Theo đó, dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp của Bộ Quốc phòng nêu rõ, tình trạng khẩn cấp là khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn đe dọa hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì cấp có thẩm quyền ban bố, công bố các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn; hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.
Theo dự thảo Luật, trong địa bàn đã công bố tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, các biện pháp được áp dụng bao gồm:
- Các biện pháp quản lý đặc biệt đối với chất cháy, chất nổ, hóa chất độc hại, chất phóng xạ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức và cá nhân;
- Buộc những người có thể gây ra thảm họa, sự cố rời khỏi địa bàn có tình trạng khẩn cấp hoặc không được rời khỏi nơi thường trú hoặc một khu vực nhất định khác;
- Huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để phục vụ cho việc thi hành Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp cần thiết thì trưng dụng phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Thực hiện giới nghiêm theo quy định pháp luật;
- Thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn và hoạt động bình thường của các cơ sở công cộng như giao thông, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước, cung cấp điện, y tế, phát thanh truyền hình;
- Kịp thời phát các khuyến nghị và cảnh báo về các biện pháp cụ thể để tránh hoặc giảm thiểu nguy hại cho xã hội;
- Áp dụng biện pháp hỗ trợ theo quy định;
- Các biện pháp do Ủy ban Thường vụ quốc hội quy định để áp dụng trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp khi các biện pháp quy định tại luật này và các luật khác có liên quan không thể ứng phó hiệu quả với sự cố, thảm họa.
Dự thảo Luật cũng nêu rõ, trong địa bàn có tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nguy hiểm, các biện pháp được áp dụng gồm:
- Kiểm soát giá bán đối với mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, sản xuất hàng giả, hàng nhái, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh;
- Tổ chức các đội công tác chống dịch khẩn cấp thuộc cơ quan y tế, cơ quan kiểm dịch;
- Xây dựng các bệnh viện dã chiến để ứng phó dịch bệnh;
- Kịp thời phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, khu đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với từng địa phương và công khai việc phân bổ.
- Huy động lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn quốc, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm; tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vaccine, thuốc điều trị bệnh.
- Trưng mua, trưng dụng tài sản theo quy định pháp luật;
- Thực hiện giới nghiêm theo quy định pháp luật.
- Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp thích hợp khác phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Cũng theo dự thảo Luật, trong địa bàn có tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, các biện pháp được áp dụng bao gồm:
- Các biện pháp quy định về Thiết quân luật, giới nghiêm quy định tại Luật Quốc phòng và các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong tình trạng khẩn cấp, ban hành văn bản hành chính trong tình trạng khẩn cấp,...
- Sử dụng chướng ngại vật, công cụ, phương tiện làm giảm tốc độ hoặc kiểm soát tốc độ phương tiện, buộc người và phương tiện giao thông phải qua trạm canh gác, kiểm soát.
- Sử dụng vũ lực, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để ngăn chặn bắt giữ người và phương tiện giao thông cố tình vượt trái phép trạm canh gác và kiểm soát hoặc chống lại việc canh gác, kiểm soát....