(LSVN) - Mặc dù tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Nội và kiểm sát viên đều có ý kiến đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của ông Lam, bà Sửu nhưng Hội đồng xét xử vẫn “phớt lờ” và tuyên án: “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đặng Tiến Lam, bà Đào Thị Sửu. Buộc ông Hà Văn Nội trả cho ông Đặng Tiến Lam, bà Đào Thị Sửu thửa đất số 79 tờ bản đồ số 10, địa chỉ thửa đất thôn 5 xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang, thửa đất có tổng diện tích 127,3m2”.
Tháng 5/1989 sau khi ra quân, ông Hà Văn Nội quê ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ làm việc tại xưởng mộc của ông Đặng Tiến Lam, vợ là Đào Thị Sửu trú tại thôn 12, phường An Tường, thành phố Tuyên Quang, (trước đây xã An Tường thuộc huyên Yên Sơn).
Tháng 02/1998 ông Nội lấy vợ và thôi làm việc cho ông Lam, việc tính tiền công trong thời gian làm ở nhà ông Lam hai bên thống nhất, vợ chồng ông Lam sẽ trả bằng thửa đất tọa lạc tại thôn 5, xã Lưỡng Vượng, huyện Yên Sơn. Nguồn gốc thửa đất này do vợ chồng ông Lam mua của ông Đào Quang Hào và vợ là Nguyễn Thị Phúc từ năm 1994, diện tích hơn 240m2, chiều bám mặt đường 12m, chiều sâu 20m, ông Lam xây 2 gian nhà làm kho vật liệu và cho thợ ở.
Trước khi làm thủ tục chuyển nhượng cho ông Nội, bà Sửu đến gặp ông Phùng Đình Hóa - Chủ tịch UBND xã Lương Vượng. Sau khi trình bày lý do, ông Hóa hướng dẫn không làm hợp đồng bán thổ cư vì thời điểm đó UBND huyện Yên Sơn yêu cầu tạm dừng việc chuyển nhượng đất ở gần đường quốc lộ; làm giấy tặng cho thì được phép và các bên không phải chịu thuế. Vì vậy, ngày 02/7/1998, vợ chồng bà Sửu viết “Giấy cho tài sản nhà và đất thổ cư” kèm theo sơ đồ cho ông Nội và bà Sính, mỗi người được 6m x 20m.
Kiểm tra nội dung văn bản thấy có đủ chữ ký của ông Lam, bà Sửu, ông Nội và bà Sính, ngày 07/7/1998, ông Phùng Đình Hóa ký xác nhận vào “Giấy cho tài sản”. Giấy này, theo ông Nội khai, được bà Sửu giao cho 1 bản phô tô (bố bà Sính là anh trai bà Sửu).
Sau khi nhận đất năm 2000, ông Nội làm thêm 2 gian nhà. Năm 2013 vợ chồng ông Lam khởi kiện đòi lại diện tích đất ông Nội đang sử dụng, trong qua trình điều tra vợ chồng ông Lam khẳng định: Việc cho ông Nội mượn đất ông bà chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có bất cứ giấy tờ gì. Khi ông Nội xây nhà ông Lam không biết, thời điểm này bà Sính đã chuyển đi nơi khác và cũng khai, đây là đất mượn.
Tại giai đoạn tranh luận, đối đáp tại tòa ngày 22/5/2020, bà Sửu buộc phải thừa nhận có sự kiện làm giấy tặng cho nhưng khi đưa cho ông Lam thì ông Lam nói chỉ cho mượn đất nên ông xé ngay tờ giấy đó; bản phô tô do ông Nội xuất trình bà không biết, bà yêu cầu phải có bản gốc?
Tại phiên tòa có mặt hai nhân chứng là ông Vũ Văn Tính và Nguyễn Thế Hoa là những người thợ xây nhà cho ông Nội, nhưng không được Hội đồng xét xử hỏi mà chỉ được thẩm phán mời gặp riêng sau một ngày xét xử.
Sau 03 ngày xét xử, bản án sơ thẩm số 29/2020/DS-ST ngày 25/5/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Tuyên Quang đánh giá chứng cứ cho rằng: Phía ông Nội chỉ có bản phô tô giấy tặng cho, mặc dù được ông Phùng Đình Hóa xác nhận nhưng đã bị phía nguyên đơn phủ nhận, nên không đủ cơ sở. Bà Sửu khai tại tòa, bà nghĩ: khi bản chính đã bị xé bỏ thì coi như không có việc tặng cho, việc riêng giữa bà với ông Nội như thế nào ông Hóa không biết, nên ông Hóa không thể khẳng định có việc tặng đất giữa bà với ông Nội (xin lưu ý là trước khi nghỉ hưu, bà Sửu đã từng là Thẩm phán của Tòa án nhân dân các huyện Yên Sơn, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang).
Vì ông Nội khai năm 2004 có việc bà Sửu đến đòi đất “nên không đủ cơ sở xác định về việc tặng quyền sử dụng đất giữa ông Lam, bà Sửu và ông Nội. Xác lập quyền sử dụng đất cho ông Đặng Tiến Lam và Đào Thị Sửu đối với 240m2 đất theo nội dung chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Đào Quang Hào, bà Nguyễn Thị Phúc và ông Đặng Tiến Lam, bà Đào Thị Sửu là phù hợp”.
Mặc dù tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Nội và kiểm sát viên đều có ý kiến đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của ông Lam, bà Sửu nhưng Hội đồng xét xử vẫn “phớt lờ” và tuyên án: “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đặng Tiến Lam, bà Đào Thị Sửu. Buộc ông Hà Văn Nội trả cho ông Đặng Tiến Lam, bà Đào Thị Sửu thửa đất số 79 tờ bản đồ số 10, địa chỉ thửa đất thôn 5 xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang, thửa đất có tổng diện tích 127,3m2”.
Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Nội kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm sửa toàn bộ án sơ thẩm và đề nghị triệu tập những người làm chứng vì họ biết rõ bản chất của vụ kiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ngoài những mâu thuẫn về lời khai của ông Lam trong việc tính giá ngày công và thời gian ông Nội làm việc ở nhà vợ chồng ông Lam, những người làm chứng cũng chính là những người xây nhà và làm công trình phụ cho ông Nội năm 2000 và năm 2002 cho biết: trong thời gian thi công, bà Sửu, ông Lam có đến xem nhưng không có ý kiến gì. Ông Nguyễn Đức Hồng là trưởng thôn nơi ông Nội cư trú xác nhận ông Nội thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất từ năm 1998, còn ông Phùng Đình Hóa tiếp tục khẳng định: “Giấy cho tài sản nhà và đất thổ cư” kèm theo sơ đồ đất cho ông Nội và bà Sính mỗi người được 6m x 20m do chính ông ký duy nhất có 01 bản, trong đó có chữ ký của ông Đặng Thế Lam; lúc này bà Sửu lại khai “không nhớ”?
Với những chứng cứ trên, luật sư và kiểm sát viên tiếp tục đề nghị như phiên tòa sơ thẩm. Căn cứ vào Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự, bản án phúc thẩm số 37 ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã quyết định sửa toàn bộ án sơ thẩm, chấp nhận đơn kháng cáo của ông Hà Văn Nội, bác đơn khởi kiện của ông Đặng Tiến Lam, bà Đào Thị Sửu.
Sau phiên tòa phúc thẩm có ý kiến cho rằng: Giá như đừng khởi kiện mà bà Sửu gặp ông Nội nói “toạc móng heo” về giá đất thay đổi và đề nghị ông Nội thanh toán lại một phần trượt giá thì có lẽ ông Nội sẽ chấp nhận, nhưng đến nước này thì mọi chuyện đã chấm hết.
Luật sư NGUYỄN THÀNH MINH Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang |