Vi phạm về cấp giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19: Hành vi mang lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng

15/07/2021 08:54 | 3 năm trước

(LSVN) - Lợi dụng số lượng người dân xét nghiệm đông và nhiều người mong muốn có kết quả nhanh mà không muốn chờ đợi, nhiều đối tượng đã làm giả giấy xét nghiệm Covid-19. Đây là một hành vi mang lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng trong thời điểm dịch bệnh hiện nay và người phạm tội này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Theo Công văn số 818/KCB- QLCL&CĐT, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết ngày 09/7/2021, một số cơ quan báo chí có phản ánh thông tin như: không đi test vẫn được cấp giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, được đi khắp nơi; công nhân một công ty tại Khu công nghiệp Tân Hương (Tiền Giang) vẫn được phát một tờ giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 dù không đi xét nghiệm, lấy mẫu; xuất hiện giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 giả Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng.

Sau sự việc trên, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng xác định, chữ ký và con dấu trên tờ giấy xét nghiệm Covid-19 mà các đơn vị cung cấp không phải là chữ ký và con dấu thuộc Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng. Các tờ giấy này cũng không có mã code để kiểm tra. Trong khi đó, phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 của Bệnh viện đều có mã code; các thông tin người làm xét nghiệm đều được hiển thị thông qua việc quét mã code này. Vì vậy, các phiếu xét nghiệm mà các đơn vị và cá nhân cung cấp đều là giả mạo. Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng đã có báo cáo gửi Công an TP. Hải Phòng; đồng thời, đặt biển cảnh báo trước cổng Bệnh viện để lưu ý người dân khi đến khám bệnh, xét nghiệm tại bệnh viện, tránh bị "cò mồi" mời chào làm phiếu xét nghiệm giả.

Liên quan đến việc công nhân không đi test nhanh vẫn được cấp giấy xét nghiệm âm tính với Covd-19, Công ty TNHH F. I. (Khu công nghiệp Tân Hương) vừa có văn bản giải trình gửi UBND tỉnh Tiền Giang, các ban ngành về vụ việc trên. Theo đại diện Công ty TNHH F. I., nhằm đáp ứng quy định người di chuyển liên tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 7 ngày, ngày 7/7, công ty có hợp đồng với Công ty cổ phần Bệnh viện Mỹ Hạnh (tỉnh Long An) thực hiện test nhanh kháng nguyên Covid-19 cho 4.301 công nhân cư trú trên địa bàn ngoài tỉnh Tiền Giang.

Vì thời gian cấp bách và số lượng xét nghiệm nhiều, cần phải trả phiếu xét nghiệm để công nhân ra về nên hai bên không có thời gian sàng lọc phiếu của những người không đi xét nghiệm, mà chuyển xuống cho trợ lý các xưởng phát cho công nhân. Chính vì vậy mới xảy ra sự cố đáng tiếc là có người không đi xét nghiệm nhưng vẫn được phát phiếu kết quả xét nghiệm. Ngay sau cuộc họp vào ngày 10/7, Công ty TNHH F. I. đã cho cán bộ nhân sự kiểm tra lại toàn bộ danh sách để tìm ra những trường hợp không đi xét nghiệm nhưng được phát phiếu kết quả xét nghiệm, sẽ tiến hành thu hồi những phiếu kết quả này.

Trường hợp cá nhân, tổ chức làm giả giấy xét nghiệm

Về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám Đốc, Hãng Luật TGS cho biết, hiện nay diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang trở nên phức tạp, tại một số địa phương các cơ quan chức năng yêu cầu những người dân khi ra vào các địa phương này, qua các chốt kiểm dịch thì cần có giấy xét nghiệm Covid-19 quả âm tính. Nhiều cơ sở y tế đã tổ chức xét nghiệm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, số lượng người dân xét nghiệm đông và nhiều người mong muốn có kết quả nhanh mà không muốn chờ đợi. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã làm giả giấy xét nghiệm Covid-19. Đây là một hành vi mang lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng trong thời điểm dịch bệnh hiện nay và người phạm tội này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì sẽ chịu các loại hình phạt và mức hình phạt tùy vào mức độ vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến đến 07 năm tù”. Trong trường hợp người làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức là người có chức vụ quyền hạn thì sẽ bị xử phạt theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội "Giả mạo trong công tác".

Trường hợp không xét nghiệm nhưng vẫn cấp giấy xét nghiệm âm tính Covid-19

Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội "Giả mạo trong công tác" quy định: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.” Theo đó, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 01 năm đến 20 năm tù tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội này còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhận định, để ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm trong cấp giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, cần kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, cần phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ, có phương hướng quản lý cán bộ chặt chẽ, nghiêm minh, giáo dục đạo đức lối sống, phong cách cho những người trong ngành y, không để xảy ra tình trạng sai phạm tương tự xảy ra. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp quản lý, thanh tra, giám sát các cơ sở y tế chặt chẽ hơn nữa. 

NGỌC ANH 

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ phản ánh không đi test vẫn có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19

Từ khoá : Covid-19 vi pham lsvn.vn LSVN