/ Tích hợp văn bản mới
/ Vi phạm quy định về cách ly y tế sẽ bị xử lý hình sự?

Vi phạm quy định về cách ly y tế sẽ bị xử lý hình sự?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Có thể thấy, từ tầm quan trọng của biện pháp cách ly y tế đối với bệnh truyền nhiễm mà Nhà nước ta đã có những quy định rất cụ thể về biện pháp này tại các văn bản quy phạm pháp luật. Thậm chí, pháp luật cũng quy định rõ chế tài xử lý đối với hành vi trốn tránh biện pháp cách ly y tế, bao gồm cả chế tài xử lý vi phạm hành chính và chế tài xử lý hình sự.

Ảnh minh họa.

Với bệnh dịch truyền nhiễm do Covid-19 gây ra, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị bệnh chủ yếu trên cơ sở triệu chứng. Từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến nay thì hầu hết các quốc gia đều thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát bệnh dịch này bằng phương pháp là cách ly y tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân. Đây được coi là một trong các biện pháp hữu hạn nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Dưới góc độ pháp lý, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 của nước ta cũng đã quy định về biện pháp cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

Theo đó, Điều 49 Luật này cũng quy định rõ, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.

Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác. Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Đối với các trường hợp các đối tượng thuộc trường hợp quy định không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2020 của Chính Phủ cũng quy định về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch. Cụ thể, Nghị định này cũng quy định rất rõ các trường hợp áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, thẩm quyền, trình tự thủ tục và thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Như vậy, có thể thấy chính từ tầm quan trọng của biện pháp cách ly y tế đối với bệnh truyền nhiễm mà Nhà nước ta đã có những quy định rất cụ thể về biện pháp này tại các văn bản quy phạm pháp luật. Thậm chí, pháp luật cũng quy định rõ chế tài xử lý đối với hành vi trốn tránh biện pháp cách ly y tế, bao gồm cả chế tài xử lý vi phạm hành chính và chế tài xử lý hình sự.

Đối với chế tài xử lý vi phạm hành chính: Trước đây được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính Phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2013 đến ngày 15/11/2020) và sau là Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo quy định hiện hành thì đều có quy định về mức xử phạt đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định tại Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế...

Tuy nhiên, hiện nay lại chưa có chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi không tuân thủ cách ly mà chỉ có quy định về chế tài hình sự đối với hành vi này thì tôi cho rằng đây cũng là thiếu sót.

Hiện nay, đối với hành vi không tuân thủ cách ly làm lây lan dịch bệnh thì theo Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/03/2020 của Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã quy định rõ hai trường hợp, cụ thể:

- Đối với người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Theo đó, người thực hiện bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người thì hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự.

- Đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, mức hình phạt đối với tội danh này có thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm hoặc cao nhất đến 12 năm tù trong trường hợp làm chết từ 03 người trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.500.000.000 đồng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, đến nay có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với những người vi phạm quy định về cách ly y tế gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Hành vi trốn tránh cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly không chỉ là hành vi vi phạm về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có thể gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội, có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống của cả đất nước, do đó các cơ quan chức năng cần xem xét xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng của các hành vi này.

Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam cùng nhau thực hiện Chung sống an toàn với đại dịch Covid-19. Bộ Y tế gửi đến Bạn “Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” với các nội dung chính sau đây:
KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
KHÔNG TỤ TẬP đông người.
KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vnđể được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp
/nhan-dien-noi-ham-phap-luat-ve-sap-nhap-doanh-nghiep.html
/vu-dam-chet-nguoi-khi-giai-cuu-vo-bi-bat-coc-hanh-vi-giet-nguoi-hay-phong-ve-chinh-dang.html