/ Luật sư - Bạn đọc
/ Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Công an xã là phù hợp, cần thiết

Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Công an xã là phù hợp, cần thiết

26/10/2021 09:09 |

(LSVN) – Việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) quy định tại khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự phù hợp và cần thiết trong tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phải xây dựng chế tài cụ thể đối với những sai phạm nhằm đề phòng, ngăn chặn tốt các vấn đề lạm quyền, tiêu cực có thể xảy ra tại đơn vị Công an xã.

Ảnh minh họa. 

Mới đây, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Một trong những nội dung đáng chú ý, tờ trình đề nghị tăng một số thẩm quyền cho Công an xã.

Cụ thể, Theo tờ trình của VKSNDTC, với phương châm “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, hiện lực lượng Công an xã là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Công an xã càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Xuất phát từ những lý do trên, cơ quan trình dự án luật đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã trong Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Ngoài ra, trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, VKSNDTC cho rằng nếu vẫn giữ nguyên quy định về trách nhiệm của Công an xã như hiện nay, Công an xã không được tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm trước khi chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền sẽ không còn phù hợp. Bên cạnh đó, có thời điểm số lượng tố giác, tin báo về tội phạm do Công an xã tiếp nhận nhiều. Nếu sau khi tiếp nhận, ghi lời khai ban đầu và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền thì có thể dẫn đến việc phân loại chưa thực sự chính xác hoặc không kịp thời phân loại, giải quyết ngay từ cơ sở những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. 

Từ những lý do trên, VKSNDTC đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng quy định: “Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Cần thiết

Về vấn đề này, Luật sư Hoàng Kiên, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ cho biết, đối với việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) quy định tại khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự phù hợp và cần thiết trong tình hình thực tế hiện nay.

Xuất phát từ những quy định mới của Luật Công an nhân dân năm 2018, Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Bộ Công an đã triển khai Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Đề án này cũng khẳng định đến tháng 06/2022, sẽ hoàn thành 100% mục tiêu các đơn vị hành chính cấp xã có cán bộ chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã.

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an chính quy để kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt hiện nay được Bộ Công an chú trọng, quan tâm, triển khai quán triệt thực hiện. Việc bố trí lực lượng chính quy trong Công an nhân dân về đảm nhiệm chức danh Công an xã phải đủ điều kiện trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đáp ứng được nhu cầu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Như vậy, về lực lượng tuyến đầu trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở (cấp xã nói chung) gần như không còn phân biệt nữa.

Căn cứ điều kiện thực tiễn hiện nay, việc giao thêm trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo, tố giác tội phạm cho Công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này, góp phần nhanh chóng, kịp thời hơn nữa việc bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự tại đia phương. Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện. Việc quy định thêm thẩm quyền này góp phần tác động rất lớn vào công tác phòng chống tội phạm ở các đơn vị địa phương cơ sở, đặc biệt là ở những đơn vị cơ sở có vị trí địa lý, kinh tế đặc thù như vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo… Ngoài ra, thông qua việc này còn góp phần giảm tải cho lực lượng Công an cấp huyện trong vấn đề xác minh, kiểm tra tin báo, tố giác tội phạm trên địa bàn cả về vấn đề kinh tế lẫn vấn đề nhân lực.

Cần chú ý đến chế tài xử lý

Luật sư Hoàng Kiên nhận định, để triển khai tốt những sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về việc thêm thẩm quyền cho lực lượng Công an xã về việc kiểm tra, xác minh tin báo, tố giác tội phạm, cần thiết phải có chế tài cụ thể đối với những sai phạm nhằm đề phòng, ngăn chặn tốt các vấn đề lạm quyền, tiêu cực có thể xảy ra tại đơn vị Công an xã.

Việc tăng thêm thẩm quyền, nhiệm vụ mà không chú ý đến chế tài xử lý và đặc biệt nhất là cơ chế, cơ quan kiểm tra, giám sát đối với hoạt động này sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn. Cụ thể là vấn đề tiếp tay, thông đồng với các đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy, buôn lậu, mua bán người dưới 16 tuổi… từ các cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác minh tin báo tội phạm để trục lợi. Cán bộ có thẩm quyền dễ bị bị lôi kéo, sa ngã để trở thành đồng phạm.

Bên cạnh đó, để việc triển khai thực hiện bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã hiệu quả, nhất thiết cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, lực lượng Công an xã cần phải có Tổ công tác hình sự. Tổ công tác này cần phải được thành lập từ những cán bộ đã được đào tạo qua chuyên ngành về điều tra tội phạm. Đảm bảo đủ kiến thức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để sẳn sàng kiểm tra, xác minh, đấu tranh với các loại tội phạm giai đoạn ban đầu.

Thứ hai, cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa phạm vi, thẩm quyền, trình tự, thủ tục mà Công an xã được tiến hành kiểm tra, xác minh đối với tin báo, tố giác tội phạm.

Thứ ba, cần quan tâm bổ sung kinh phí hoặc trang cấp cho các đơn vị Công an xã công cụ hỗ trợ, phương tiện giao thông, trang thiết bị cần thiết khác để đảm bảo di chuyển thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, an toàn khi tiến hành kiểm tra, xác minh đối với tin báo tội phạm.

LINH NHI

Đề xuất bổ sung trách nhiệm xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã

Lê Minh Hoàng