Vietlott SMS được ưu ái
Để sử dụng Vietlott SMS, người dùng vẫn phải tải ứng dụng Vietlott SMS về điện thoại, cài đặt, chọn các bộ số theo từng sản phẩm, sau đó đặt mua thì ứng dụng SMS mới tạo ra tin nhắn tự động để gửi đi đặt hàng. So sánh các ứng dụng có thể thấy, các kênh trung gian, ứng dụng mua hộ vé số hiện có trên điện thoại di động (IOS, CHplay) nói chung và kênh phân phối Vietlott SMS về bản chất là giống nhau. Các thao tác mua vé đều phải thực hiện trên điện thoại (có kết nối internet hoặc dữ liệu 3G, 4G, 5G). Đều là ứng dụng trên điện thoại di động, đều sử dụng internet, các thuật toán, thông qua ứng dụng để nhận đơn hàng từ người chơi, sau đó phát hành vé vật lý. Hai hình thức này khác nhau về tên gọi và 01 bên là ứng dụng mua hộ qua SMS được Vietlott cho phép, 01 bên là các ứng dụng mua hộ chưa được Vietlott cho phép nhưng có phát hành vé vật lý ghi đầy đủ thông tin khách hàng và có thể kiểm tra kiểm soát.
Vietlott SMS là sản phẩm của ai? Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2020 vấn đề hợp tác, xây dựng ứng dụng phân phối vé xổ số đã của Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện đã được đưa ra thảo luận tại đại hội cổ đông. Ngày 24/11/2020, Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện đã ký Hợp đồng số 01/HĐĐLĐT/VIETLOTT-MOBIFONE-CTIN với Tổng Công ty viễn thông Mobifone và Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam; ngày 19/12/2020 ký Hợp đồng số 02/2020/HĐĐLĐT/VIETLOTT-VNPTMEDIA-CTIN với Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam và Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV xổ số điện toán Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và Công ty cổ phần Đầu tư kỹ thuật số Việt. Sau ký kết, các bên đã cùng tạo ra: Vietlott SMS.
Tìm hiểu sâu hơn thì được biết, Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước, chủ sở hữu là Bộ Tài chính, với vốn điều lệ là 500 tỉ đồng, Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Thanh Đạm. Ông Nguyễn Thanh Đạm từng có 16 năm làm việc tại Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), từng giữ chức Trưởng phòng Xổ số và các trò chơi có thưởng.
Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện là doanh nghiệp chỉ có 31% vốn của nhà nước (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam), còn lại là vốn ngoài nhà nước với các cổ đông lớn gồm các ông/bà: Hà Thanh Hải (chiếm 12.94%), Hoàng Anh Lộc (chiếm 10.94%), Nguyễn Thế Thịnh (chiếm 10.31%). Trên báo cáo tài chính thể hiện, doanh nghiệp này có khoản thu trước ngắn hạn tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam 358 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội 257 tỉ đồng, Tổng Công ty viễn thông Mobifone 101 tỉ đồng).
Còn Công ty cổ phần Đầu tư kỹ thuật số Việt có các cổ đông gồm: Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện (chiếm 40%), Hoàng Anh Lộc (chiếm 10%), Lê Phương (5%), Phạm Quang Anh (5%). Giữa 02 doanh nghiệp này đều có chung lãnh đạo là ông Hoàng Anh Lộc.
Các tài liệu cho thấy biết, các dự án đầu tư có tính chất dài hạn của Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện như dự án liên danh cùng Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng Công ty viễn thông Mobifone cung cấp xổ số Vietlott trên nền tảng di động đang trong quá trình tạo thói quen hành vi tiêu dùng mới nhằm thu hút người sử dụng.
Thực tế hiện tại, nhà mạng, Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam và Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện đang nổ lực tìm kiếm lợi nhuận thông qua ứng dụng Vietlott SMS. Việc làm này dường như được Bộ Tài chính ủng hộ khi mới đây 24/8/2023 Vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) đã ký Văn bản số 9110/TB-TCNH, số 9111/TB-TCNH. Các văn bản đều khẳng định, các hình thức phân phối vé xổ số qua internet, qua các ứng dụng trên điện thoại đều là vi phạm, mặt khác Bộ Tài chính lại yêu cầu Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam “có kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS”.
Có dấu hiệu vi phạm điều cấm
Dưới góc độ pháp lý về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật sư Lê Cao (Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN) cho rằng: Nhằm giữ cho một thị trường ổn định, có sự phát triển và bảo vệ người tiêu dùng thì pháp luật cạnh tranh nhiều quốc gia trên thế giới và pháp luật Việt Nam đều nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Mới đây, Bộ Tài chính có Công Văn 9110/BTC-TCNH ngày 24/8/2023 đề cập đến các nội dung liên quan đến việc phân phối vé xổ số gây nên những đánh giá trái chiều là vấn đề rất đáng quan tâm và cần được hiểu rõ cặn kẻ về bản chất của các phản ứng.
Thực tế, việc Bộ Tài chính sử dụng hình thức công văn để “chấn chỉnh” hoạt động phân phối vé xổ số kiến thiết qua mạng internet dựa trên cơ sở các quy phạm pháp luật trước đây do Bộ Tài Chính ban hành. Cụ thể, tại Điều 12 Thông tư 75/2013/TT-BTC quy định vé xổ số chỉ được phân phối theo hai phương thức “bán trực tiếp cho khách hàng” và “thông qua hệ thống đại lý xổ số”. Thông tư này cũng quy định “không được phân phối qua các kênh: điện thoại (cố định, di động), các thiết bị điện tử, internet và phương tiện viễn thông khác”. Tại Điều 9 Thông tư 36/2019/TT-BTC quy định các phương thức phân phối xổ số tự chọn số điện toán gồm “bán trực tiếp cho khách hàng thông qua thiết bị đầu cuối”, “thông qua điện thoại cố định và điện thoại di động” và “thông qua internet”. Phương thức thông qua internet “chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận”.
Đối với việc có Công văn số 9110/BTC-TCNH nêu nội dung về việc cấm cản các doanh nghiệp khác hoạt động phân phối vé xổ số kiến thiết qua internet, nhưng lại công khai yêu cầu Vietlott SMS “có kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS” theo Luật sư Lê Cao có dấu hiệu của việc phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, lợi dụng quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh vốn là các hành vi bị cấm theo điểm b, điểm d khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018.
Theo Luật sư Lê Cao, mặc dù, đối chiếu những quy định liên do Bộ Tài chính ban hành thì có thể khẳng định rằng phân phối bằng các hình thức qua mạng internet mà không thuộc các trường hợp được phép và không được Bộ Tài Chính cho phép là vi phạm các quy định của Bộ Tài Chính ban hành. Thế nhưng, cũng chính Bộ Tài Chính lại hướng dẫn duy nhất cho một doanh nghiệp là Vietlott SMS kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS là đang “cấm cản” các doanh nghiệp khác nhón chân vào trong thị trường tiềm năng này thông qua các giải pháp liên quan đến việc sử dụng internet. Điều này đang tạo ra thế trận để đương nhiên Vietlott SMS sẽ độc quyền trong lĩnh vực phân phối xổ số qua internet bởi sẽ là nhà cung cấp sản phẩm xổ số duy nhất qua mạng internet, được tối đa hóa thị trường, lợi nhuận khi không có đối thủ cạnh tranh. Việc Bộ Tài Chính “xây rào” cho Vietlott SMS không chỉ gây hại cho các doanh nghiệp mong muốn kinh doanh cạnh tranh lành mạnh khác mà còn đang một mặt gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi họ không “được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh” theo khoản 9 Điều 4 Luật Bảo Vệ Người tiêu dùng. Bên cạnh đó điều này dễ dẫn đến việc Vietlott SMS sẽ lạm dụng vị trí độc quyền để thống lĩnh thị trường gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà theo Luật Cạnh Tranh 2018 thì đây là hành vi trái pháp luật và bị cấm.
Đề cập đến vấn đề cần thiết phải sửa đổi Thông tư 36/2019/TT-BTC và Thông tư 75/2013/TT-BTC, Luật sư Vũ Văn Biên (Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước) cho rằng đã đến lúc chấp thuận và cho triển khai phương thức phân phối vé xổ số qua internet.
Theo Luật sư Vũ Văn Biên, các ứng dụng phân phối vé xổ số hiện nay có rất nhiều tính ưu việt. Cùng với đó, một trong những yếu tố pháp lý quan trọng là tinh thần Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Bộ Chính trị thông qua và Quyết định 749/QĐ-TTg về phê duyệt “chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ cũng như các quyết định kế hoạch chuyển đổi số hằng năm của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Chính trị cũng như Chính phủ đều xác định yếu tố quan trọng là “hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng” và “xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh” và các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng.
Do vậy, Luật sư Vũ Văn Biên cho rằng, Bộ Tài chính cần rà soát lại các văn bản pháp luật, làm rõ, phân biệt cụ thể giữa thế nào là phân phối qua điện thoại và phân phối qua internet. Đánh giá việc cấm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua hộ vé xổ số đã thực sự khách quan hay chưa. Thêm vào đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu, tiến tới công nhận ngành nghề mua hộ vé xổ số, hoàn thiện cơ chế, giải pháp để quản lý hiệu quả nhất các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này thay vì cấm đoán.
“Việc này không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà còn thúc đẩy doanh số bán hàng, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh tế và làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước”, Luật sư Vũ Văn Biên nhấn mạnh.
PV