Thời gian qua, tình hình thi hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt tỷ lệ thấp; số bản án, quyết định của Tòa án chưa thi hành xong còn cao, trong đó có những bản án hành chính tồn đọng, kéo dài nhiều năm nhưng chưa được thi hành xong.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đang tồn đọng hơn 40 bản án hành chính chưa được thi hành, hầu hết là các bản án, quyết định của Tòa án Nhân dân tỉnh và TAND cấp cao tại Đà Nẵng liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cấp GCNQSDĐ cho người dân theo quy định của Luật đất đai. Sự chậm trễ trong việc thi hành án không những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân thắng kiện mà còn làm giảm uy tín trong công tác quản lý nhà nước, gây khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Dưới góc nhìn pháp luật, Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Đối với các vụ án hành chính, chủ yếu là người dân kiện người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước. Mặc dù thời gian khởi kiện kéo dài tuy nhiên kể cả khi bản án có hiệu lực pháp luật thì chính quyền vẫn không thi hành. Có nhiều lý do dẫn đến việc không thi hành, không phải cá nhân người đứng đầu cơ quan đó không thi hành mà do một số các điều kiện khác. Ví dụ như khi nhà nước thu hồi đất của người để giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án nào đó, số tiền đền bù quá cao nhưng ngân sách nhà nước không đáp ứng được, còn doanh nghiệp thực hiện dự án lại không chịu chi trả bồi thường, đó cũng là một lý do gây trở ngại trong thi hành án. Bên cạnh đó, một số vụ án xảy ra quá lâu rồi đến bây giờ Toà án cấp cao mới xét xử lại và có hiệu lực pháp luật. Do đó, cần phải tìm lại người chịu trách nhiệm cho việc đền bù thiệt hại đó.
“Đây là một vấn đề rất khó khăn nếu chúng ta không có một cơ chế để xử lý thì các bản án hành chính dù có hiệu lực vẫn sẽ tồn tại, kéo dài. Tại vì để có một khoản ngân sách để chi trả bồi thường thì phải có một khoản mục được Nhà nước chấp thuận, còn ‘xin’ tiền để bồi thường thì không có khoản mục nào như vậy. Do đó, ‘họ’ không có ngân sách để chi trả, cho nên người dân vẫn cứ phải chờ không biết đến bao giờ mới được giải quyết. Việc này là trở ngại cả về mặt thể chế, bởi vì không chỉ riêng Đắk Lắk, nhiều tỉnh thành khác cũng còn tồn đọng án hành chính. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế để tháo được nút thắt này mới có thể thi hành được các bản án hành chính”.
HƯƠNG TRẦN