Ảnh minh họa.
Tòa án quân sự từ 1945 đến 1950
Ngày 13/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh thiết lập các Tòa án quân sự. Điều 2 của Sắc lệnh quy định: “Tòa án quân sự sẽ xử tất cả các người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trừ phi phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật”.
Tiếp theo là các sắc lệnh: Sắc lệnh ngày 26/9/1945 ấn định địa phương thẩm quyền của các Tòa án quân sự; Sắc lệnh ngày 29/9/1945 đặt một Tòa án quân sự tại Nha Trang; Sắc lệnh ngày 28/12/1945 thiết lập một Tòa án quân sự tại Phan Thiết; Sắc lệnh ngày 15/01/1946 bổ khuyết Sắc lệnh ngày 13/9/1945 thiết lập Tòa án quân sự (bổ sung thêm thẩm quyền của Tòa án quân sự: Xét xử cả những việc bắt cóc, tống tiền, ám sát và những tội phạm do Sắc lệnh ấn định sau). Sau đó, Sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946 tổ chức các Tòa án quân sự đã bãi bỏ các Sắc lệnh nói trên (Điều 15).
Theo quy định tại Sắc lệnh số 21, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 82 ngày 25/02/1946 hướng dẫn thi hành Sắc lệnh. Điều 1 Nghị định quy định Tòa án quân sự được thiết lập tại các nơi: Ở Bắc kỳ tại Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình; ở Trung kỳ tại Vinh, Thuận Hóa, Nha Trang; ở Nam kỳ tại Sài Gòn, Mỹ Tho.
Điều 2 quy định: Ở Trung kỳ, Ủy ban Hành chính có thể đề nghị lên Bộ Tư pháp mở thêm Tòa án quân sự ở những nơi trọng yếu khác. Ở Nam kỳ, Ủy ban hành chính đồng ý với ông Chưởng lý Tòa Thượng thẩm có thể ra nghị định lập thêm Tòa án quân sự ở những nơi cần, rồi sau trình lên Bộ Tư pháp duyệt y.
Trụ sở Tòa án quân sự ở nơi nào thì đặt ngay sở tại Tòa án đệ nhị cấp hay tòa thượng thẩm ở nơi ấy (Điều 6).
Ngày 08/02/1948, Bộ Tư pháp ra Thông tư số 28/HC định thẩm quyền của Tòa án quân sự gửi Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu, Giám đốc Tư pháp khu, các Tòa thượng thẩm kỳ. Theo Sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946 tổ chức các Tòa án quân sự thì Tòa án đặc biệt này có thẩm quyền xử các việc sau hay trước ngày 19/8/1945 có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Điều 2), và các tội phạm khác do Sắc lệnh ấn định sau (Điều 3).
Vì Điều 2 nói trên rộng rãi, nên sự giải thích khó khăn, có nhiều việc có thể truy tố trước Tòa án thường mà cũng mang ra Tòa án quân sự.
Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ ba đã thảo luận về vấn đề này. Theo yêu cầu của hội nghị, bản Bộ xét cần phải đặt ra sau đây một vài nguyên tắc về thẩm quyền của Tòa án quân sự:
“I. Các việc bắt buộc phải thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự
Có các tội vì thể chất của nó hay vì luật định, mà bắt buộc phải mang ra Tòa án quân sự xét xử.
1. Vì thể chất. Mục đích chính việc thành lập các Tòa án quân sự là để xử các việc phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa…
a)… Như các việc: Phản quốc, gián điệp, làm tay sai cho địch: Dẫn đường, tiếp tế, thông tin cho địch, làm việc với địch (đi lính, hội tề,...), làm hại đến cuộc kháng chiến: Phá hủy các công tác phòng thủ, các võ khí, làm thiệt hại cho quân đội ta, phản tuyên truyền chống lại cuộc kháng chiến...
b) Các việc có hại đến chính thể Dân chủ cộng hòa của quốc gia: Âm mưu khuynh đảo Chính phủ, âm mưu lập nền quân chủ...
2. Vì luật định - theo Điều 3 của Sắc lệnh số 21 thì Tòa án quân sự xử cả các việc có Sắc lệnh giao cho.
Bản Bộ thấy có tội ”Làm giấy bạc giả hay hành động phá hoại giá trị của đồng bạc giấy Việt Nam”: Các Sắc lệnh số 18-b ngày 31/01/1946 và số 154 ngày 13/8/1946 giao các tội ấy cho Tòa án quân sự xét xử.
Về phần các tội ”Ám sát, tống tiền và bắt cóc”, Sắc lệnh số 7 ngày 15/01/1946 giao cho các Tòa án quân sự, song Sắc lệnh ấy đã bị Sắc lệnh số 21 bãi bỏ rồi. Sắc lệnh số 27 ngày 25/02/1946 chỉ định rằng các tội ấy bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm hoặc bị xử tử và truy tố xét xử như trọng tội. Vì vậy không có gì bắt buộc phải mang các việc ấy ra trước Tòa án quân sự.
Cũng như các tội ”Ăn trộm hay phá hủy dây điện thoại”, Sắc lệnh số 26 ngày 25/02/1946 của Ủy ban Hành chính Bắc bộ nói rằng các Tòa án quân sự có quyền xử các việc ăn trộm dây điện thoại, song bản Bộ nghĩ thẩm quyền ấy không bắt buộc”.
Tiếp theo, Sắc lệnh số 170-SL ngày 14/4/1948 đã thay Điều 5 của Sắc lệnh số 21 bằng Điều 5 mới, theo đó Chánh án Tòa án quân sự sẽ được lựa chọn từ các ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính liên khu hay Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh chứ không phải là ủy viên quân sự nữa.
Năm 1950, Nhà nước ta tiến hành cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng, Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950, tại Điều 1 quy định: “Tòa án sơ cấp nay gọi là Tòa án nhân dân huyện, Tòa án đệ nhị cấp nay gọi là Tòa án nhân dân tỉnh, Hội đồng phúc án nay gọi là tòa phúc thẩm…”.
Cùng với đó, tổ chức Tòa án quân sự cũng được cải cách. Tờ trình Sắc lệnh số 155-SL ngày 17/11/1950 “đề nghị những cải cách sau đây:
1) Mỗi liên khu chỉ có một Tòa án quân sự, trừ trường hợp đặc biệt thì sẽ thiết lập phân tòa để xét xử tại các địa phương xa. Phân tòa chỉ là một bộ phận của Tòa án quân sự liên khu.
2) Các Chánh án, Hội thẩm chính trị, Hội thẩm chuyên môn và công tố ủy viên đều là những nhân viên chuyên trách để có nhiều thì giờ giải quyết công việc.
Phó Hội thẩm chuyên môn của phân tòa là Chánh án hay dự thẩm Tòa án nhân dân tỉnh nơi lập phân tòa. Phó công tố ủy viên sẽ chọn trong các biện lý hay trưởng ty Công an trong các tỉnh ở liên khu”.
Và ngày 17/11/1950, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 156-SL về Tòa án nhân dân liên khu, quy định Tòa án nhân dân liên khu có thẩm quyền của Tòa án quân sự và của Tòa án phúc thẩm. Từ đây, Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử các tội ”Phản cách mạng” (sau này các Bộ luật Hình sự của nước ta quy định các tội này là “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”).
Như vậy, với Sắc lệnh số 156-SL ngày 17/11/1950, Tòa án quân sự đã được sáp nhập vào Tòa án nhân dân.
Tòa án binh từ 1946 đến 1960
Tòa án binh ra đời theo Sắc lệnh số 163-SL ngày 23/8/1946 thành lập một tòa án binh lâm thời đặt tại Hà Nội, Tòa án này có thẩm quyền xét xử:
- Các quân nhân phạm pháp bất cứ về tội gì, trừ những tội vi cảnh thuộc thẩm quyền các Tòa án tư pháp và những “thường tội” định ở Điều thứ 49 Sắc lệnh số 71 ngày 22/5/1946 thuộc quyền nghị phạt của các cấp chỉ huy quân đội;
- Những nhân viên các ngành chuyên môn trong quân đội, những người làm việc trong quân đội như công nhân, chủ thầu, khi phạm pháp có liên can đến quân đội;
- Những người thuộc bất cứ hạng nào mà phạm pháp ở trong các đồn trại, quân y viện, nhà đề lao binh hoặc một cơ quan nào của quân đội, hoặc phạm pháp làm thiệt hại đến quân đội.
Theo Điều 15 của Sắc lệnh này thì Sắc lệnh “sẽ tự nhiên bãi bỏ sau khi Sắc lệnh Tổ chức các Tòa án binh chính thức được ban hành”. Do đó, Sắc lệnh này đã hết hiệu lực khi ba sắc lệnh sau được ban hành:
(1) Sắc lệnh số 19-SL ngày 16/02/1947 tổ chức các Tòa án binh trên toàn cõi Việt Nam (trừ các Tòa án binh tại mặt trận). Điều 2 quy định: “Ở mỗi khu sẽ đặt một Tòa án binh. Nhưng nếu xét cần, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể ký nghị định lập thêm trong khu một hay nhiều Tòa án binh ở những nơi quân đội đóng”. Tòa án binh khu có thẩm quyền xét xử các quân nhân phạm tội (Điều 11 Sắc lệnh quy định: “Về phương diện quản trị, Tòa án binh khu thuộc quyền ủy ban kháng chiến khu”. Nhưng sau đó, Sắc lệnh số 60-SL ngày 05/7/1947 đã sửa đổi Điều 11 này là “Về phương diện quản trị, Tòa án binh khu thuộc quyền khu quân sự”).
(2) Sắc lệnh số 45-SL ngày 25/4/1947 thành lập một Tòa án binh Tối cao, quản hạt là “toàn cõi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, có thẩm quyền xét xử các quân nhân từ cấp trung đoàn trưởng trở lên phạm tội.
(3) Sắc lệnh số 59-SL ngày 05/7/1947 thành lập một Tòa án binh Khu Trung ương. Điều 1 quy định: “Nay đặt tại Bộ Quốc phòng một Tòa án binh gọi là “Tòa án binh Khu Trung ương”. Tòa án này có thẩm quyền xét xử các nhân viên phạm pháp thuộc các cơ quan trung ương của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy, kể cả các trung đoàn trưởng trở lên.
Về Tòa án binh tại mặt trận, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông lệnh liên bộ số 60-TL ngày 28/5/1947 về tổ chức Tòa án binh tại mặt trận (Thông lệnh này bãi bỏ Thông lệnh liên bộ số 11-NV-CT ngày 28/12/1946 và Thông lệnh số 32-TL-DB ngày 16/02/1947 về tổ chức và thẩm quyền Tòa án binh tại mặt trận). Tòa án binh tại mặt trận có thẩm quyền xét xử bất cứ người nào phạm tội ”Quả tang ở những nơi đang tác chiến” như: Phản quốc, gián điệp, cướp bóc, nhũng nhiễu dân chúng.
Về phân biệt Tòa án binh và tòa án quân sự, Bộ Quốc phòng đã ra Thông tư số 64 TT ngày 06/8/1947 chỉ rõ: “Tòa án binh (tiếng Pháp: tribunal militaire) và Tòa án quân sự (tiếng Pháp: cour martial) khác nhau về nhiều phương diện nhưng có thể tóm tắt lại là khác nhau về cách tổ chức và về thẩm quyền”…
Tòa án quân sự có quyền xử tất cả mọi người phạm tội có tính cách chính trị, chỉ trừ khi người phạm tội là binh sĩ thì để thuộc quyền Tòa án binh xử.
Tòa án binh thì có quyền xét xử tất cả quân nhân phạm pháp dù họ phạm vào các tội có tính cách nhà binh hay các tội định trong hình luật chung.
Có thể nói rằng: “Tòa án binh có tính cách binh bị, tòa án quân sự có tính cách chính trị”.
Năm 1960, “Khi xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, có ý kiến nên giữ lại tên gọi “Tòa án binh” như cũ, nhưng cơ quan kiểm sát quân sự không thể gọi là “Viện Kiểm sát binh” nên phải lấy tên “Tòa án quân sự”, cùng với tên Viện Kiểm sát quân sự”.
Với những trình bày ở trên, cho thấy rõ, ngày 13/9 không phải là Ngày Truyền thống riêng của Tòa án quân sự ngày nay. Nếu Tòa án quân sự kỷ niệm ngày 13/9 là “Ngày Truyền thống” như các Tòa án nhân dân thì đó là điều đương nhiên. Nhưng nếu kỷ niệm ngày này như là Ngày Truyền thống riêng của Tòa án quân sự thì sẽ là không đúng.
Thiết nghĩ, Tòa án quân sự ngoài việc kỷ niệm Ngày Truyền thống chung của Tòa án nhân dân, thì nên lấy ngày thành lập Tòa án binh là ngày truyền thống của mình, đồng thời cũng nên sửa lại vấn đề này trong cuốn “Lịch sử ngành Tòa án quân sự Việt Nam (1945-1995)” cho phù hợp.
NGÔ CƯỜNG
Hướng dẫn mới về bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự, hành chính