/ Luật sư trực ban
/ Vì sao không đủ căn cứ khởi tố 'thầy lang' trong vụ chữa hiếm muộn bằng cách 'quan hệ' với bệnh nhân

Vì sao không đủ căn cứ khởi tố 'thầy lang' trong vụ chữa hiếm muộn bằng cách 'quan hệ' với bệnh nhân

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự. Theo đó, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.

Vừa qua, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự việc thầy lang Vũ Trọng Hải, 46 tuổi bị tố cáo cưỡng dâm người phụ nữ đến điều trị hiếm muộn.

 Trước đó, chị L. tố ông Vũ Trọng Hải có hành vi chữa hiếm muộn, vô sinh bằng cách cưỡng ép chị L. quan hệ tình dục làm chị này mang thai và sinh ra hai cháu bé.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn nêu rõ đơn vị đã tiến hành kiểm tra, xác minh tin báo của chị L. lẫn căn cứ quy định liên quan. Từ đó, cơ quan này đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên.

Thượng tá Nguyễn Văn Duân - Trưởng Công an huyện Lục Ngạn cho biết, ông Vũ Trọng Hải bị xác định vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình; khám chữa bệnh không phép. Cơ quan công an sẽ đề nghị các đơn vị có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.

Cũng theo lãnh đạo Công an huyện Lục Ngạn, khi nhận đơn đã tổ chức đối chất. Thầy lang 46 tuổi thừa nhận "nhiều lần quan hệ tình dục" vì chị L. "tha thiết xin con", không có chuyện ép buộc.

Đại diện gia đình chị L. cho hay, không đồng ý quyết định không khởi tố và sẽ tiếp tục khiếu nại. Gia đình mong muốn các cơ quan tố tụng sẽ khởi tố, xử lý thầy lang và buộc ông ta có trách nhiệm với hai cháu bé.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, cưỡng dâm là hành vi của một người dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với mình.

Người phạm tội "Cưỡng dâm" dùng rất nhiều thủ đoạn khác nhau như: lừa, mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa hoặc bằng tình cảm, bằng tiền bạc, có khi chỉ là một lời hứa..., tức là người phạm tội không từ một thủ đoạn nào miễn là thực hiện được ý đồ giao cấu với người bị hại, hoặc lợi dụng người bị hại đang ở trong tình trạng quẫn bách để họ phải miễn cưỡng giao cấu với mình.

Tội “Cưỡng dâm” quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Điều 143. Tội cưỡng dâm

1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2.55 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Nhiều người cưỡng dâm một người;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Có tính chất loạn luân;

đ) Làm nạn nhân có thai;

e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3.56 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:

a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi cưỡng dâm xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự và sức khỏe của người khác. Ngoài ra còn có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người bị hại.

Theo Luật sư Bình, nếu kết quả điều tra đúng như lời khai ban đầu của chị vợ về việc thầy lang lợi dụng việc chữa bệnh, sự thiếu hiểu biết của người bệnh, mối quan hệ lệ thuộc giữa thầy thuốc và người bệnh thì ở đây có dấu hiệu của tội "Cưỡng dâm”.

Tuy nhiên, theo thông tin bước đầu, Công an huyện Lục Ngạn đã tổ chức cho 2 người đối chất, nhưng hai bên không thống nhất được lời khai vì chị L. cho rằng ông Hải cưỡng dâm, yêu cầu cho quan hệ để "thông" mới chữa vô sinh được. Còn thầy lang thừa nhận nhiều lần quan hệ tình dục với chị L. nhưng việc này do chị mong muốn có con nên xin ông giúp đỡ. Ông Hải khẳng định bản thân không cưỡng dâm như tố cáo.

Vì không đủ căn cứ cấu thành tội "Cưỡng dâm" nên Công an huyện Lục Ngạn đề xuất UBND huyện, Phòng Y tế huyện cũng như UBND xã Hồng Giang xử lý hành chính thầy lang trên về những vi phạm như hành nghề không có giấy phép, vi phạm chế độ một vợ một chồng.

Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự

Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự. Theo đó, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định. 

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng, trong giai đoạn này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét có hay không có dấu hiệu tội phạm, quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. Theo đó, các căn cứ không khởi tố được quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. 

Theo đó, không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

- Không có sự việc phạm tội;

- Hành vi không cấu thành tội phạm;

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Tội phạm đã được đại xá;

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

- Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật ình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Trong trường hợp này, nếu gia đình chị L. không đồng ý với quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Công an huyện Lục Ngạn thì có thể làm đơn khiếu nại theo quy định pháp luật.

PHƯƠNG HOA

Không khởi tố 'thầy lang' chữa hiếm muộn bằng cách 'quan hệ' với bệnh nhân

 

Lê Minh Hoàng