/ Bút ký Luật sư
/ Vi phạm trong ứng xử của Luật sư với đồng nghiệp: Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm

Vi phạm trong ứng xử của Luật sư với đồng nghiệp: Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm

05/01/2021 18:12 |

(LSVN) - Hàng năm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố thụ lý, giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm của Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp. Nhận diện, phân loại và tìm ra nguyên nhân không chỉ là cơ sở, căn cứ để giải quyết vụ việc mà còn để Luật sư tự mình nhìn nhận, soi xét bản thân từ đó lựa chọn ứng xử phù hợp trong quan hệ với đồng nghiệp.

Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Liên bang Đức.

Thực tế thấy rằng ứng xử chưa phù hợp, vi phạm quy định của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, thậm chí vi phạm pháp luật trong quan hệ với đồng nghiệp của Luật sư còn diễn ra phức tạp, với nhiều cấp độ khác nhau từ vô tình đến cố ý, từ vi phạm quy định chung đến vi phạm điều cấm trong Bộ Quy tắc, từ gián tiếp xâm phạm đến cố tình, trực tiếp xâm phạm đến quyền lợi ích của đồng nghiệp. Qua thực tiễn có thể nhận diện, phân loại nguyên nhân dẫn đến vi phạm của Luật sư với đồng nghiệp thành các nhóm sau:

Thứ nhất, Luật sư không thừa nhận những người cùng hành nghề Luật sư là đồng nghiệp của mình mà chỉ coi đó là người làm cùng một nghề

Là đồng nghiệp của nhau, Luật sư có "Tình đồng nghiệp", tôn trọng, hợp tác, động viên giúp đỡ nhau trong công việc và trong cuộc sống, tôn trọng và tuân thủ quy định của tổ chức. Nhưng thực tế hiện nay số ít Luật sư không giành sự quan tâm đến Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư, không giành sự quan tâm đến Luật sư khác hoặc nếu có cũng chỉ với một số ít cá nhân do có chung sở thích. Trong cuộc sống và trong công việc họ tự tách mình khỏi hoạt động đoàn thể, không sẻ chia, không sẵn sàng đón nhận sự sẻ chia của Luật sư đồng nghiệp. Những người này có tư tưởng "mũ ni che tai", không góp ý với Luật sư đồng nghiệp cho dù biết rõ đồng nghiệp đã và đang phạm phải sai lầm, khuyết điểm.

Số ít Luật sư cho rằng hoạt động Luật sư đơn thuần chỉ là công cụ kiếm kế sinh nhai. Xuất phát từ một vài vụ việc cụ thể, những người này cảm thấy mối quan hệ giữa những người làm nghề Luật sư với nhau quá phức tạp, do vậy họ lựa chọn cách ứng xử xa dời, giữ khoảng cách với các luật sư khác và tìm mối quan hệ, sẻ chia với những người không phải là Luật sư. Dần dần những người này không coi những Luật sư khác là đồng nghiệp của mình mà chỉ coi Luật sư là những người cùng làm một nghề với mình, hoàn toàn xa lạ với nhau.

Số ít Luật sư mặc dù giành sự quan tâm đến vị thế, tương lai của nghề Luật sư, muốn khẳng định mình trước Luật sư đồng nghiệp nhưng trong ứng xử với đồng nghiệp đã thiếu đi sự chân thành, thiện chí, hợp tác, tinh thần giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Có tham vọng nghề nghiệp nhưng thiếu tình đồng nghiệp của Luật sư, từ đó có thể xúc phạm, xâm phạm danh dự, uy tín, lợi ích của Luật sư khác. Thậm chí, coi những người làm cùng nghề là đối thủ của nhau, từ đó sẵn sàng lựa chọn cách xử sự theo hướng triệt tiêu, triệt hạ nhau.

Thứ hai, Luật sư thiếu sự tôn trọng đồng nghiệp, có tư tưởng bề trên trong quan hệ với đồng nghiệp

Không thờ ơ với đồng nghiệp cũng không lựa chọn cách ứng xử tiêu cực, triệt tiêu, triệt hạ đối với đồng nghiệp. Nhưng trên thực tế có số ít Luật sư không thật sự tôn trọng đồng nghiệp. Trong thâm tâm của những Luật sư có sự phân biệt cao, thấp, ít hay nhiều, quan trọng hay không quan trọng, có sự nhầm lẫn giữa sự phân công trong công tác quản lý của Tổ chức với đạo đức nghề nghiệp; nhầm lẫn giữa việc nổi tiếng, việc kiếm được nhiều tiền, tham gia nhiều vụ án/vụ việc lớn với việc bình đằng giữa các Luật sư…

Với quan niệm bề trên những người này có thể dễ ràng xúc phạm, gây tổn thương đến đồng nghiệp. Đôi khi sự quan tâm, sẻ chia của họ với đồng nghiệp nếu có cũng có thể được thể hiện như một sự ban phát đối với đồng nghiệp. Với tư tưởng bề trên họ có tâm lý luôn cho mình là đúng, cho rằng mình hơn đồng nghiệp, từ đó có tư tưởng không cần phải hợp tác, phải lắng nghe Luật sư đồng nghiệp.

Thứ ba, Luật sư không thừa nhận vai trò quản lý, điều hành của Tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư, của Tổ chức hành nghề Luật sư

Liên Đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập năm 2009, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố được UBND các tỉnh thành lập những năm 1985 – 1992 nhưng nghề Luật sư đã được hình thành trước đó nhiều chục năm.

Một số Luật sư cho rằng nghề Luật sư đơn thuần là một nghề tự do, hoạt động Luật sư tuyệt đối độc lập, bình đẳng; người Luật sư không phải cán bộ trong hệ thống Cơ quan nhà nước; chức danh Luật sư chưa phải là một chức danh tư pháp. Quản lý hoạt động Luật sư đã có các Cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư chỉ là tổ chức tự quản, không có thực quyền và cũng không giúp ích nhiều cho cá nhân họ trong quá trình hành nghề. Thậm chí có tư tưởng thêm tổ chức là thêm giai tầng quản lý, và rằng việc ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam là thêm một Bộ Luật, một sự ràng buộc cho hoạt động của Luật sư.

Số ít Luật sư này chưa thừa nhận vai trò, vị trí và những kết quả của Tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư mang lại cho nghề Luật sư tại Việt Nam, từ đó có ác cảm với những Luật sư đồng nghiệp khi họ thực hiện nhiệm vụ hành chính, tự quản đối với hoạt động hành nghề Luật sư có tác động đến hoạt động của họ. Tìm cách chống đối, không thực hiện các nghĩa vụ đối với Tổ chức, từ chối và không tham gia các hoạt động đoàn thể do Liên Đoàn Luật sư Viên Nam, Đoàn Luật sư phát động, tổ chức thực hiện. Ví dụ như Luật sư không đóng phí thành viên, không tham gia các khóa bồi dưỡng bắt buộc, không thực hiện việc báo cáo theo quy định; không thực hiện trợ giúp pháp lý…Thực tế hiện nay ở một số địa phương công tác chuẩn bị nhân sự để bầu thành viên Ban Chủ nhiệm rất khó khăn. Hiện tượng chia rẽ, mất đoàn kết, khiếu nại, tố cáo trước, trong và sau Đại hội. Điều đó không chỉ làm suy yếu sức mạnh của nghề Luật sư mà còn trực tiếp ảnh hưởng xấu đến uy tín của giới Luật sư.

Việc thiếu ý thức Tổ chức, kỷ luật của Luật sư cũng diễn ra ngay tại Tổ chức hành nghề Luật sư. Số ít Luật sư chưa tôn trọng, chấp hành Nội quy, quy chế của Tổ chức hành nghề.

Thứ tư, Luật sư đặt lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân trên tôn chỉ mục đích nghề nghiệp Luật sư

Hiện có số ít Luật sư quá coi trọng lợi ích vật chất, vì lợi ích vật chất mà coi nhẹ thậm chí trực tiếp vi phạm quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Điều lệ, Nội quy, quy chế, quy định của Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư hoặc vi phạm pháp luật. Những cá nhân này chỉ sử dụng Nghề Luật sư làm công cụ kiếm tiền hoặc thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

 Vì lợi ích vật chất những người này không chỉ vi phạm các quy định trong mối quan hệ với khách hàng, với Cơ quạn tiến hành tố tụng, Cơ quan nhà nước khác mà trực tiếp vi phạm quan hệ Đạo đức và Ứng xử với đồng nghiệp. Để thỏa mãn tâm lý bức xúc của khách hàng những người này có thể thực hiện hành vi xúc phạm, nói xấu, hạ uy tín của Luật sư đồng nghiệp. Để thu hút khách hàng, những người này thường khai thác và lợi dụng tâm lý bức xúc, cần giải tỏa, tâm lý dễ bị kích động, thiếu tin tưởng vào hoạt động của cơ quan công quyền thông qua một vài vụ việc cụ thể từ đó xúi dục khách hàng trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp.

Phụ thuộc vào lợi ích vật chất do khách hàng chi trả, nhưng người này hứa hẹn kết quả vụ việc, so sánh, thể hiện rằng mình giỏi hơn, mình cao hơn thậm chí mình nhiều quan hệ hơn Luật sư đồng nghiệp…

Thứ năm, Luật sư cạnh tranh không lành mạnh, ứng xử tiêu cực khi có tranh chấp với đồng nghiệp

Vì lợi ích kinh tế, để thỏa mãn sự ích kỷ của cá nhân, để kết quả thắng thua khi giải quyết vụ việc cho khách hàng chi phối hoạt động nghề nghiệp, do yêu, gét cá nhân…số ít Luật sư thực hiện việc cạnh tranh không lành mạnh, khi thực hiện dịch vụ. Trong quan hệ với đồng nghiệp những người này có tâm thế đối đầu, đối kháng thậm chí triệt tiêu hoạt động nghiệp vụ của đồng nghiệp.

Trường hợp có tranh chấp với khách hàng hoặc tranh chấp với đồng nghiệp có một số Luật sư lựa chọn cách xử lý vụ việc theo hướng tiêu cực nhất, bỏ qua tình đồng nghiệp, bỏ qua quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, bỏ qua quy định của của Tổ chức xã hội nghề nghiệp thậm chí lựa chọn cách ứng xử vi phạm pháp luật đối với chính đồng nghiệp của mình.

Luật sư và công tác Trợ giúp pháp lý miễn phí.

Bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn áp dụng Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Viêt Nam trong quan hệ với đồng nghiệp

Quan hệ, ứng xử của Luật sư với đồng nghiệp không chỉ đòi hỏi sự tuân thủ quy định của pháp luật, Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư, tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam mà trước hết và trên hết cần xuất phát từ thiện tâm, tình cảm của những người đồng nghiệp với nhau xuất phát từ Tình đồng nghiệp và vì Tình đồng nghiệp.

Những tấm gương sáng, những việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả, tốt đẹp với Luật sư với đồng nghiệp, với nghề Luật sư hoặc đơn giản chỉ là những việc giản đơn, bình dị chứa đựng tình cảm giữa Luật sư với đồng nghiệp đã góp phần tạo lập hình ảnh người Luật sư: Chí nghĩa - Chí tình - Hết mình vì công lý. Để phát huy truyền thống tốt đẹp nghề Luật sư, ngăn ngừa, hạn chế, đấu tranh dần loại bỏ những việc làm, ứng xử chưa đúng, chưa đẹp của Luật sư với đồng nghiệp đòi hỏi cá nhân người Luật sư, Tổ chức hành nghề của Luật sư, Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư phải cùng chung tay, góp sức cùng hành động vì mục tiêu chung. Qua thực tế áp dụng Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong quan hệ với đồng nghiệp thời gian qua cho chúng ta một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, Luật sư, người chuẩn bị trở thành Luật sư, người có ý định, mong muốn trở thành Luật sư cần nhận thức rõ: Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư tạo nên thương hiệu, uy tín của mỗi cá nhân Luật sư, Tổ chức hành nghề Luật sư. Ghi nhận, đánh giá của đồng nghiệp đối với Luật sư là thước đo đánh giá Tầm – Tâm - Thế của Luật sư. Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư trong mối quan hệ với đồng nghiệp là cơ sở để Luật sư, Tổ chức hành nghề Luật sư phát triển, thu hút khách hàng tạo thu nhập hợp pháp, bền vững.

Thứ hai, tình đồng nghiệp, chuẩn mực Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư với đồng nghiệp không phải tự nhiên mà có; tình đồng nghiệp, chuẩn mực Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư với đồng nghiệp chỉ hình thành, duy trì, phát triển khi Luật sư chủ động tạo lập, vun trồng, chăm sóc thông qua việc làm thường ngày và trong mọi quyết sách liên quan đến nghề Luật sư.

Thứ ba, Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp của Luật sư nói chung, Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp của Luật sư với đồng nghiệp nói riêng là một bộ môn Đạo đức học. Do đó cần được dậy, được học, được ôn luyện và nhắc lại thường xuyên, liên tục không có ngoại lệ, không có phân biệt, lệ thuộc tuổi tác, kinh nghiệm, học hàm, học vị, giới tính… Thực tiễn các nước trên thế giới tổ chức dậy và học Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư thường xuyên, liên tục. Học, học nữa, học mãi, học nhắc lại, học thuộc lòng Bộ Quy tắc để từng ngày thấm nhuần nội dung quy tắc, biến nội dung quy tắc thành hành vi ứng xử thường ngày của cá nhân Luật sư.

Thực tiễn cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến, Bộ Quy tắc thời gian qua mang lại hiệu quả rất tích cực trong việc phát huy tình đồng nghiệp, vị thế nghề Luật sư. Ví dụ, thời điểm năm 2011 khi lần đầu xây dựng và áp dụng Bộ Quy tắc Đạo đức Ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam đã gặp phải dư luận phản đối quyết liệt, của nhiều Luật sư. Nhưng sau nhiều năm áp dụng, đến nay đa số Luật sư đã nhận thức và hiểu rõ ý nghĩa tích cực, vai trò, hiệu quả Bộ Quy tắc đem đến cho nghề nghiệp, cho cá nhân Luật sư. Đến nay đa số Luật sư đã đồng tình, ủng hộ và đánh giá rất cao Bộ quy tắc. Tham gia bồi dưỡng bắt buộc trong đó có bồi dưỡng Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam hàng năm được đa số Luật sư đồng tình, ủng hộ. Những lớp bồi dưỡng với sự tham gia của Luật sư nhiều tỉnh, thành phố, tổng số học viên của lớp học lên đến nhiều trăm người không chỉ là việc thực hiện quy định mang tính chất bắt buộc mà đây đã trở thành điểm hẹn thường niên; nơi giao lưu, trao đổi tình cảm của những người đồng nghiệp với nhau, nơi thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp của những người Luật sư; nơi để các Cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân nhìn nghề Luật sư với thái độ tôn kính.

Thứ tư, Việc áp dụng chế tài răn đe, ngăn ngừa, xử lý cá nhân cố tình vi phạm Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp của Luật sư với đồng nghiệp là cần thiết. Đoàn Luật sư, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam đã xử lý nhiều trường hợp Luật sư vi phạm Bộ quy tắc, vi phạm Điều lệ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và được đa số Luật sư đồng tình, ủng hộ. Ví dụ: việc tạm dừng hoạt động của nhiều Luật sư khi các Luật sư này cố tình nhiều năm liên tục không đóng Phí thành viên; việc kỷ luật đưa ra khỏi đội ngũ những Luật sư có hành vi trực tiếp xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng đến uy tín, đạo đức đồng nghiệp, tiền bạc của khách hàng, vị thế của nghề Luật sư.

Điều đó đòi hỏi mỗi cá nhân Luật sư ngoài tình cảm, trách nhiệm với đồng nghiệp còn cần có trách nhiệm với chính nghề nghiệp, có trách nhiệm với chính cá nhân mình vì hành vi ứng xử không phù hợp đạo đức nghề nghiệp, quy tắc nghề nghiệp là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Luật sư có thể bị xem xét kỷ luật thậm chí bị loại bỏ ra khỏi đội ngũ Luật sư Việt Nam.

Thứ năm, phát huy vai trò tự quản của Tổ chức hành nghề Luật sư; thực hiện đúng chức năng đại diện, bảo vệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư là điều kiện quan trọng để phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam, là cơ sở để tạo lập, duy trì củng cố, phát triển tình đồng nghiệp, Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp của Luật sư với đồng nghiệp.

 Thực tế đã, đang và tiếp tục đặt ra yêu cầu, đòi hỏi về trách nhiệm, năng lực, tâm huyết của những người làm công tác quản lý hành chính, điều hành hoạt động của Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư. Đồng thời cũng đặt ra đòi hỏi, yêu cầu đối với cá nhân Luật sư phải thực hiện chức năng giám sát, góp ý với Tổ chức, đòi hỏi, yêu cầu mỗi Luật sư phải tích cực hưởng ứng, tham gia hoạt động do Tổ chức tổ phát động, triển khai thực hiện.

Cá nhân Luật sư đóng góp cho nghề nghiệp bằng nhiều cách thức khác nhau phù hợp với khả năng, điều kiện, trình độ của mỗi người. Trong đó, việc đóng góp trực tiếp thông qua việc ứng cử, nhận đề cử hoặc chấp hành sự phân công, phân nhiệm để tham gia công tác quản lý hành chính, điều hành hoạt động của Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư nói riêng hoặc tham gia, thực hiện các nhiệm vụ do Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư phân công nói chung.

Luật sư TRẦN VĂN AN
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
/vai-tro-cua-lien-doan-luat-su-viet-nam-trong-viec-bao-ve-quyen-hanh-nghe-cua-luat-su.html