/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hợp đồng bảo hiểm trùng theo pháp luật Việt Nam

Hợp đồng bảo hiểm trùng theo pháp luật Việt Nam

15/08/2024 06:04 |

(LSVN) - Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, bảo hiểm ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của mình và trở thành một nhu cầu không thể thiếu của hoạt động thương mại và là một trong những cơ chế quan trọng trong việc hạn chế, khắc phục rủi ro cho nền kinh tế và đời sống xã hội. Ở Việt Nam, hoạt động kinh doanh bảo hiểm ra đời muộn hơn so với các nước trên thế giới, hiện nay hoạt động kinh doanh bảo hiểm được điều chỉnh bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ảnh minh hoạ.

Trong thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một khách hàng có thể giao kết nhiều hợp đồng bảo hiểm với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau để bảo hiểm cho cùng một đối tượng với cùng một điều kiện và sự kiện bảo hiểm. Khi đó, các hợp đồng bảo hiểm được gọi là hợp đồng bảo hiểm trùng lặp (double insurance) hay còn gọilà hợp đồng bảo hiểm trùng. Pháp luật không cấm bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm trùng cho tài sản, mà tôn trọng quyền định đoạt của chủ sở hữu với tài sản, tức là chủ tài sản được quyền mua bảo hiểm cho tài sản tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đối với tài sản.

Quy định về bảo hiểm trùng chỉ áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, được xây dựng dựa trên nguyên tắc chấp nhận bảo hiểm không vượt quá giá trị tài sản tham gia bảo hiểm, ngăn chặn sự trục lợi bảo hiểm của bên mua bảo hiểm bằng việc giao kết nhiều hợp đồng bảo hiểm, với số tiền bảo hiểm vượt quá giá trị bảo hiểm của tài sản bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay các quy định về bảo hiểm trùng còn ít, điều này dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, dễ gây nhầm lẫn với quy định đồng bảo hiểm.

Khái niệm bảo hiểm trùng

Khái niệm về bảo hiểm trùng lần đầu được ghi nhận trong các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Bộ luật Hàng hải năm 2005. Tại khoản 1 Điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm”.

Khoản 1 Điều 234 Bộ luật Hàng hải năm 2005 cũng quy định về bảo hiểm trùng như sau: “Trường hợp có hai hoặc nhiều đơn bảo hiểm do người được bảo hiểm, người đại diện của người được bảo hiểm giao kết về cùng đối tượng bảo hiểm và cùng một rủi ro hàng hải mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá trị bảo hiểm thì người được bảo hiểm được coi là đã bảo hiểm vượt quá giá trị bằng cách bảo hiểm trùng”.

Tuy nhiên, nội dung các quy định về bảo hiểm trùng ở hai đạo luật trên không thống nhất. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đưa ra các tiêu chí cho bảo hiểm trùng bao gồm: sự tham gia bảo hiểm tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, cùng đối tượng bảo hiểm, với cùng điều kiện, cùng sự kiện bảo hiểm. Nội dung quy định này đã không đề cập đến dấu hiệu bảo hiểm cho “cùng một quyền lợi bảo hiểm” hay cùng một phần quyền lợi bảo hiểm (mà có thể dẫn đến sự trùng lắp về quyền lợi được bảo hiểm, dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi bảo hiểm, do có khả năng được nhận bồi thường nhiều hơn một lần trên cùng một quyền lợi bảo hiểm), như là dấu hiệu đặc trưng cơ bản để phân biệt “bảo hiểm trùng” với quan hệ “đồng bảo hiểm”. Ở điều luật này đã hoàn toàn không nhắc đến yếu tố cùng một quyền lợi bảo hiểm mà chỉ tập trung vào vấn đề cùng đối tượng bảo hiểm để xem xét có phải là bảo hiểm trùng hay không. Nếu hoàn toàn tuân theo cách hiểu này có thể sẽ nhầm lẫn với đồng bảo hiểm. Trong quan hệ “đồng bảo hiểm”, các hợp đồng bảo hiểm cùng tồn tại để chia sẻ rủi ro và bảo hiểm cho từng phần quyền lợi bảo hiểm, tổng số tiền bảo hiểm từ các hợp đồng không bao giờ vượt quá giá trị thực tế của tài sản bảo hiểm, do không có trùng lặp về quyền lợi được bảo hiểm. Như vậy, Điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã không phân biệt được bảo hiểm trùng với quan hệ đồng bảo hiểm.

Trong khi đó, Điều 234 Bộ luật Hàng hải năm 2005 quy định “Trường hợp có hai hoặc nhiều đơn bảo hiểm” lại không loại trừ trường hợp một doanh nghiệp bảo hiểm được giao kết nhiều hợp đồng bảo hiểm cho cùng một đối tượng bảo hiểm và cùng một rủi ro hàng hải. Cách hiểu này được giữ nguyên trong Bộ luật Hàng hải năm 2015.

Hiện nay, theo khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, quy định: Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp có từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảohiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Theo quy định này, bất kể số lượng bên mua bảo hiểm là bao nhiêu, chỉ cần có từ 2 hợp đồng bảo hiểm trở lên cho cùng một đối tượng, cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm thì đều được coi là hợp đồng bảo hiểm trùng - kể cả trong trường hợp các hợp đồng đó giao kết với cùng mộtcông ty bảo hiểm và không bị coi là hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã khắc phục được những hạn chế về quy định so với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Quy định cụ thể điều kiện được coi là hợp đồng bảo hiểm trùng là phải bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm trùng có các đặc điểm sau: phải tồn tại từ 02 hợp đồng bảo hiểm tài sản trở lên; các hợp đồng bảo hiểm phải bảo hiểm cho cùng một đối tượng bảo hiểm; các hợp đồng bảo hiểm phải cùng bảo hiểm cho một quyền lợi bảo hiểm chung (hoặc một phần quyền lợi) mà có thể dẫn đến sự trùng lặp về quyền lợi được bảo hiểm và số tiền bảo hiểm tổng cộng vượt quá giá trị tài sản bảo hiểm; các hợp đồng bảo hiểm phải bảo hiểm cùng một sự kiện bảo hiểm dẫn đến tổn thất cho đối tượng bảo hiểm, điều này là bắt buộc nhằm bảo đảm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, đồng thời có nhiều hợp đồng bảo hiểm phải gánhchịu trách nhiệm bồi thường.

Giữa hợp đồng bảo hiểm trùng và đồng bảo hiểm có nhiều điểm giống nhau, gây nhầm lẫn trong quá trình áp dụng. Vì vậy, cần lưu ý phân biệt giữa hợp đồng bảo hiểm trùng và đồng bảo hiểm.

Theo khoản 29 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, đồngbảo hiểm là trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm cùng thống nhất giao kết với bên mua bảo hiểm trên một hợp đồng bảo hiểm, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhận phí bảo hiểm và bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo tỷ lệ đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Đồng bảo hiểm cũng có thể mang các dấu hiệu: giao kết nhiều hợp đồng bảo hiểm với nhiều tổ chức khác nhau cho cùng một đối tượng bảo hiểm, cùng sự kiện và điều kiện bảo hiểm. Các hợp đồng bảo hiểm cùng tồn tại để chia sẻ rủi ro và bảo hiểm cho từng phần quyền lợi khác nhau trong cùng một tài sản. Do không có sự trùng lắp về quyền lợi được bảo hiểm nên tổng số tiền bảo hiểm từ các hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp đồng bảo hiểm bao giờ cũng nhỏ hơn hoặc bằng giá trị thực tế của tài sản.

Ngược lại, trong trường hợp bảo hiểm trùng, do nhiều hợp đồng cũng bảo đảm cho một quyền lợi nên tất yếu sẽ dẫn tới bảo hiểm vượt quá giá trị, số tiền bảo hiểm từ các hợp đồng sẽ nhiều hơn giá trị của quyền lợi được bảo hiểm, và như vậy vi phạm nguyên tắc số tiền bảo hiểm không vượt quá giá trị bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản. Nếu như hợp đồng bảo hiểm trùng, người mua bảo hiểm phải giao kết với từng công ty bảo hiểm và các công ty bảo hiểm có thể không biết về việc này thì đồng bảohiểm là việc người mua bảo hiểm giao kết với tất cả các công ty bảo hiểm trong cùng một hợp đồng.

Trong hợp đồng bảo hiểm trùng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chỉ chịu trách nhiệm bồi thường bảo hiểm theo tỷ lệ: số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận và tổng số tiền bảo hiểm của các hợp đồng bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng mức tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.

Đối với đồng bảo hiểm, khi có rủi ro xảy ra, người trực tiếp bồi thường bảo hiểm là các doanh nghiệp tham gia vào đồng bảo hiểm với mức tỷ lệ bồi thường dựa trên hợp đồng đồng bảo hiểm. Trách nhiệm cho bồi thường bảo hiểm sẽ dựa vào tỷ lệ mà doanh nghiệp bảo hiểm đã ký, không cần phải cùng chịu trách cho các nhà đồng bảo hiểm khác, thậm chí trong trường hợp các nhà đồng bảo hiểm không có khả năng chi trả.

Nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm trùng là căn cứ vào nguyên tắc giới hạn quyền lợi có thể được bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có quyền ký kết nhiều hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm cho quyền lợi đó, nhưng không thể thông qua việc ký kết nhiều hợp đồng bảo hiểm tài sản mà chủ thể này lại có thể được bảo đảm nhiều quyền lợi hơn quyền mà họ có, cũng như bù đắp bồi thường nhiều hơn những thiệt hại mà họ phải gánh chịu khi tài sản bị tổn thất. Khi bên mua bảo hiểm tham gia bảo hiểm trùng tại các doanh nghiệp khác nhau, thì mỗi doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm bồi thường tương ứng theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết, bảo đảm nguyên tắc tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế.

Ví dụ: ông A có một chiếc ô tô, ngày 21/01/2022 A mua bảo hiểm vật chất xe tại doanh nghiệp B với số tiền bảo hiểm là 1,1 tỷ đồng. Ngày25/3/2022 A lại mua bảo hiểm cho xe ô tô này tại doanh nghiệp C với số tiền 900 triệu. Cả hai hợp đồng trên cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm. Ngày 20/4/2022 chiếc xe bị tai nạn (rủi ro xảy ra trong phạm vi bảo hiểm), tổn thất toàn bộ. Chiếc xe được xác định trị giá tại thời điểm tổn thất là 800 triệu đồng. Trong trường hợp này, xác định giá trị bồi thường của từng doanh nghiệp là: (số tiền một doanh nghiệp nhận trên tổng số tiền các doanh nghiệp nhận) nhân với giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm bị tổn thất, theo công thức này doanh nghiệp B phải trả 440 triệu đồng và doanh nghiệp C trả 360 triệu đồng.

Hợp đồng bảo hiểm trùng chỉ áp dụng với bảo hiểm tài sản mà không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm có đối tượng là con người. Bởi lẽ đối tượng hợp đồng bảo hiểm là tài sản hay trách nhiệm dân sự có thể tính toán thành tiền còn đối tượng bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người thì không thể nào tính được giá trị. Bên cạnh đó, do quy định về bảo hiểm trùng nằm ở nội dung bảo hiểm tài sản và thiệt hại của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, nên bảo hiểm trùng được hiểu là chỉ áp dụng với bảo hiểm tài sản, không áp dụng với bảo hiểm sức khỏe.

Tuy nhiên, bảo hiểm sức khỏe có các quyền lợi chi trả: quyền lợi trợ cấp thương tật (thường là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của công ty bảo hiểm phi nhân thọ), trợ cấp nằm viện và quyền lợi chi phí y tế; quyền lợi trợ cấp thương tật, trợ cấp nằm viện là bảo hiểm theo hình thức khoán nên không áp dụng bảo hiểm trùng, người được bảo hiểm được nhận tất cả quyền lợi từ các hợp đồng bảo hiểm. Còn chi phí thực tế là chi phí cho các dịch vụ y tế, mang tính thiệt hại nên áp dụng nguyên tắc của bảo hiểm thiệt hại (tương tự bảo hiểm tài sản) nên sẽ áp dụng bảo hiểm trùng, các hợp đồng bảo hiểm cùng đóng góp bồi thường theo tỷ lệ số tiền bảo hiểm, tổng số tiền bồithường không vượt quá chi phí y tế theo hóa đơn.

Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm trùng

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 không quy định người mua bảo hiểm phải có trách nhiệm thông báo cho các công ty bảo hiểm liên quan về các thông tin hợp đồng bảo hiểm trùng. Điều này khiến cho các công ty bảo hiểm rơi vào tình trạng bị động khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, rất dễ xảy ra việc trục lợi bảo hiểm hoặc trong trường hợp người được bảo hiểm tham gia 02 công ty bảo hiểm, nhưng chỉ khiếu nại một công ty bảo hiểm thì sẽ bất công với công ty bảo hiểm còn lại.

Các hợp đồng bảo hiểm đều phát sinh nghĩa vụ bồi thường của công ty bảo hiểm, vì vậy pháp luật cần bổ sung quy định về việc bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm vô tình mua bảo hiểm trùng thì có quyền yêu cầu bất kỳ một công ty bảo hiểm nào phải thanh toán trước số tiền thiệt hại chứ không phải đợi các công ty bảo hiểm phải thỏa thuận xong việc chia sẻ số tiền bồi thường rồi mới thanh toán cho bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm bởi quá trình này có thể kéo dài, gây ảnh hưởng tới việc người được bảo hiểm chậm nhận được tiền bồi thường để khắc phục hậu quả.

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm là cực kỳ cần thiết để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2020 đã có những quy định nhằm hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của các bên khi tham gia hợp đồng bảo hiểm. Để thực hiện hiệu quả Luật này, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm trong việc nâng cao nhận thức, cải thiện công tác quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp.

Luật VŨ MINH HẢI

Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Quy định về thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: Cần sửa đổi, bổ sung cho sát thực

 

Nguyễn Mỹ Linh