/ Hoạt động Luật sư
/ Vị Luật sư ngoảnh mặt trước hàng triệu đôla là ai?

Vị Luật sư ngoảnh mặt trước hàng triệu đôla là ai?

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - “Có những thời điểm chỉ cần một cái gật đầu là đã có thể nhận hàng triệu đô la bỏ túi nhưng tôi vẫn từ chối vì quan điểm nghề nghiệp trái chiều”. Luật sư Trương Anh Tú đã nói như vậy khi kể về chuyện đời, chuyện nghề Luật sư mà anh đã theo đuổi gần 20 năm nay.

TAT Law Firm kỷ niệm 11 năm ngày thành lập.

Tôi biết đến Luật sư Trương Anh Tú khoảng 5-7 năm nay. Tiền điện thoại để gọi cho anh cũng tốn kha khá… nhưng chủ yếu phục vụ công việc. Nhấc máy gọi anh cũng chỉ để được giải đáp những vấn đề pháp lý của một sự vụ nào đó. Tuyệt nhiên không một lời hỏi thăm, thậm chí cũng chẳng nhớ đến anh, cũng chẳng biết ngày truyền thống Luật sư là 10/10. Trương Anh Tú cũng biết “phận sự” của một “Luật sư quốc dân” nên cũng chẳng bao giờ lấy đó làm phiền hà, trách cứ.

Có mặt ở gần như tất cả các vấn đề nóng của xã hội, Luật sư Trương Anh Tú đã trở thành người đồng hành thân thiết với báo chí, góp một phần lớn trong công cuộc bảo vệ pháp luật.

Có thể nói, trong giới báo chí, hầu như ai cũng biết Luật sư Trương Anh Tú, không chỉ bởi anh là “kênh” phỏng vấn tin cậy về pháp lý mà còn bởi cách anh tiếp cận, phản ánh vấn đề luôn luôn có một điểm riêng để khiến bài báo trở nên hấp dẫn.

Vấn đề thời sự nào cũng có Trương Anh Tú. Thậm chí anh còn là người tạo sóng, tạo trend ở nhiều đề tài báo chí. Với cách tương tác hiệu quả về pháp lý và báo chí, Luật sư Trương Anh Tú trở thành một "Hot Key" trên công cụ tìm kiếm Google. Search tên anh trong vòng 0,42 giây đã cho ra 17.000.000 kết quả liên quan.

Phản biện để có những góc nhìn đa chiều về các chính sách của Nhà nước là một trong những đóng góp lớn của Luật sư Trương Anh Tú.

Loạt bài viết phân tích về tính pháp lý của Condotel của anh là một ví dụ.

Tháng 5/2019, Luật sư Trương Anh Tú gửi văn bản kiến nghị dày hơn 150 trang về thực trang và giải pháp trong quản lý condotel tại Việt Nam tới Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trong bản kiến nghị này, Luật sư Tú chỉ ra một thực tế, đó là sự phát triển nóng của loại hình bất động sản condotel thời gian qua đã dẫn đến việc xây dựng tràn lan, khó kiểm soát cùng với hàng loạt vụ tranh chấp, điển hình như tranh chấp tại condotel Bavico (Nha Trang) và đến nay, có rất ít căn hộ condotel được cấp “sổ hồng” như cam kết của các chủ đầu tư.

Trước áp lực về nhu cầu cấp “sổ hồng” cho các căn hộ condotel, cơ quan có thẩm quyền một tỉnh miền Trung đã thí điểm cấp “sổ hồng” cho các căn hộ condotel, với mục đích “đất ở không hình thành đơn vị ở”.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Anh Tú, đây không phải là giải pháp đúng, thậm chí gây nhiều phức tạp cho công tác quản lý về đất đai, dân cư và tiềm ẩn rủi ro cho người dân và xã hội. Do đó, cần định vị góc nhìn pháp luật để quản lý hoạt động này.

Vấn đề này vẫn còn tiếp tục gây sức nóng, nhất là khi mới đây, Bộ Xây dựng lấy ý kiến về quy định căn hộ 25m2 gây tranh cãi.

Anh chỉ ra những điểm vô lý khi Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu 25m2. Để bảo vệ quan điểm, Luật sư Trương Anh Tú đã đưa ra những bằng chứng xác đáng nhất.

“Về lâu về dài không thể phát triển với những căn hộ 25m2 được. Nó gây ra quá tải hạ tầng, nguy cơ tạo ra những khu ổ chuột mới. Vấn đề về nhà chung cư, diện tích tối thiểu chúng ta phải có tầm nhìn 50 năm, 70 năm chứ không thể thiển cận nói về việc giải quyết vấn đề trước mắt hiện nay về nhà ở được”, Luật sư Tú nêu ý kiến về quy định xây căn hộ 25m2.

Cũng với quan điểm “bảo vệ người tiêu dùng", Luật sư Trương Anh Tú đã có hàng trăm bài viết, trả lời phỏng vấn liên quan đến mô hình kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ” của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú khẳng định “Sở hữu kỳ nghỉ” là một loại hình kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro cho khách hàng.

Ngay sau khi loạt bài đăng tải, hàng trăm người dân đã tìm đến Văn phòng Luật sư TAT, đề nghị Luật sư Trương Anh Tú tư vấn, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình yêu cầu hủy bỏ hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, đòi lại tiền từ Công ty Vịnh Thiên đường.

Vui nhất là vụ Trương Anh Tú đứng về “phe nước mắt” trong vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" ở chợ Long Biên. Anh đồng hành cùng hai nữ nhà báo điều tra, góp ý và tư vấn ở góc độ pháp lý để “chiến đấu” cùng dàn Luật sư hùng hậu.

Trương Anh Tú thẳng thắn chỉ ra những “tồn tại” của một vụ án lớn mà không sợ làm “mất lòng” những người đang “cầm cân nảy mực” trong bộ máy tòa án hiện nay. Luật sư Tú cho rằng, việc chỉ xử lý một nhóm người chưa đi đến tận gốc của vấn đề: “Nếu như chúng ta không giải quyết dứt điểm, triệt để thì tình trạng này sẽ còn gây nhũng nhiễu, khó khăn cho các tiểu thương ở khắp nơi”.

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Trương Anh Tú nhấn mạnh, việc phân công các đối tượng cộm cán làm việc ở chợ Long Biên, đồng thời để cho các đối tượng chèn ép tiểu thương diễn ra trong thời gian dài khó có thể nói là không có phần trách nhiệm của Ban quản lý chợ Long Biên.

Cũng theo Luật sư Tú, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm là Trưởng, Phó ban quản lý chợ Long Biên. Kết luận điều tra thể hiện, hai người để tình trạng cưỡng đoạt tài sản xảy ra trong thời gian dài tại chợ dù nhận nhiều đơn tố giác.

Năm 2019, Luật sư Trương Anh Tú cũng ghi dấu ấn với loạt bài phân tích, bình luận về vấn đề đấu tranh hiện tượng “biến của công thành của ông” trước thực trạng các đại gia bất động sản thâu tóm tài nguyên quốc gia.

Liên quan đến vụ mất 245 tỷ đồng tại Eximbank (do ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP. HCM làm giả giấy tờ, chữ ký để chiếm đoạt số tiền 245 tỷ đồng của khách hàng), ở thời điểm vẫn còn nhiều tranh cãi về việc quy trách nhiệm cho ngân hàng, Luật sư Tú đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình trên cơ sở phân tích pháp lý.

Theo Trương Anh Tú, trong vụ án này, hành vi của ông Hưng không phải là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi có hành vi lén lút rút tiền của khách mà có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà người bị hại ở đây là ngân hàng.

Chủ tịch Công ty TAT Law firm chỉ rõ, việc ngân hàng đổ lỗi cho cá nhân cán bộ sai phạm và thờ ơ trước quyền lợi của người gửi tiền là những hành động có thể tạo nên nguy cơ rủi ro lớn trong hoạt động của cả hệ thống ngân hàng bởi khi cán bộ làm sai, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của cán bộ đó chứ không thể đổ cho trách nhiệm của cá nhân cán bộ với khách hàng được. Điều đó là không đúng với nguyên lý của pháp luật, với đòi hỏi thực tế và không đúng với lòng tin mà khách hàng gửi gắm vào ngân hàng.

Giống như một người làm nghề cảm thấy hạnh phúc khi đã có thể truyền tải và lan tỏa đến những người khác, Luật sư Tú cho hay, thỉnh thoảng anh gặp “quan điểm”, “phát ngôn” của mình trên facebook của những người khác. Họ không biết “nguồn gốc” những ý tưởng đó được xuất phát từ anh, trong công tác tuyên truyền pháp luật từ nhiều năm trước.

Nhưng đối với Luật sư Tú, đó là niềm vui của một người làm nghề, khi hiểu rằng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của mình hàng chục năm qua đã có những kết quả tốt đẹp.

Hỏi Trương Anh Tú cạm bẫy của nghề Luật sư có lớn không, anh gật đầu khẳng định, thậm chí là rất lớn. Tú kể, trong một vụ án liên quan đến chống tiêu cực để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tránh bị thiệt hại số tiền lên đến một 1 tỷ đô la, đã có những người anh đến để vỗ vai luật sư Tú. Ở thời điểm đó chỉ cần một cái gật đầu thì anh đã có thể nhận hàng triệu đô la bỏ túi. Tuy nhiên, khi không mua chuộc được anh họ đã quay lại tấn công để trả thù.

Nhưng với Anh Tú, nghề luật nếu không có những cạm bẫy để né tránh, để tôi luyện bản lĩnh, để dám bước qua những rào cản thì sẽ mãi mãi không giờ trưởng thành, lớn mạnh được.

Trương Anh Tú quan niệm, giá trị của người Luật sư không chỉ nằm ở những điều luật mà anh ta viện dẫn, người Luật sư ngày nay cần phải có được tư duy mang tính khai phóng để vận dụng những tri thức đóng góp cho xã hội. Người Luật sư đôi khi cần có những quan điểm mang tính định hướng, dự báo đối với những vấn đề mới trong xã hội, dù có phải đi ngược tâm bão.

Luật sư Trương Anh Tú là thành viên của Đoàn Luật sư Hà Nội, thành viên Hiệp hội Luật sư Châu Á Thái Bình Dương. Anh còn là Luật gia, Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, Uỷ viên thường trực TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Uỷ viên Ban trị sự Tạp chí Kinh tế Môi trường, Uỷ viên Hiệp hội Công Thương Thành phố Hà Nội….
Thời gian gần đây, Luật sư Trương Anh Tú trở thành gương mặt hot của chương trình “Cà phê sáng với VTV3” được phát sóng vào giờ vàng và rất được yêu thích trên VTV. Với vai trò khách mời, Luật sư Trương Anh Tú đã có những màn tung hứng đầy thú vị với các MC, Biên tập viên VTV về các vấn đề kinh tế, thời sự như câu chuyện về taxi công nghệ và taxi truyền thống, thực trạng “biến của công thành của ông” ở các dự án bất động sản ven sông.

PV

/tat-law-firm-ky-niem-10-nam-ngay-thanh-lap.html