định xử lý để đảm bảo hoạt động thông suốt của các thủ tục hành chính. Việc sắp xếp này có thể tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh vì nguy cơ một số thủ tục hành chính bị ảnh hưởng.

Do vậy, bên cạnh các quy định nguyên tắc xử lý, VCCI kiến nghị cần có cơ chế giám sát để đảm bảo không có trở ngại khi tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục.

Về giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan đã ban hành (Điều 9), Khoản 2 Điều 9 dự thảo quy định “cơ quan có thẩm quyền sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cấp đổi, giấy tờ đã được các cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp”.

Theo VCCI, đây là quy định này là phù hợp, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, yêu cầu này cần mở rộng ra đối với các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, không được yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp giấy tờ phải được cấp đổi theo cơ quan nhà nước sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp trong hồ sơ thực hiện thủ tục nên đề nghị dự thảo bổ sung.

02‌ nhóm chính sách khi sắp xếp bộ máy

Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Tại dự thảo nghị quyết vừa đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tư pháp đề xuất tập trung vào hai nhóm chính sách.

Chính sách thứ nhất, ban hành quy định cụ thể để xử lý một số nội dung liên quan nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, thuận lợi khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Trong đó có nguyên tắc xử lý liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy được tiếp tục thực hiện bởi các cơ quan nhận chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó (bao gồm cả trường hợp thành lập cơ quan mới; thay đổi mô hình tổ chức; cơ cấu, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn).

Việc xác định cơ quan thực hiện kiểm sát, kiểm tra, giám sát sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy căn cứ vào nơi đặt trụ sở của cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó. Cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trụ sở tại địa bàn nào thì chịu sự kiểm sát, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền tại địa bàn đó.

Việc thực hiện nhiệm phối hợp giữa các cơ quan thuộc trường hợp hợp nhất, sáp nhập hoặc phối hợp với cơ quan thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động (cơ quan được hình thành sau khi hợp nhất, sáp nhập hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện nội dung công việc đó).

Trường hợp sau khi cơ quan sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết công việc nhưng chưa sửa đổi ngay được văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy trình, trình tự, thủ tục đó thì cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết công việc quyết định điều chỉnh tạm thời quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết công việc theo đúng nguyên tắc.

Quy định việc xử lý liên quan đến thay đổi tên của các cơ quan đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do sắp xếp tổ chức bộ máy (tự động chuyển đổi theo tên của cơ quan mới sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật không phải ban hành văn bản chỉ có nội dung sửa đổi về tên của cơ quan).

Cơ quan nhận chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thủ tục hành chính thông suốt, không bị gián đoạn. Thực hiện công bố, thông báo công khai việc thay đổi cơ quan thực hiện thủ tục hành chính theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhận chuyển giao.

Trường hợp sau sắp xếp dẫn đến thay đổi trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính mà chưa sửa đổi ngay được các văn bản quy phạm pháp luật thì giao một số cơ quan có thẩm quyền (Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) trong phạm vi quản lý của mình ban hành hướng dẫn tạm thời để các thủ tục hành chính được thực hiện thông suốt, không gián đoạn.

Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì chức danh đó tiếp tục thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đang được giao.

Dự thảo cũng đưa ra quy định về xử lý liên quan đến thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên (điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế), trong đó quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ trong việc thông báo về sự kế thừa thực hiện và trao đổi, thống nhất với đối tác nước ngoài về sự cần thiết sửa đổi quy định liên quan đến tên gọi của cơ quan được quy định trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Quy định một số chủ thể, cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý các vấn đề khác trong quá trình thực hiện (Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) căn cứ các nguyên tắc theo quy định.

Giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan ban hành trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ tiếp tục có hiệu lực đến khi bị thay thế, bãi bỏ hoặc bị xử lý bằng hình thức khác theo quy định.

Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cấp đổi, giấy tờ đã được các cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp. Trường hợp cá nhân, tổ chức có nhu cầu cấp đổi các giấy tờ đó thì không phải nộp phí, lệ phí thực hiện.

Chính sách thứ hai, ban hành quy định về trách nhiệm, thời hạn rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan liên quan để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền ngoài các nội dung có thể thực hiện theo các quy định tại nghị quyết; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm xử lý nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại nghị quyết.

Đối với văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp thì phải ban hành để có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của nghị quyết.

Đối với các văn bản cần rà soát, sửa đổi để phù hợp với tổ chức bộ máy đã được sắp xếp thì thời điểm thực hiện là sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Dự thảo cũng xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan xử lý nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Theo Bộ Tư pháp, đây là phương án tối ưu để bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy và xử lý kịp thời các nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa được quy định tại Nghị quyết, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm hoạt động của các cơ quan, xã hội, người dân, doanh nghiệp được thông suốt, liên tục, thuận lợi, tiết kiệm chi phí.

VŨ TRẦN

Các tin khác