Ảnh minh họa.
Sắc lệnh 64/SL quy định như sau:
"Điều 1. Chính phủ sẽ lập ngay một ban Thanh tra đặc biệt,có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các UBND và các cơ quan của Chính phủ.
Điều 2. Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền:
- Nhận các đơn khiếu nại của nhân dân;
- Điều tra, hỏi chứng,xem xét các tài liệu, giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát;
- Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử;
- Tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Tòa án đặc biệt;
- Ban thanh tra có thể truy tố tất cả các việc đã xảy ra trước ngày ban bố sắc lệnh này;
Ban thanh tra có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan.
Điều 3. Sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một Tòa án đặc biệt để xử những nhân viên của các UBND hay các cơ quan của Chính phủ do ban Thanh tra truy tố.
Điều 4. Tòa án đặc biệt có ông Chủ tịch Chính phủ lâm thời làm Chánh án và hai ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp làm hội thẩm .
Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ là hội thẩm thuyết trình. Một ủy viên trong ban thanh tra đứng buộc tội; viên lục sự sẽ do ông Chưởng lý tòa Thượng thẩm Hà Nội chỉ định.
Điều 5. Bị cáo có thể tự bào chữa lấy hay nhờ Luật sư bênh vực, ông hội thẩm thuyết trình có thể cử một Luật sư ra bào chữa không cho bị cáo.
Điều 6. Tòa án đặc biệt có toàn quyền định án, có thể tuyên án tử hình.
Những án tuyên lên sẽ thi hành trong 48 giờ.
Điều 7. Ban thanh tra và Tòa án đặc biệt do Sắc lệnh này lập ra chỉ có tính cách tạm thời.
Điều 8. Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp phụ trách thi hành Sắc lệnh này".
Quy định của Sắc lệnh 64/SL cho thấy:
Tòa án đặc biệt không phải là một Tòa án thường trực, mà chỉ được lập rakhi có vụ án được truy tố ra trước Tòa án đó và sẽ “giải thể“ sau khi xét xử xong vụ án. Việc Tòa án đặc biệt có thẩm quyền xét xử bất cứ nhân viên nào trong UBND và các cơ quan của Chính phủ (có thể hiểu bao gồm cả những nhân viên cao cấp như Chủ tịch UBND, Bộ trưởng...) và có thể tuyên tử hình. Theo Sắc lệnh 33C ngày 13/9/1945, Tòa án Quân sự với thẩm quyền xét xử “tất cả người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa“, và Tòa án đệ nhị cấp thiết lập theo Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 với thẩm quyền xét xử các việc đại hình, cũng có thể xét xử những nhân viên ấy và cũng có thể tuyên án tử hình như Tòa án đặc biệt. Vì vậy, ngày 03/4/1946, Chính phủ đã ra Sắc lệnh lập ở mỗi kỳ một “hội đồng phán định thẩm quyền giữa Tòa án Quân sự, Tòa án đặc biệt và Tòa án thường“. Điều này cho thấy trong ba Tòa án, không có Tòa án nào có “thẩm quyền cao nhất“.
Sau hơn 01 năm thực hiện Sắc lệnh 64/SL, có lẽ do nhận thấy việc Sắc lệnh quy định Tòa án đặc biệt với ông Chủ tịch nước và hai ông Bộ trưởng (không quy định được cử người đại diện) lập thành một Hội đồng xét xử, chỉ với một thẩm quyền duy nhất xét xử các vụ án do ban Thanh tra đặc biệt truy tố là không phù hợp với thực tế. Hơn nữa, việc truy tố, xét xử và thi hành bản án được thực hiện theo thủ tục đặc biệt sẽ không bảo đảm các quyền của người bị xét xử nên Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 9/SL ngày 29/01/1947 "ấn định lại thủ tục truy tố các nhân viên cao cấp trong Chính phủ cùng các cơ quan hành chính và tư pháp“ (dưới đây gọi là Sắc lệnh số 9/SL ). Mặc dù Sắc lệnh số 9/SL không có điều khoản nào tuyên bố bãi bỏ Tòa án đặc biệt thiết lập theo Sắc lệnh số 64/SL, nhưng Điều thứ 5 của Sắc lệnh đã thể hiện rõ điều đó: ”a) Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch U.B.H.C tỉnh, nhân viên Ủy ban kháng chiến tỉnh, Thẩm phán, sẽ đưa ra trước các Tòa án xử theo thủ tục thường áp dụng trước các Tòa án đó. Tòa án xử bắt buộc phải có hai phụ thẩm nhân dân và hai hội thẩm chuyên môn.
“Riêng về Chủ tịch U.B.H.C tỉnh, nhân viên Ủy ban kháng chiến tỉnh và Thẩm phán, Tòa án xử sẽ do viên Giám đốc tư pháp chỉ định trong các Tòa án khu, nhưng không được là Tòa án tỉnh trong đó người can phạm hiện đang làm việc.
“b) Bộ trưởng hay thứ trưởng, trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu, Giám đốc tư pháp khu, sẽ phải đưa ra trước Tòa thượng thẩm nơi phát giác ra trọng tội hay khinh tội, họp tất cả phòng để xử.
“Trong trường hợp đặc biệt mà Tòa thượng thẩm tạm đình chỉ, thì phải đưa ra trước một Tòa án đặc biệt .
“Tòa án đặc biệt này gồm có:
“Bộ trưởng Tư pháp hay một Bộ trưởng khác (nếu Bộ trưởng Tư pháp liên can đến việc phạm pháp ) do Chủ tịch Chính phủ chỉ định ngồi ghế Chánh án. Bộ trưởng Tư pháp có thể ủy quyền cho Chánh nhất để làm Chánh án Tòa án đặc biệt.
“Hai Giám đốc tư pháp khu, do Bộ trưởng Tư pháp chỉ định làm hội thẩm.
“Hai Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu hay người đại diện do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Nội vụ chỉ định làm phụ thẩm.
“Chưởng lý hay một Thẩm phán đại diện ngồi ghế công tố.
“Một viên lục sự chọn trong các hàng lục sự tòa đệ nhị cấp ngồi ghế lục sự.
“Một khi nhận được lệnh truy tố, Chưởng lý hay Thẩm phán đại diện làm khởi tố trạng. Chánh nhất Tòa thượng thẩm hoặc Chánh án Tòa án đặc biệt sẽ tự mình hay cử một viên hội thẩm mở cuộc thẩm cứu.
“Tòa thượng thẩm hay Tòa án đặc biệt sẽ xử chung thẩm và theo thủ tục áp dụng trước tòa thượng thẩm xử việc đại hình“.
Như vậy, thẩm quyền của Tòa án đặc biệt theo Sắc lệnh số 64/SL đã được chuyên giao cho các Tòa án được quy định ở Điều thứ 5, Sắc lệnh số 9/SL.
Những viện dẫn ở trên cho thấy kết luận như nêu trong cuốn Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam(tập 1) là có vẻ khiên cưỡng.
Chú thích : (1) TAND Tối cao – Lịch sử TAND Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ,12-2023, tr 95. |
NGÔ CƯỜNG
Cấp sổ đỏ cho hộ gia đình đang sử dụng đất không có giấy tờ theo quy định mới