/ Pháp luật - Đời sống
/ Về nguyên tắc Tòa án xét xử công khai và quyền tham dự phiên tòa của người dân

Về nguyên tắc Tòa án xét xử công khai và quyền tham dự phiên tòa của người dân

29/01/2024 06:42 |

(LSVN) - Nguyên tắc Tòa án xét xử công khai là nguyên tắc chung được quy định trong các đạo luật tố tụng hiện hành và trong Luật Tổ chức TAND năm 2014. Mọi người dân có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp phiên tòa xét xử kín. Trong bài viết này, tác giả phân tích về ý nghĩa, vai trò của nguyên tắc tòa án xét xử công khai và thực tiễn bảo đảm quyền tham dự phiên tòa và giám sát hoạt động xét xử của người dân, qua đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc này.

Ảnh minh họa.

Quy định của luật về nguyên tắc Tòa án xét xử công khai, quyền tham dự phiên tòa của người dân và thực tiễn thi hành

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”(1) và “TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín”(2).
 
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai được quy định là nguyên tắc chung của các đạo luật tố tụng và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người trong hoạt động xét xử, đặt ra yêu cầu hoạt động xét xử không những phải đúng đắn, khách quan, công bằng mà còn phải kịp thời, nhanh chóng, không chậm trễ, tạo điều kiện cho công chúng có thể giám sát hoạt động xét xử(3).

Ngoài ra, đây là nguyên tắc mang tính phổ biến trên thế giới, được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế như: Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Điều 6 Công ước châu Âu về quyền con người năm 1950.

Nguyên tắc Tòa án xét xử công khai được thể hiện trong 03 đạo luật tố tụng hiện hành của Việt Nam như sau:

- Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

- Khoản 2 Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín.

- Khoản 2 Điều 16 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án có thể xét xử kín.

Như vậy, trong các đạo luật tố tụng hiện hành đều có quy định về việc Tòa án xét xử công khai, chỉ trong một số trường hợp đặt biệt theo quy định của luật thì Tòa án có thể xét xử kín. Các trường hợp đặc biệt mà luật quy định Tòa án có thể xét xử kín được chia thành 02 nhóm: (1) nhóm trường hợp đặc biệt liên quan đến việc “cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên/người dưới 18 tuổi” thì việc quyết định xét xử kín thuộc thẩm quyền chủ động của Tòa án và (2) nhóm trường hợp đặc biệt liên quan đến “để giữ bí mật đời tư, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” thì cần có yêu cầu chính đáng của đương sự làm cơ sở để Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xét xử kín.

Đồng thời, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ ngay trong điều luật về việc “mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định”.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành nguyên tắc Tòa án xét xử công khai và mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa còn tồn tại nhiều bất cập, thậm chí gây bức xúc trong đồi sống xã hội bởi vẫn còn tồn tại tình trạng người dân, sinh viên chuyên ngành luật, người tập sự hành nghề luật sư… không được một số Tòa án cho vào xem, tham dự phiên tòa, nhất là các phiên tòa xét xử các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, vụ án tham nhũng… mà không có lý do chính đáng mặc dù vụ án không thuộc trường hợp xử kín theo quy định của luật.

Ý nghĩa của việc Tòa án xét xử công khai và bảo đảm quyền tham dự phiên tòa của người dân

Nguyên tắc Tòa án xét xử công khai và quyền tham dự phiên tòa công khai của mọi người dân được bảo đảm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện quyền tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc này đòi hỏi việc xét xử phải đúng thời hạn quy định, không thiên vị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo điều kiện để thu hút đông đảo nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử, qua đó nâng cao ý thức pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác(4).

Hoặc như GS.TS Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể qua các sự kiện pháp lý cụ thể”(5).

Tòa án với chức năng bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với hoạt động đặc trưng là xét xử thì trước hết phải là nơi tập trung cao độ trong việc chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật. Tính đúng đắn trong các hoạt động tố tụng được áp dụng tại Tòa án ngoài việc tuân thủ và chịu sự kiểm tra, giám sát theo quy định của từng luật tố tụng thì cần phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chính nhân dân thông qua việc bảo đảm quyền tham dự phiên tòa của mọi người dân. Sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Nhà nước nói chung và hoạt động xét xử nói riêng là đòi hỏi cấp bách của một xã hội dân chủ(6). Điều này cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân(7)”.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc Tòa án xét xử công khai và bảo đảm quyền tham dự phiên tòa của người dân

Quy định Tòa án xét xử công khai và mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa có mối quan hệ gắn kết mật thiết với nhau. Xét xử công khai là cơ sở, là căn cứ để người dân tham dự phiên tòa và việc mọi người dân thực hiện thành công quyền tham dự phiên tòa của mình là chứng minh rõ nét nhất việc bảo đảm công khai trong việc xét xử của Tòa án theo quy định của luật, hay nói cách khác là việc Tòa án tuân thủ pháp luật về hoạt động xét xử công khai.

Để bảo đảm và ngày càng phát huy rộng rãi nguyên tắc Tòa án xét xử công khai trong hoạt động tố tụng và bảo đảm quyền tham dự phiên tòa của mọi người dân, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật và bảo đảm quyền giám sát tối cao của nhân dân với hoạt động xét xử của Tòa án, chúng tôi cho rằng cần thực hiện thường xuyên và đồng bộ một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, TAND tối cao cần thường xuyên có biện pháp nhằm nâng cao tinh thần chủ động, tuân thủ của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống ngành Tòa án, mà trước hết là phát huy vai trò của người đứng đầu Tòa án các cấp, đội ngũ thẩm phán trực tiếp thụ lý, giải quyết vụ án trong việc tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 trong việc bảo đảm nguyên tắc Tòa án xét xử công khai và bảo đảm quyền tự do tham dự phiên tòa của mọi người dân. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp ngăn cản thực hiện quyền tham dự phiên tòa công khai và giám sát hoạt động xét xử của nhân dân.

Thứ hai, nâng cao vai trò và hiệu quả của viện kiểm sát nhân dân mà trước hết là kiểm sát viên trực tiếp tham gia hoạt động tố tụng tại phiên tòa trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tố tụng, trong đó có việc chấp hành nguyên tắc Tòa án xét xử công khai và bảo đảm quyền tham dự phiên tòa công khai của mọi người dân.

Thứ ba, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thành viên của tổ chức mình và rộng rãi trong nhân dân quy định pháp luật về việc thực hiện nguyên tắc Tòa án xét xử công khai, quyền của mọi người dân được tham dự phiên tòa công khai và thực hiện quyền giám sát tối cao của nhân dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Bản thân mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu và chủ động thực hiện các quyền của mình (trong đó có quyền tham dự phiên tòa công khai), góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Kết luận

Tư pháp là hiện thân của công lý mà đại diện là Tòa án, thực hiện chức năng bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, có quyền phán xét hành vi của con người là hợp pháp hay không hợp pháp và đưa ra những phán quyết ảnh hưởng trực tiếp đến nhân thân, tài sản của con người. Do đó, hoạt động tư pháp luôn rất thận trọng để tránh các vi phạm quyền con người có thể xảy ra. Một chế độ Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một chế độ mà ở đó nền tư pháp luôn thể hiện sự nghiêm minh, khách quan, vô tư và độc lập(8). Với tầm quan trọng như vây, phương thức trực tiếp nhất để người dân trong xã hội thấy được công lý hiện thân trong hoạt động của TAND chính là luôn luôn bảo đảm nguyên tắc Tòa án xét xử công khai và bảo đảm cho mọi người dân đều có quyền tham dự phiên tòa xét xử công khai của Tòa án mà không bị bất cứ sự hạn chế hay cản trở từ phía cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Và khi đó, Tòa án mới là nơi mà mỗi công dân có thể nhận thấy rõ rằng tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của họ được đặt dưới sự bảo đảm đáng tin cậy của hệ thống tư pháp(9).

(1) Khoản 1, khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013.

(2) Khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.

(3) PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2020, tr.193.

(4) TS Trần Trí Dũng, Bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của TAND ở Việt Nam hiện nay, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2020, tr.130.

(5) TS Trần Trí Dũng, tlđd, tr. 62.

(6) PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, tlđd, tr.152.

(7) Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013.

(8) PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, tlđd, tr.223.

Luật gia THIỀU HỮU MINH

Hội Luật gia TP. Đà Nẵng

Một số vấn đề về hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định tại Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15

Nguyễn Hoàng Lâm