/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Về tội ‘Lợi dung chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’

Về tội ‘Lợi dung chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’

12/05/2023 05:51 |

(LSVN) - Thời gian gần đây đã có nhiều vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Thực trạng trên cho thấy tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng. Vậy, nguyên nhân từ đâu, giải pháp gì để hạn chế tội phạm này? Bài viết sẽ đi sâu nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến tội phạm này với mong muốn giải đáp một phần cho các câu hỏi đặt ra.

Ảnh minh họa.

Tình hình tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong thời gian gần đây

Đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong những năm gần đây được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm làm trong sạch bộ máy của Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo và quản lý của Nhà nước. Trong nhóm tội phạm tham nhũng thì tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là một trong những tội đang có chiều hướng tăng cả về quy mô cũng như tính chất. Thời gian gần đây đã có nhiều vụ án liên quan đến tội danh này được các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, điển hình là chiều ngày 07/6/2022, ông Nguyễn Thanh Long bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tống đạt quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015(1). Ngày 10/6/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Phạm Thị My (SN 1963, nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội) và khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cứ trú đối với ông Bùi Văn Sâm (SN 1949, nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015(2). Ngày 13/8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 04 bị can Nguyễn Mão, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Thị Thương về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015(3). Chiều ngày 17/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Sơn La đã thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 05 đối tượng về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Sơn La và Chi cục Dự trữ Nhà nước Mộc Châu(4). Ngày 24/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 3 bị can Nguyễn Trọng Bình, Phan Đình Hiền, Lưu Thị Thanh Tâm về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015(5).

Trên đây chỉ là một số vụ án điển hình liên quan đến tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã và đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử trong thời gian gần đây. Các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ngày càng có chiều hướng gia tăng và xảy ra từ trung ương đến địa phương, rộng khắp các tỉnh, thành cả nước, không những làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích các yếu tố cấu thành cơ bản của tội phạm này cũng như luận giải những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tội phạm này gia tăng để từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến tội danh này cũng như cơ chế thực thi trên thực tiễn là hết sức cần thiết.

Các yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Trước đây, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 và hiện được ghi nhận tại Điều 356 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). So với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung tội danh này theo hướng thay đổi các tình tiết “định tính” bằng cách quy định cụ thể thiệt hại về tài sản; đồng thời tách khung hình phạt để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự(6). Điều 356 BLHS năm 2015 quy định người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị áp dụng hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 của điều luật. Tuy nhiên, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể có hành vi vi phạm thì phải thỏa mãn bốn yếu tố cấu thành tội phạm sau:

Chủ thể của tội phạm

Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 quy định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý”. Nội dung quy định nêu trên cho thấy chủ thể của tội phạm gồm 2 loại: cá nhân và pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chỉ có thể là cá nhân và chủ thể này cần phải thỏa mãn hai dấu hiệu sau: năng lực chịu trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là người đó phải có khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi của mình và khả năng điều khiển hành vi đó theo những yêu cầu chung của xã hội(7).

Khoản 1 Điều 12 BLHS năm 2015 quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Trong khi đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015(8) mà trong đó không bao gồm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Chính vì vậy, chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Mặc dù luật quy định là người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chưa có người nào từ 16 - 18 tuổi bị truy tố về tội danh này.

Như vậy, có thể thấy là bên cạnh những đặc điểm chung giống như các chủ thể tội phạm khác thì chủ thể tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ còn có một số đặc điểm riêng biệt như: trước khi phạm tội, các chủ thể này luôn là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan quản lý nhà nước; đa số họ đều được đào tạo bài bản, am hiểu pháp luật và đã đảm nhận nhiều vị trí công tác quan trọng trong các cơ quan nhà nước... Tuy là hai dấu hiệu độc lập liên quan đến chủ thể tội phạm nhưng năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chính là điều kiện, là tiền đề của năng lực trách nhiệm hình sự.

Khách thể của tội phạm

Khi xem xét dưới góc độ khách thể trực tiếp của tội phạm, chúng ta thấy khách thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là quan hệ xã hội bảo đảm cho sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (trong hoạt động công vụ); lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân(9). Để quản lý xã hội, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực này. Chính vì vậy, hành vi vi phạm quy định pháp luật liên quan, xâm hại hoặc gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được Điều 356 BLHS năm 2015 bảo vệ thì tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện công vụ được giao và họ đã không thực hiện, không thực hiện kịp thời, không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện không đúng với yêu cầu của công vụ. Tất cả các biểu hiện này đều được coi là làm trái công vụ nhưng vẫn trong phạm vi quyền hạn của chủ thể(10). Quy định về công vụ có thể tồn tại trong các quy định của pháp luật, nội quy, chế độ, thể lệ của ngành hoặc địa phương. Hành vi làm trái của chủ thể có chức vụ, quyền hạn phải gây ra những thiệt hại nhất định cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy, hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này là dấu hiệu pháp lý bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Đây là loại tội phạm mà hậu quả nguy hiểm của nó rất đa dạng. Nó có thể là những thiệt hại có tính vật chất như tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại phi vật chất như uy tín, danh dự, nhân phẩm con người... Trong trường hợp chủ thể thực hiện các hành vi nêu trên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xem xét xử lý hành chính.

Qua phân tích ở trên, có thể rút ra một kết luận là để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể của tội này thì dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm phải thỏa mãn 2 điều kiện cơ bản: (1) Chủ thể đó phải thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ; (2) Việc thực hiện hành vi đó phải gây ra hậu quả nghiêm trọng mà luật hình sự đã quy định. Chính vì vậy, hậu quả xảy ra có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định hành vi phạm tội và là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hơn thế nữa, mức độ của hậu quả xảy ra còn có ý nghĩa trong việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để từ đó lượng hình phù hợp.

Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm

Mặt chủ quan của tội phạm là những diễn biến tâm lý bên trong của tội phạm bao gồm các yếu tố như: lỗi; động cơ, mục đích. Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng phải là hành vi và được thực hiện một cách có lỗi. Lỗi có hai loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý phạm tội được phân ra thành hai trường hợp là lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp(11). Vô ý phạm tội được phân ra thành hai trường hợp là lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi vô ý vì cẩu thả(12). Xuất phát từ tính chất đặc thù của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nên mặt chủ quan của tội phạm này được thực hiện bởi lỗi cố ý.

Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội là hai dấu hiệu quan trọng thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Động cơ phạm tội theo tâm lý học pháp lý là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp cố ý phạm tội thì bao giờ hành vi của người phạm tội cũng được thúc đẩy bởi động cơ phạm tội, chỉ những trường hợp phạm tội do vô ý vì cẩu thả hay quá tự tin mới không có động cơ phạm tội thúc đẩy(13). Như vậy, có thể thấy là động cơ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm. Động cơ cá nhân khác có thể là do nể nang, vì tình cảm cá nhân; vì lợi ích phi vật chất của mình như mong muốn củng cố, nâng cao địa vị, uy tín hoặc gia tăng quyền lực cá nhân. Động cơ phạm tội là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội này.

Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra và sẽ cố gắng đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Giữa mục đích phạm tội và hậu quả của tội phạm luôn có mối quan hệ với nhau, hậu quả của tội phạm là sự thể hiện, phản ánh mục đích phạm tội. Do đó, có thể thấy là mục đích của tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là làm sao để đạt được nhiều lợi ích vật chất cho mình, cho người khác hoặc nhằm củng cố, nâng cao địa vị, uy tín, gia tăng quyền lực cá nhân.

Ảnh minh họa.

Thực trạng pháp luật liên quan đến tội dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và một số đề xuất, kiến nghị

Thực tiễn cho thấy một số quy định pháp luật liên quan đến tội danh này còn tồn tại, bất cập thể hiện ở các khía cạnh như: Hình phạt chính áp dụng đối với tội phạm này nhìn chung còn nhẹ, chưa bảo đảm hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm; đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ của một số cán bộ, công chức chưa cao; việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục… Chính vì vậy, để hạn chế tội phạm này thì cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần sửa đổi Điều 356 BLHS năm 2015 theo hướng nâng mức hình phạt chính áp dụng đối với tội phạm này.

Theo quy định tại Điều 356 BLHS năm 2015, chủ thể thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ sẽ bị áp dụng hai loại hình phạt: hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo đó, người phạm tội bị áp dụng hình phạt chính sau: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; phạt tù từ 05 năm đến 10 năm và phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Người phạm tội bị áp dụng hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Thực tiễn cho thấy chủ thể có chức vụ, quyền hạn cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thường gây ra thiệt hại rất lớn đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, cần áp dụng mức hình phạt tương xứng mới bảo đảm được tính răn đe, phòng ngừa chung. Trong khi đó, mức hình phạt nêu trên đối với tội phạm này còn nhẹ nên chưa bảo đảm được tính răn đe, phòng ngừa chung dẫn đến các vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ không có chiều hướng giảm và còn có xu hướng diễn ra ngày càng tinh vi hơn. Chính vì vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung tiếp theo của BLHS năm 2015, nhà làm luật cần xem xét tăng mức hình phạt chính cao hơn hiện nay nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung, từ đó hạn chế loại tội phạm này.

Thứ hai, cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.

Thực tiễn cho thấy các vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra chủ yếu là do đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức không xuống cấp, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức không cao, vì động cơ vụ lợi dẫn đến việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng này thì Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh lại quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, nhất là quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức vào các vị trí lãnh đạo. Kiên quyết chỉ tuyển dụng, bổ nhiệm các cán bộ có chuyên môn tốt, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công vụ cao.

Mặt khác, Nhà nước cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tổ chức các buổi tập huấn để qua đó nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ cho các cán bộ, công chức, nhất là các cán bộ, công chức giữ vị trí lãnh đạo. Hơn thế nữa, để hạn chế hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì mỗi cán bộ, công chức cần nỗ lực nâng cao khả năng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ, công tâm với công việc.

Thứ ba, cần tiến hành thường xuyên, liên tục việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Mặc dù hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vẫn chưa có xu hướng giảm. Chính vì vậy, để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà đặc biệt là thanh tra các cấp cần tăng cường hơn nữa các hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm sớm phát hiện các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để từ đó có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Trong trường hợp phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu hình sự, cơ quan thanh tra cần kiên quyết chuyển hồ sơ để cơ quan công an điều tra theo thẩm quyền.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xâm phạm và gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đe dọa đến sự ổn định, phát triển của xã hội. Chính vì vậy, để hạn chế các hành vi vi phạm này, Nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp mà trước hết là sớm hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này, từ đó làm cơ sở vững chắc để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành điều tra, truy tố và xét xử các hành vi vi phạm. Mặt khác, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để từ đó có biện pháp xử lý hữu hiệu.

(1) Phạm Dự (2022), Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt, https://vnexpress.net/cuu-bo-truong-y-te-nguyen-thanh-long- bi-bat-4473144.html, ngày 19/10/2022.

(2) Đ.G (2022), Khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ GD-ĐT, https://congan.com.vn/an-ninh- kinh-te/khoi-to-vu-an-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-khi-thi-hanh-cong-vu-xay-ra-tai-bo-gd-dt_132418.html, ngày 25/10/2022.

(3) Trọng Tuấn - Bình Minh (2021), Công an Nghệ An: Khởi tố 04 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, http://congan.nghean.gov.vn/tin-tuc-su-kien/202108/cong-an-nghe-an-khoi-to-04-bi-can-ve-toi-loi-dung-chuc-vu-quyen- han-trong-khi-thi-hanh-cong-vu-932560/, truy cập ngày 26/10/2022.

(4) Văn Hùng - Mạnh Tùng - Cao Thiên (2022), Khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Sơn La và Chi cục Dự trữ Nhà nước Mộc Châu, http://congan.sonla.gov.vn/khoi- to-bat-tam-giam-5-doi-tuong-ve-toi-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-trong-khi-thi-hanh-cong-vu-xay-ra-tai-chi-cuc-du-tru-nha- nuoc-son-la-va-chi-cuc-du-tru-nha-nuoc-moc-chau/, ngày 03/11/2022.

(5) Nguyễn Văn Nhật (2022), Khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, https://baotintuc.vn/ phap-luat/khoi-to-vu-an-bat-tam-giam-3-bi-can-ve-toi-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-trong-khi-thi- hanh-cong-vu-20220325121042013.htm#:~:text=Kh %E1%BB%9Fi%20t%E1%BB%91%20v%E1%BB%A5%20%C3%A1n%2C%20 b%E1%BA%AFt%20t%E1%BA%A1m%20giam%203%20b%E1%BB%8B%20can%20v%E1%BB%81%20t%E1%BB%99i%20%27L%E1%BB%A3i%20d%E1%BB%A5ng%20ch%E1%BB%A9c%20v%E1%BB%A5%2C%20quy%E1%BB%81n%20 h%E1%BA%A1n%20trong%20khi%20thi%20h%C3%A0nh%20c%C3%B4ng%20v%E1%BB%A5%27, ngày 03/11/2022.

(6) Hồng Hải (2018), Điểm mới của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, https://coquandieutravkstc.gov.vn/ diem-moi-cua-toi-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-trong-khi-thi-hanh-cong-vu/, ngày 10/11/2022.

(7) Văn Thoáng (2021), Phân tích chủ thể của tội phạm trong Bộ luật Hình sự 2015, https://hocluat.vn/phan-tich-chu-cua-toi-pham- theo-luat-hinh-su-viet-nam-hien-hanh/, ngày 16/11/2022.

(8) Xem khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015.

(9) Hoàng Hải Yến - Nguyễn Quý Khuyến (2021), https://coquandieutravkstc.gov.vn/phan-biet-toi-loi-dung-chuc-vu-quyen-han- trong-khi-thi-hanh-cong-vu-voi-toi-lam-quyen-trong-khi-thi-hanh-cong-vu/, ngày 26/11/2022.

(10) GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ biên (2018), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần các tội phạm), Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr. 627.

(11) Xem Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015.

(12) Xem Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015.

(13) ThS. Nguyễn Thị Minh (2015), Động cơ của người phạm tội ma túy ở Việt Nam, http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/ hvta/27676662/27676768 ?p_page_id=27676768&pers_id=&folder_id=&item_id=136303964&p_details=1, ngày 28/11/2022.

Tiến sĩ, Luật sư NGÔ VĂN HIỆP

Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh

Bùi Thị Thanh Loan