Ảnh minh họa.
Thời gian vừa qua, một số UBND tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, trong thời gian giãn cách, các tổ chức hành nghề Luật sư không thuộc đối tượng được hoạt động, nên Luật sư không thuộc nhóm đối tượng được phép di chuyển trên đường.
Chính vì vậy, một số Đoàn Luật sư, Sở Tư pháp đã có Văn bản kiến nghị UBND các cấp xem xét bổ sung tổ chức hành nghề Luật sư thuộc đối tượng được hoạt động, được phép di chuyển trong thời gian giãn cách xã hội vào các nội dung công điện, công văn của UBND các cấp để áp dụng thống nhất.
Ngày 09/9/2021, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành Văn bản số 270/LĐLSVN về việc kiến nghị Luật sư thuộc nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ thiết yếu của xã hội trong phòng chống dịch Covid-19 gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương.
Văn bản số 270/LĐLSVN của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc kiến nghị Luật sư thuộc nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ thiết yếu của xã hội trong phòng chống dịch Covid-19.
Văn bản nêu rõ: "Căn cứ nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ và Công văn số 1221/BTP-PLHSHC của Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục xác định hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, tham gia tố tụng, tư vấn và trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề Luật sư và các Luật sư cho các chủ thể xã hội đang diễn ra hàng ngày là một trong những dịch vụ thiết yếu trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp tình hình thực hiện giãn cách xã hội ở từng địa phương".
Đồng thời, Liên đoàn cũng kiến nghị đưa Luật sư, người lao động trong các tổ chức hành nghề Luật sư vào nhóm được sử dụng giấy đi đường do tổ chức hành nghề Luật sư duyệt để được phép di chuyển trên đường, qua các chốt kiểm soát dịch nhằm cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý Nhà nước.
Phù hợp với quy định của Chính phủ
Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTG ngày 31/3/2020 Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 và mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế và duy trì các hoạt động quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh thiết yếu, ngày 03/4/2020 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2601/VPCP-KGVX hướng dẫn về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại mục 2 Công văn nêu rõ: “Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, Luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...) được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch".
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Công văn số 1221/BTP-PLHSHC ngày 03/4/2020 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng, Luật sư được tiếp tục hoạt động.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng cho biết, hiện nay không chỉ việc cấp giấy đi đường cho Luật sư mà các ngành nghề khác đang rất có vấn đề.
Ông Nhưỡng cho rằng, vừa qua, việc TP. Hà Nội xếp hoạt động nghề nghiệp của Luật sư vào Nhóm 6 và chỉ cấp giấy đi đường cho hoạt động “tư vấn pháp luật” cũng là bất hợp lý. Bởi, ngoài việc tư vấn pháp luật, Luật sư còn phải đến các cơ quan tố tụng, thu thập chứng cứ, tài liệu,…
Cũng theo ông Nhưỡng, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét kỹ, tránh tình trạng gây khó dễ cho người dân, tạo thành những "giấy phép con". Các cấp chính quyền, các nhà chuyên môn phải tham mưu để tránh gây ra những hậu quả tiếp theo mà từ hậu quả đó lại đi ngược với tinh thần phòng chống dịch.
Các văn bản ban hành phải đảm bảo và kế thừa Chỉ thị số 16/CT-TTg
Luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 30/4/2020 của Văn phòng Chính phủ đã xác định rõ Luật sư là nhóm đối tượng được tiếp tục hoạt động để bảo đảm các dịch vụ pháp lý trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, không có bất kỳ văn bản nào giới hạn quyền đi lại của Luật sư nói riêng và tổ chức hành nghề Luật sư nói chung.
“Căn cứ Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các văn bản của Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương phải kế thừa các quy định của Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 30/4/2020 của Văn phòng Chính phủ mà không được vượt quá quy phạm pháp luật của Công văn này. Do đó, việc Luật sư không được quy định thuộc nhóm đối tượng cấp giấy đi đường đã không đảm bảo tính thống nhất đối với Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 30/4/2020 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg”, Luật sư Hòe nhấn mạnh.
Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, Luật sư không được cấp giấy đi đường sẽ dẫn đến việc không thể thực hiện công việc của Luật sư sẽ xâm phạm quyền cơ bản của công dân. Cụ thể, ảnh hưởng quyền được nhờ người bào chữa, quyền thuê Luật sư, quyền được tư vấn hỗ trợ pháp lý trong một số trường hợp cụ thể. Đây là các quyền con người, quyền công dân mà tất cả mọi xã hội đều hướng đến. Cùng với đó, người Luật sư sẽ không thực hiện được công việc của mình với khách hàng, không thực hiện được trách nhiệm nghề nghiệp của mình với xã hội.
Luật sư có vai trò bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân; hoạt động Luật sư góp phần ổn định và thúc đẩy xã hội phát triển. Khi Luật sư không được di chuyển hoặc bị hạn chế đến mức không thể thực hiện được công việc của mình. Trong khi đó, các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiến hành các hoạt động; các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh; người dân vẫn tham gia các giao dịch… Nhưng do không thể di chuyển, người Luật sư bị tách rời khỏi các hoạt động của xã hội. Điều đó đẫn tới việc khách hàng không thể sử dụng dịch vụ Luật sư, khách hàng không thể thụ hưởng thành quả hoạt động của Luật sư. Trong đó, có nhiều vấn đề thuộc về quyền con người, quyền công dân.
Cũng theo Luật sư An, tất cả các bản Hiến pháp của nước ta từ Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiếp pháp năm 2013 đều trực tiếp ghi nhận quyền được bào chữa, quyền thuê người bào chữa. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa (Điều 31); Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. (Điều 103)”.
Hệ thống pháp luật từ pháp luật về Luật sư, pháp luật Hình sự, Dân sự, Hành chính, Lao động, pháp luật Khiếu nại, tố cáo… đều có quy định cụ thể đảm bảo quyền bào chữa, quyền nhờ Luật sư, quyền được hỗ trợ pháp lý của tổ chức, cá nhân.
Công văn kịp thời, cần thiết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Luật sư Nguyễn Trường Thành, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ cho rằng, Văn bản của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thể hiện nguyện vọng chính đáng là tiếng nói của hơn 16.000 Luật sư và hàng nghìn tổ chức hành nghề Luật sư trên toàn quốc. Văn bản góp phần nhằm bảo đảm việc hành nghề của các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư trên toàn quốc.
"Hi vọng Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét kiến nghị của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam sớm nhất để có căn cứ pháp lý thống nhất cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện, góp phần phòng chống dịch hiệu quả mà không gây khó khăn cho những hành nghề thiết yếu, trong đó có ngành nghề Luật sư", Luật sư Thành bày tỏ.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Luật sư là những người có hiểu biết pháp luật và chưa có trường hợp nào vi phạm quy định về cấp giấy đi đường. Bởi vậy, cần quy định các tổ chức hành nghề Luật sư cấp giấy đi đường cho các Luật sư thành viên là hợp lý và cần thiết để phục vụ cho hoạt động tư pháp.
Việc Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương về xem xét cấp giấy đi đường đối với Luật sư là rất cần thiết, sẽ đảm bảo thủ tục được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cũng cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Luật sư không chỉ tham gia các hoạt động tố tụng ngay tại phiên tòa mà còn phải tham gia vào các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, sao chụp, thu thập tài liệu, chứng cứ; tiếp xúc bị can; thẩm định pháp lý…; thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Phạm vi hoạt động của Luật sư không chỉ trong các vùng 1, 2, 3 tại TP. Hà Nội hay trong một địa bàn Luật sư sinh sống mà còn rộng khắp tại các địa phương, tỉnh thành trên cả nước. Đứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, khi mà các giao dịch dường như bị đình trệ, tỷ lệ tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh thương mại, tranh chấp trong việc thực hiện các hợp đồng kinh tế trong nước và hợp đồng có yếu tố nước ngoài các tranh chấp dân sự, tranh chấp về lao động,… do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có xu hướng tăng cao thì rất cần sự có mặt, hỗ trợ, tư vấn kịp thời của Luật sư, nhằm hạn chế rủi ro, hạn chế các tranh chấp xảy ra, góp phần phát triển kinh tế lành mạnh, bảo đảm an toàn trong môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
"Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành và với vai trò thực tế quan trọng của Luật sư như đã nêu trên thì hoạt động của Luật sư là một hoạt động đặc thù, thật sự cần thiết, đặc biệt là trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, góp phần bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ an toàn trong môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội", Luật sư Hoài nói.
HỒNG HẠNH - NGỌC ANH