Ảnh minh họa.
Theo Điều 15 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì buộc thôi việc là hình thức kỷ luật áp dụng với cả viên chức không giữ chức vụ quản lý và viên chức quản lý.
Điều 19 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định viên chức bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc nếu thuộc một trong năm trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP;
3. Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP;
4. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
5. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Đặc biệt, theo khoản 2 Điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì khi viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng sẽ nhận được quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Việc xem xét kỷ luật buộc thôi việc viên chức căn cứ vào mức độ vi phạm theo nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra…
Bị buộc thôi việc, viên chức có được thi công chức không?
Theo quy định tại Điều 40 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các quy định liên quan sau khi có quyết định kỷ luật đối với viên chức thì:
Sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thời việc có hiệu lực, viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc được quyền đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Trường hợp bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc do tham nhũng, tham ô hoặc vi phạm đạo đức công vụ thì không được đăng ký dự tuyển vào vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ đã đảm nhiệm.
Đồng thời, viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì không được hưởng chế độ thôi việc nhưng được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian làm việc đã đóng bảo hiểm xã hội để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền quản lý viên chức lưu giữ hồ sơ viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc có trách nhiệm cung cấp bản sao hồ sơ lý lịch và nhận xét quá trình công tác (có xác nhận) khi viên chức bị xử lý kỷ luật có yêu cầu.
Tuy nhiên, sau khi viên chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, sau đó được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc Tòa án kết luận là oan, sai mà vị trí công tác cũ đã bố trí người khác thay thế, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí vào vị trí công tác, chức vụ quản lý phù hợp.
Thời gian vừa qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài hơn 07 phút ghi lại hình ảnh hơn 20 học sinh cầm lon bia chúc tụng nhau và chạm cốc với cô giáo. Điều đáng ngạc nhiên là cô giáo trên không những không ngăn cản mà còn cổ vũ, kích động các em uống bia. Sau khi xem clip, nhiều phụ huynh giật mình khi phát hiện những thiếu niên cầm lon bia đang chúc tụng nhau kia là con em mình. Được biết, các em xuất hiện trong clip là học sinh lớp 9, Trường THCS Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) địa điểm xảy ra là tại nhà cô giáo Nguyễn Thị X. (giáo viên chủ nhiệm lớp 9A6) và thời gian xảy ra sự việc là sau Tết Nguyên đán. Đoạn clip trên do chính cô Nguyễn Thị X. đăng tải lên mạng xã hội Facebook. Sau khi nhận được nhiều bình luận với thái độ phản đối, bất bình của cộng đồng mạng, cô X. đã gỡ bỏ clip. Tuy nhiên, một số người đã kịp tải clip về và tiếp tục đăng tải với thái độ bất bình, phản đối khi cô giáo chủ nhiệm mặc nhiên để cho học sinh lớp 9 tổ chức uống bia tại nhà mình và còn có lời nói cổ vũ, kích động. Làm việc với cơ quan Công an, cô Nguyễn Thị X. đã thừa nhận clip trên do mình đăng tải, những học sinh uống bia trong clip đang học lớp 9A6 do cô này làm chủ nhiệm, thời gian học sinh tổ chức uống bia là chiều 21/02 và địa điểm tại phòng ở của cô X. tại khu tập thể của trường. Cô X. là người quay là đăng tải clip trên lên mạng xã hội Facebook. Sáng ngày 12/3, Thượng tá Đặng Đình Tại, Trưởng Công an huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cô giáo X. 7,5 triệu đồng về hành vi “Bán cho trẻ em, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em”. Theo đó, với hành vi uống bia cùng nhóm học sinh lớp 9 rồi đăng tải lên mạng xã hội facebook, cô giáo X. (giáo viên trường THCS Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) đã vi phạm điểm b khoản 2, Điều 25, Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Điều 25. Vi phạm quy định về cấm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích khác có hại cho sức khỏe 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: b) Bán cho trẻ em, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. |
VŨ THỦY