Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương đề xuất phương án “Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 02 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất".
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, Điều 6.1 quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm lại được lấy theo số liệu từng quý, tức 03 tháng thực hiện tổng hợp số liệu một lần. Việc tổng hợp số liệu theo quý này cũng phù hợp với thông lệ kế toán.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng để phù hợp với thời điểm tổng hợp số liệu.

Ảnh minh họa.
Về công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm, theo Điều 7.1 của dự thảo, hằng năm EVN lập Báo cáo chi phí sản xuất, kinh doanh điện (có kiểm toán), rồi đăng tải công khai trên website của EVN và gửi cho Bộ Công thương.
Quy định này khác với Quyết định 05/2024/QĐ-TTg là EVN gửi cho Bộ Công thương rồi Bộ Công thương chịu trách nhiệm đăng tải công khai. Tuy nhiên, Điều 7.1 của dự thảo chưa xác định rõ thời điểm phải công bố công khai.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung về thời điểm thực hiện việc đăng tải công khai này.
Bên cạnh đó, các nội dung phải công bố công khai được liệt kê tại Điều 7.2, tương tự như các nội dung đã có tại Điều 7.1.c của Quyết định 05/2024/QĐ-TTg. Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy các thông tin này tương đối khó theo dõi do không được trình bày theo một thể thức kế toán thống nhất.
Do đó, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Điều 7.2 theo hướng nội dung đăng tải công khai là Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện và Báo cáo kiểm toán độc lập.
Trước đó, Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh tăng giá điện.
Cụ thể, khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 02 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Còn khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng (giữ nguyên như quy định hiện hành).
Trong khi đó, quy định hiện hành khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện mới được phép điều chỉnh. Còn thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Công thương cho biết là để giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc tránh giật cục trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm.
Mặt khác, hiện nay các thông số đầu vào trong tính toán giá điện có sự biến động khá lớn trong thời gian ngắn và cần phải phản ánh kịp thời để hạn chế sự tác động của thông số đầu vào đến mức điều chỉnh giá điện.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.