Ảnh minh họa.
Bộ Công thương xin bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia
Vừa qua, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về kế hoạch bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON92 dự trữ quốc gia, giá khởi điểm 14.058 đồng/lít. Theo đó, tài sản bán đấu giá là 1 lô hàng dự trữ quốc gia bao gồm: 101.976.121 lít xăng Ron 92 ở nhiệt độ thực tế tại kho bảo quản (số liệu thời điểm ngày 31/12/2021).
Tài sản bán đấu giá bảo quản ở 12 điểm kho dự trữ quốc gia tại 3 đơn vị gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty dầu Việt Nam - CTCP, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.
Số lượng xăng Ron 92 xuất bán thực tế sẽ được Bộ Công thương công bố trước thời điểm tổ chức bán đấu giá. Giá khởi điểm bán đấu giá được quy định cho 1 lít xăng Ron 92 (ở nhiệt độ thực tế tại kho bảo quản xăng dầu). Các chi phí liên quan đến việc bơm rót lên phương tiện vận chuyển của bên mua, chi phí xuất hàng, chi phí vận chuyển và các khoản thuế, phí phải nộp nhà nước theo quy định (thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng...) do bên mua hàng chi trả.
Giá khởi điểm tạm tính để xác định tiền đặt trước căn cứ theo Quyết định số 1641/QĐ-BCT ngày 27/8/2021 của Bộ Tài chính về việc giá bán tối thiểu xăng Ron 92 dự trữ quốc gia.
Giá khởi điểm bán đấu giá chính thức sẽ do Bộ Công thương quy định nhưng không thấp hơn giá khởi điểm tạm tính và được thông báo tới các tổ chức có đủ điều kiện và khả năng tài chính tham gia đấu giá trước khi tổ chức bán đấu giá.
Văn bản của Bộ Công thương nêu rõ, tổ chức đăng ký đấu giá được rút lại tiền đặt trước trong thời hạn trước 1 ngày kể từ ngày diễn ra phiên đấu giá. Quá thời hạn trên, mọi trường hợp rút lại sẽ không được giải quyết.
Thời hạn tổ chức cuộc bán đấu giá là từ tháng 01 đến tháng 02/2022. Thời hạn thanh toán trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng mua bán xăng Ron 92 dự trữ quốc gia được ký kết. Phương thức thanh toán bằng chuyển khoản vào tài khoản của Quỹ Dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước quản lý, quy định cụ thể nêu trong hợp đồng mua bán và quy chế đấu giá.
Việc đấu giá xăng dầu dự trữ quốc gia được Bộ Công thương lên kế hoạch trong bối cảnh nhiều nơi thiếu xăng dầu cục bộ.
Việc đấu giá xăng dự trữ quốc gia có phù hợp với quy định của pháp luật?
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết: Xăng nằm trong nhóm hàng Nhiên liệu thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia 2012. Đồng thời, tại điểm g, khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia được phép bán thông qua đấu giá.
Bên cạnh đó, tại dự thảo cũng đã nêu khái quát việc xét tuyển hồ sơ để xác định tổ chức tham gia đủ điều kiện cũng như phải nộp tiền đặt trước theo mức tương đương 10% tổng giá trị tài sản cùng các biện pháp xử lý tiền đặt trước. Nhìn chung những quy định này đều cơ bản phù hợp với các quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật Đấu giá tài sản.
"Như vậy, việc đấu giá hơn 100 triệu lít xăng RON92 dự trữ quốc gia là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên hiện nay đây mới chỉ là đề xuất từ phía Bộ Công thương nên chưa rõ quy trình đấu giá thực tế sẽ diễn ra như thế nào, có phù hợp với quy định pháp luật về đấu giá hay không?", Luật sư Hà đánh giá.
Luật sư cũng cho biết thêm, hiện nay, nguồn cung xăng dầu của chúng ta đến từ nhập khẩu và từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Theo Bộ Công thương thì nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu. Theo diễn biến tình hình thế giới thì giá xăng mấy tháng trở lại đây liên tục tăng do các kế hoạch, chính sách từ các nước cung cấp vì vậy đã ảnh hưởng đến giá xăng nhập khẩu. Đây là nguyên nhân khách quan mà chúng ta không thể can thiệp.
Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu xuất phát từ việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn với lý do khó khăn về tài chính. Việc nguồn cung xăng dầu của cả thị trường đa phần phụ thuộc vào 2 nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất, trong đó Nghi Sơn đã chiếm gần 40% nguồn cung, vì vậy khi nhà máy này giảm 20% công suất cũng đủ để thị trường chao đảo.
Trách nhiệm của Bộ Công thương?
Đánh giá về vai trò, trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc để khan hiếm nguồn cung đến mức phải đem nguồn dự trữ ra bán, Luật sư Hà chia sẻ: "Cần phải nói, trách nhiệm của ngành Công thương là phải đảm bảo an ninh năng lượng cũng như không để giá xăng dầu ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, lưu thông và đời sống người dân. Tuy nhiên thực tế cho thấy Bộ Công thương chưa có những chính sách, cơ chế kịp thời để quản lý nguồn cung xăng dầu trong nước. Bởi lẽ đây không phải lần đầu tiên các nhà máy lọc dầu thông báo giảm công suất khiến giá xăng dầu trong nước tăng vọt. Bộ Công thương cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục vấn đề với Nghi Sơn cũng như sử dụng các công cụ điều chỉnh phù hợp để cân bằng lại thị trường".
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Theo đó, để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 04/TB-VPCP ngày 28/01/2022, số 36/TB-VPCP ngày 10/02/2022, số 07/TB-VPCP ngày 22/02/2022 và các văn bản có liên quan.
Đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định số 95/2021/NĐ-CP), theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1086/VPCP-KTTH ngày 18/02/2022, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
HỒNG HẠNH
Bộ Công thương xin bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia