Ảnh minh hoạ.
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, sử dụng mật mã dân sự. Dự thảo đề xuất quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, đối tượng bị xử phạt, thời hiệu xử phạt, mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức, cá nhân, các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực mật mã dân sự.
Theo đó, hình thức xử phạt chính gồm phạt cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực mật mã dân sự là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Dự thảo quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của Thanh tra viên Cơ yếu, Chánh Thanh tra Cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự.
PHƯƠNG ÁNH