/ Trao đổi - Ý kiến
/ Về thời điểm xác định giá trị tài sản bị thiệt hại trong vụ án tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Về thời điểm xác định giá trị tài sản bị thiệt hại trong vụ án tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

18/08/2021 16:36 |

(LSVN) - Về thời điểm xác định giá trị tài sản bị thiệt hại trong vụ án tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ đã được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) về các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021.

Trong năm 2019-2020, nhiều đại án án kinh tế, tham nhũng đưa ra xét xử đã xảy ra nhiều tranh cãi về cách tính thiệt hại và việc xác định mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội (HVPT) của các bị cáo gây ra. Đối với vụ án hình sự nói chung và các vụ án hình sự về chức phạm tham nhũng, tội vi phạm khác nói riêng, đặc biệt là giải quyết các vụ án về tội “Vi quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai” thì việc xác định thiệt hại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định khung hình phạt và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ngay các cơ quan tố tụng hình sự đã có quan điểm khác nhau trong việc xác định thời điểm xác định, dẫn đến  vụ án bị kháng nghị phúc thẩm và giám đốc thẩm. Cùng giải quyết một vấn đề nhưng phán quyết của Tòa án các cấp có hiệu lực cũng... khác nhau! Chẳng hạn mới đây, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài kiến nghị Hội đồng Tư vấn án lệ quốc gia lựa chọn và đề xuất án lệ về thời điểm xác định thiệt hại trong án hình sự, theo đó đề xuất đưa Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT ngày 05/12/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao  xây dựng thành án lệ.

Bài viết nêu sự tồn tại hai bản án có hiệu lực pháp luật đều của TAND Cấp cao tại Hà Nội, gồm:(1) Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HS-PT ngày 13/6/2019 xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ xảy ra tại TP. Đà Nẵng, TP. HCM; và (2) Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12/5/2020 xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ xảy ra tại TP. Đà Nẵng. Hai bản án có hiệu lực này có sự khác biệt về quan điểm xác định thời điểm và số liệu thiệt hại giữa Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao và của chính TAND Cấp cao tại Hà Nội. .. Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài kiến nghị, đề xuất đưa Quyết định giám đốc thẩm số14/2019/HS-GĐT ngày 05/12/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao  xây dựng thành án lệ. Tên gọi của án lệ là: Về thời điểm xác định giá trị tài sản bị thiệt hại trong vụ án hình sự. Tình huống án lệ: HVPT của bị cáo gây ra thiệt hại về tài sản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, tòa án phải xác định giá trị tài sản bị thiệt hại tại thời điểm bị cáo thực hiện HVPT. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Điều 356 BLHS 2015 (tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ").

Sở dĩ có tình trạng này là do thời điểm xét xử các vụ án trên BLHS, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) chưa quy định cụ thể và chưa có hướng dẫn áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này. Hai bản án có hiệu lực mà Luật sư Phan Trung Hoài nêu trên được xét xử vào năm 2019 - thời điểm chưa có hướng dẫn áp dụng pháp luật. Chúng tôi đồng ý với quan điểm xác định giá trị tài sản bị thiệt hại tại thời điểm bị cáo thực hiện HVPT như phân tích của Luật sư Phan Trung Hoài đối với vụ án cụ thể được giải quyết tại Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT ngày 05/12/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. 

Để giải quyết bất cập, hạn chế tồn tại trong xét xử loại án này, đến tháng 8/2020, TAND tối cao đã lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về tội phạm tham nhũng,chức vụ và việc xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ. Sau khi có ý kiến của Viện trưởng VKSND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 30/12/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua Nghị quyết số 03 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ. Nghị quyết này hướng dẫn cụ thể việc xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra; xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm. 

Theo đó, việc xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra được quy định tại Điều 10 Nghị quyết này như sau: 

Thứ nhất, trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện HVPT. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc HVPT. Đối với trường hợp HVPT đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm HVPT bị phát hiện, ngăn chặn.

Thứ hai, thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự tùy từng trường hợp cụ thể được xác định như sau: Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc; Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn; Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

Thứ ba, việc xem xét trách nhiệm dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Nghị quyết 03 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Nghị quyết này mới có hiệu lực 06 tháng. Để việc áp dụng đúng và thống nhất trong xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ.., thiết nghĩ TAND tối cao, VKSND tối cao cần tăng cường phổ biến hướng dẫn áp dụng đúng và thống nhất nội dung Nghị quyết số 03 đã có hiệu lực thi hành áp dụng đúng quy định pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan TAND, VKSND theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Có như vậy mới có phán quyết có hiệu lực có căn cứ, đúng luật.

Luật sư NGUYỀN HỒNG HÀ

Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đề xuất án lệ về thời điểm xác định thiệt hại trong án hình sự

Lê Minh Hoàng