/ Pháp luật - Đời sống
/ VKSND Tối cao giải đáp vướng mắc về gia hạn thời hạn xét xử

VKSND Tối cao giải đáp vướng mắc về gia hạn thời hạn xét xử

16/09/2024 15:37 |4 tháng trước

(LSVN) - Ngày 09/9/2024, VKSND Tối cao đã ban hành Văn bản số 3854/VKSTC-V9 giải đáp vướng mắc về kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Theo đó, VKSND Tối cao đã trả lời một số vướng mắc về việc thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo VKSND tỉnh Lâm Đồng hiện nay, việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan theo khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 chưa được hướng dẫn. Trên thực tế có Tòa án mặc định thời hạn chuẩn bị xét xử bao gồm cả thời hạn gia hạn nên đương sự thường gửi đơn khiếu nại về việc chậm giải quyết vụ án.

Liên quan đến vấn đề này, VKSND Tối cao cho biết khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định các trường hợp gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử là “vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”.

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.

Khoản 3 Điều 14 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có hướng dẫn về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử (thế nào là vụ án có tính chất phức tạp, trở ngại khách quan, lý do chính đáng).

Hiện nay, mặc dù Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực nhưng nếu quy định về vấn đề này của BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và BLTTDS năm 2015 không có điểm gì khác biệt thì vẫn có thể tham khảo để áp dụng.

Việc mặc định thời hạn chuẩn bị xét xử bao gồm cả thời hạn gia hạn mà vụ án không thuộc trường hợp có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan là không đúng.

Cũng liên quan đến vấn đề gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, VKSND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng BLTTDS không quy định Tòa án phải gửi quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử cho Viện Kiểm sát nên Viện Kiểm sát không có căn cứ để xác định Toà án có vi phạm quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử không?

Theo VKSND Tối cao, Viện Kiểm sát căn cứ ngày, tháng, năm Toà án thụ lý vụ án (theo Thông báo về việc thụ lý vụ án) và khoản 1 Điều 203 BLTTDS để kiểm sát thời hạn chuẩn bị xét xử. Hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà Toà án không ban hành 01 trong 04 quyết định quy định tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS thì có thể trao đổi với Toà án để nắm được vụ án có được gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử không.

Trong Danh mục 93 biểu mẫu trong tố tụng dân sự (được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao) không có mẫu Quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nên Toà án có thể không ban hành quyết định riêng về việc này. BLTTDS không quy định Toà án phải thông báo cho Viện Kiểm sát về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

Do vậy, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để tham gia phiên toà, Kiểm sát viên kiểm sát việc Toà án thực hiện quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử, gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử (nếu có). Nếu có căn cứ cho thấy Toà án có vi phạm thì Kiểm sát viên phát biểu nêu rõ tại phiên toà. Nếu vi phạm là phổ biến thì Viện kiểm sát tổng hợp để kiến nghị bằng văn bản với Toà án.

HÀ ANH

Bùi Thị Thanh Loan