/ Góc nhìn
/ Vị thế Luật sư

Vị thế Luật sư

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trong tiến trình cải cách tư pháp, vị thế Luật sư đã được xác định bằng những quy định pháp luật cụ thể, xứng tầm với vai trò của người tham gia bảo vệ pháp chế, đảm bảo pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh và rộng đường tiếp cận công lý.

Ảnh minh họa.

Ngoài xã hội, Luật sư ngày càng được tôn trọng, tin tưởng và nhiều người nhận ra vai trò thiết yếu của nghề nghiệp Luật sư trong đời sống, sự cần thiết phải có Luật sư trong mọi lĩnh vực từ kinh doanh đến khiếu kiện, từ hòa giải đến tố tụng, từ soạn thảo đơn từ đến đảm bảo quyền và lợi ích của mỗi người và đặc biệt là trong việc duy trì trật tự, công bằng xã hội. Vị thế của Luật sư được nâng cao, đó là một biểu hiện thuyết phục của một nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp Luật sư không được tôn trọng, “lép vế” trước các cơ quan tiến hành tố tụng đã xảy ra. Thấy rõ nhất là việc gây phiền hà, khó khăn trở ngại khi phải xin "giấy phép" tham gia tố tụng, gặp thân chủ trong trại tạm giam, làm công việc xác minh thực tế, xem xét hồ sơ,... 

Ngay tại phiên tòa, không ít trường hợp các Luật sư bị yêu cầu rời khỏi phòng xét xử mà lý do chưa thực sự xác đáng. Báo chí dùng từ “đuổi” Luật sư để diễn tả chính xác động thái này khi Luật sư bị Cảnh sát tư pháp cưỡng chế ra khỏi phòng xử, xốc nách, giữ tay, xô đẩy,... gây ra những hình ảnh hết sức phản cảm. 

Mới đây, một Luật sư cùng thân chủ của mình là người tố cáo đến làm việc với Công an xã ở Thuận Thành (Bắc Ninh) đã bị xô đuổi dữ dội ra khỏi trụ sở. Lý do là Luật sư không được mời đến dự buổi làm việc này. Một minh chứng cho thái độ hành xử rất thiếu tôn trọng Luật sư, thậm chí coi thường sự hiện diện của Luật sư trong việc bảo vệ người tố cáo. 

Hoặc, trong phiên tòa gần đây xét xử vụ Nguyễn Xuân Đường (Đường ‘Nhuệ’), bị cáo đã gọi Luật sư bảo vệ cho bị hại là “thằng già” – một hành vi đáng phải nhận lời cảnh cáo nhắc nhở nghiêm khắc từ chủ tọa phiên tòa. 

Một động thái khác, khá phổ biến là Luật sư được thông báo đến phiên tòa bằng “Giấy triệu tập đương sự”. Tuy đây chỉ đơn thuần là hình thức nhưng biểu hiện rất rõ ràng một sự thiếu tôn trọng Luật sư.

Tất nhiên, không ai khác, ngoài chính bản thân Luật sư phải duy trì được vị thế xứng đáng mà pháp luật đã “định vị”. Ngoài kiến thức pháp lý vững vàng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng còn là thái độ hành xử, phong thái chững chạc, diễn đạt khúc chiết, tâm thế an nhiên và không bao giờ để sự nóng giận chi phối bởi “cả giận, mất khôn”. 

Đó chính là những yếu tố cần thiết đảm bảo cho vị thế nghề nghiệp Luật sư có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. 

NHỊ NGỌC

Bàn về tình tiết ‘dùng thủ đoạn nguy hiểm’ quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015

Lê Minh Hoàng