Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật THAHS năm 2019.
Việc xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo của các cơ quan hữu quan nói chung và đối với Tòa án nói riêng được quy định tại Điều 93 Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019. Đây là một trong những quy định mới được sửa đổi, bổ sung so với Luật THAHS năm 2010 và tiếp tục hoàn thiện theo quy định của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS năm 2015 về án treo. Theo đó, Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật THAHS năm 2019.
Thời gian thử thách là thời gian Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức ,đơn vị quân đội nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của khoản 1 Điều 87 Luật THAHS 02 lần trở lên, thì theo đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
1. Quy định của pháp luật
Theo quy định tại khoản 5 Điều 93 Luật THAHS năm 2019: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung”.
Theo quy định trên, Luật THAHS năm 2019 đã tăng thời hạn xét kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị đến khi Tòa án thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp là 05 ngày làm việc, so với Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 quy định là 03 ngày làm việc.
Điều 11 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 quy định: “… Kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án treo công tác phải thành lập Hội đồng phiên họp xét buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo và thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp.
Thời hạn mở phiên họp không quá 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Trường hợp cần phải bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.”
Hội đồng phiên họp xét buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, Tòa án phải gửi quyết định cho cá nhân, cơ quan quy định tại khoản 2 Điều 84 của Luật THAHS năm 2019 gồm: "Người được hưởng án treo và người đại diện trong trường hợp người được hưởng án treo là người dưới 18 tuổi; Viện kiểm sát cùng cấp; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được hưởng án treo làm việc; Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.”.
Như vậy, các nội dung về nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án trong việc xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo trong thời gian thử thách đã được sửa đổi, bổ sung một cách đầy đủ và chặt chẽ tại Điều 93 Luật THAHS năm 2019.
2. Một số vấn đề cần lưu ý
Thứ nhất, theo quy định khoản 1 Điều 84 Luật THAHS năm 2019, có bổ sung thêm nội dung vào quyết định thi hành án treo về hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của BLHS năm 2015 đó là: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.”; nội dung này là một điểm mới so với quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật THAHS năm 2010. Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC chỉ quy định bổ sung thêm nội dung về việc tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của BLHS năm 2015 vào phần quyết định của bản án chứ không quy định phải bổ sung vào quyết định thi hành án treo.
Thứ hai, Điều 93 Luật THAHS năm 2019 và Điều 11 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo thuộc về TAND cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú hoặc TAQS khu vực nơi người được hưởng án treo làm việc. Nội dung trên có thể được hiểu rằng, nếu người được hưởng án treo không công tác trong quân đội thì thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú hoặc làm việc; đối với người được hưởng án treo đang công tác trong quân đội thì thẩm quyền thuộc TAQS khu vực nơi người được hưởng án treo đang công tác. Thẩm quyền xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo không bị rằng buộc bởi Tòa án đã ra bản án cho hưởng án treo và quyết định thi hành án treo đối với người vi phạm.
Thứ ba, trường hợp hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của BLHS năm 2015.
Thứ tư, theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 24/12/2018 của TANDTC về việc thi hành án đối với người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo trước ngày 01/01/2018 vi phạm nghĩa vụ. Tại khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015 và điểm c khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội thì “phạm tội mới… và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 để giải quyết”.
Theo quy định trường hợp người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo trước ngày 01/01/2018 bỏ đi khỏi nơi cư trú không khai báo mặc dù là vi phạm nghĩa vụ của người được hưởng án treo theo quy định của Luật THAHS, nhưng theo các quy định nêu trên và hướng dẫn tại khoản 4 Điều 12 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì không áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHD năm 2015 để buộc người này phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã đã cho hưởng án treo với lý do vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên. Trong trường hợp này, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án căn cứ khoản 3 Điều 364 BLTTHS năm 2015 làm văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù hưởng án treo tại ngoại ra quyết định truy nã.
Thứ năm, quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Việc phúc thẩm quyết định giải quyết đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo được thực hiện theo thủ tục phúc thẩm quyết định theo quy định của BLTTHS.
Thứ sáu, quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mà không có kháng cáo hoặc kháng nghị.
Việc bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan hữu quan nói chung và đối với Tòa án nói riêng trong việc xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo tại Điều 93 Luật THAHS năm 2019 đã giúp các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ căn cứ pháp lý, hướng xử lý phù hợp khi giải quyết vụ việc người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Bổ sung, sửa đổi những thiếu sót, hạn chế của Luật THAHS năm 2010 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Từ đó khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng và bảo đảm chặt chẽ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của người chấp hành án, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; ngoài đảm bảo tính nghiêm minh còn thể hiện nhân đạo sâu sắc và sự khoan hồng của pháp luật.
PHẠM XUÂN SƠN (TAQSKV, QK1)/TẠP CHÍ TÒA ÁN