VEC mở thầu gói thầu 1.067,806 tỉ đồng thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC cho các tuyến cao tốc với thời gian thực hiện hợp đồng 64 tháng.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 25/5 vừa, VEC đã mở thầu gói thầu 1.067,806 tỉ đồng thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC) cho các tuyến cao tốc với thời gian thực hiện hợp đồng 64 tháng. Tại thời điểm đó, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm Liên danh Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty cổ phần công trình Viettel; Công ty cổ phần Tasco; Công ty cổ phần Bon.
Theo dự kiến, VEC sẽ hoàn thành công tác đấu thầu trước ngày 30/6/2022 và sẽ có thêm 3 tháng để lắp đặt và vận hành hệ thống.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, các dự án của VEC là dự án đặc thù, việc thu phí đường bộ để trả nợ khoản vay nước ngoài do Chính phủ đứng ra vay (thực chất là thu phí hoàn vốn ngân sách Nhà nước). Việc dừng thu phí có hệ quả rất lớn do ảnh hưởng đến phương án tài chính và phương án trả nợ của các dự án, nên Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành xem xét nội dung chỉ đạo tạm dừng thu phí của VEC nếu chậm tiến độ.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã lưu ý VEC phải quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống ETC tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý; nghiêm túc xử lý trách nhiệm, tập thể cá nhân nếu để chậm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Ông cũng nhấn mạnh, sau ngày 31/7/2022, nếu dự án nào chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải tiến hành "xả trạm" có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiếp độ. Các trạm ETC cũng phải chủ động "xả trạm" kịp thời nếu để xảy ra sự cố.
Vậy, chỉ còn rất ngắn thời gian để VEC phải làm 2 việc là lựa chọn được nhà thầu tốt đảm bảo chất lượng, tiến độ và làm sao không sai phạm trong đấu thầu gói thầu 1.067,806 tỉ đồng thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc do VEC quản lý khai thác.
Tìm hiểu hồ sơ mời thầu VEC đăng tải trên http://muasamcong.mpi.gov.vn nhận thấy, VEC không dễ dàng để chọn được một nhà thầu đúng. Bởi, tại Mục 3 - Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm - trang 34 của hồ sơ mời thầu yêu cầu: “Nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong khoảng thời gian kể từ ngày 01/01/2017 đến thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải thỏa mãn đáp ứng yêu cầu về các hợp đồng tương tự sau: Có ít nhất một trong các kinh nghiệm (1) Cung cấp lắp đặt hệ thống Front-End ETC tối thiểu 70 làn hoặc (2) Cung cấp lắp đặt dịch vụ đầu cuối Back-End tối thiểu 70 làn của ETC đã được nghiệm thu đáp ứng tiêu chí KPI của Tổng cục đường bộ Việt Nam".
Với yêu cầu này PV đánh giá 3 nhà thầu/liên danh nhà thầu sau khi tìm trên các trang mạng công bố các gói trúng thầu của các nhà thầu về các dự án thu phí Front-End và Back-End như sau:
- Nhà thầu Công ty cổ phần Tasco: Chưa có hợp đồng tương tự nào với với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ về cung cấp lắp đặt hệ thống Front-End hoặc lắp đặt dịch vụ đầu cuối Back-End. Được biết trước đây trong dự án đầu tư BOO1 mà công ty con của Tasco là doanh nghiệp dự án VETC thực hiện cũng với vai trò là chủ đầu tư cho các phần Front-End và Back-End (được biết Back-End là FPT cung cấp), không phải nhà thầu. Như vậy, nhà thầu Tasco dường như sẽ không thể đáp ứng được.
- Liên danh Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty cổ phần công trình Viettel: Tương tự Tasco, chưa có hợp đồng tương tự nào với tư cách là nhà thầu cung cấp hệ thống/dịch vụ Front-End hoặc Back-End. Từ đó cho thấy, cũng có thể liên danh này không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ mời thầu.
- Nhà thầu Công ty cổ phần Bon: Chắc chắn chưa là nhà thầu cung cấp hệ thống, dịch vụ Back-End ETC cho 2 nhà đầu tư BOO1, BOO2. Còn về phần Front-End ETC, theo thông tin giới thiệu từ trang web của Bon (https://bontech.com.vn/gioi-thieu) thì Bon cũng cung cấp khá ít các hợp đồng cho VETC. Nên nhiều khả năng không thể đủ năng lực 70 làn như yêu cầu hồ sơ mời thầu. Vậy, khả năng cao công ty cổ phần Bon cũng không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ mời thầu.
Như vậy tại điểm này, lo ngại VEC sẽ khó lựa chọn được nhà thầu nào đáp ứng được yêu cầu.
Tiếp tục xem hồ sơ mời thầu của VEC tại mục 2.2 Yêu cầu về nhân sự trang 35, 36, 37 và phụ lục sửa đổi có quy định tối thiểu nhà thầu phải đáp ứng 640 người cho vận hàng thu phí. Đây là một con số rất lớn mà ngay sau ngày 31/7/2022 khi dịch vụ vào hoạt động thì người vận hành phải sẵn sàng về tất cả mọi thứ theo các ca trực ngày đêm. Như vậy, chắc chắn đây phải là lực lượng đã thuần thục vận hành thu phí rồi, sẵn sàng và đồng ý tất cả các điều khoản của hợp đồng lao động cho người lao động với loại hình công việc này.
Như thế chỉ có thể là các lực lượng cán bộ nhân viên đang sẵn có vận hành trên các tuyến của VEC, kể cả nhân lực của các tuyến cao tốc khác cũng không khả thi, không thể nào chuyển sang vận hành cả các tuyến của VEC được vì chắc chắn họ đang chỉ đủ cho vận hành tuyến của họ không ai tính ra thừa hàng trăm người, mặt khác cán bộ nhân viên họ còn các điều kiện đi lại, ăn ở… không thể chuyển nhanh như vậy được. Trong trường hợp các nhà thầu có số lượng cán bộ nhân viên rất lớn như Viettel họ có thể huy động, đào tạo gấp nhưng theo chúng tôi trong thời gian ngắn là không khả thi, rất khó để người lao động chuyển sang môi trường công việc như thế ngay. Nghi vấn về yêu cầu lao động của Viettel đáp ứng tiêu chí công việc đặt ra là có cơ sở.
Như vậy tại điểm này, khả thi nhất là nhà thầu phải hợp tác để chính các cán bộ nhân viên đang vận hành tại 4 tuyến của VEC tham gia vào mới có thể kịp, và số lượng người này là bắt buộc theo đúng yêu cầu HSMT.
Có thể thấy, đây là một nhiệm vụ khó đòi hỏi VEC phải làm đúng không mắc sai phạm trong đấu thầu và cần lựa chọn được nhà thầu chất lượng, tin cậy, cam kết cao, đi dài hạn để đáp ứng được yêu cầu cấp bách hiện nay, cũng như suốt quá trình vận hành sau này.
ĐOÀN TÂN